Có ít nhất 50%, thậm chí 70%, ca khúc nhạc ngoại được sử dụng trong những chương trình thi hát trên truyền hình dành cho cả người lớn lẫn trẻ em. Các ca khúc được chọn đều là những ca khúc “hit” (ăn khách) của thị trường âm nhạc thế giới hoặc nằm trong tốp đầu bảng xếp hạng âm nhạc Âu - Mỹ.
Thi nhau hát tiếng Anh
Thế nhưng, phần lớn khán giả theo dõi chương trình truyền hình hiện nay, việc thưởng thức những ca khúc tiếng Anh khó trọn vẹn vì rào cản ngôn ngữ và cả cách thể hiện tiếng Anh không đạt chuẩn của người hát. Thực tế này khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao nhạc quốc tế bây giờ không được dịch, chuyển lời sang tiếng Việt như nhiều thập niên trước?
Có nhiều lý giải từ giới chuyên môn về sự biến mất của dòng nhạc quốc tế chuyển ngữ tiếng Việt trong những thập niên gần đây. Trong đó, “người trình diễn cố gắng bắt chước cho giống bản gốc” là một lý do, như lời nhận định của nhạc sĩ Quốc Bảo. Thí sinh trong các cuộc tranh tài đều muốn sử dụng bài hát tiếng Anh nguyên bản để “phô diễn” kỹ thuật thanh nhạc, giọng hát “chất lượng” của mình. Những cái tên Hương Tràm, Đinh Hương, Uyên Linh,… đã gặt hái thành công ở các cuộc thi hát trên sóng truyền hình bởi những bản tình ca ngoại quốc đẳng cấp thế giới. Khán giả cũng đã thấy nhiều giọng ca nhí ở các cuộc thi hát cố chứng tỏ tài năng của mình qua những ca khúc tiếng Anh thời thượng, những bản ăn khách của ca sĩ nổi tiếng thế giới…
“Nhạc pop hiện nay ở các nước châu Á thường có trào lưu là hát tiếng Anh thay luôn tiếng bản địa. Họ chen vào tiếng Anh lẫn bản ngữ, tựa đề cũng sính tiếng Anh. Có khi cả bài đều là tiếng Anh. V-pop cũng chịu ảnh hưởng đó. Cho nên việc hát lại bài hát nước ngoài bằng tiếng Việt không còn là hứng thú của ca sĩ nữa” - nhạc sĩ Trần Minh Phi lý giải.
Theo nhạc sĩ Lê Quang: “Giới trẻ ngày nay thích hát nhạc tiếng Anh nguyên bản bởi tiếng Anh trở thành ngôn ngữ phổ biến. Vì vậy, công việc chuyển ngữ tiếng Việt những ca khúc tiếng Anh gần như không hợp thời. Việc chuyển ngữ sang tiếng Việt không nhiều người có khả năng làm tốt, làm hay nên người hát chọn cách thể hiện ca khúc nguyên bản là giải pháp an toàn”.
Vẫn đang là nhu cầu
Nhạc ngoại lời Việt bao gồm cả nhạc chuyển ngữ tiếng Việt và đặt lời tiếng Việt trên nền nhạc ngoại. Có nhiều ca khúc nhạc ngoại lời Việt của cả 2 hình thức này đã rất thành công trong đời sống tân nhạc của Việt Nam nhiều thập kỷ qua.
“Viết lời Việt cho ca khúc nước ngoài không khó. Dĩ nhiên công việc này đòi hỏi người soạn lời phải hiểu tiếng nước ngoài và nước mình. Nhưng tại sao giờ lại ít dạng nhạc này như thế (nhạc Mỹ, Hàn đều được người Việt hát bằng tiếng gốc)?” - nhạc sĩ Quốc Bảo đặt câu hỏi.
“Dù âm nhạc là ngôn ngữ toàn cầu nhưng để người hát và người nghe cảm nhận một cách trọn vẹn ca khúc, việc hiểu lời ca là cực kỳ quan trọng” - nhạc sĩ Việt Anh nói.
Ngoài ra, hiện Việt Nam đã là thành viên của Hiệp hội Bản quyền âm nhạc quốc tế nên việc đặt lời hay chuyển, soạn lời cho các bài hát quốc tế trở nên phiền phức và khó khăn hơn ở khâu phát hành. Theo Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, những bài hát nước ngoài được Việt hóa phần lời phải được phép sử dụng bản quyền của tác giả. Có trường hợp người sử dụng phải liên lạc trực tiếp với tác giả để xin phép. Chính điều này khiến nhiều ca sĩ thấy “ngại”.
Mới đây, một số ca khúc trong bộ phim truyền hình ăn khách của Hàn Quốc “Hậu duệ của mặt trời” được vài ca sĩ Việt chuyển ngữ và hát lại nhưng đều gặp rắc rối về mặt bản quyền nên chỉ dừng lại ở phát hành online.
Cũng có những trường hợp ca sĩ tìm mua bản quyền ca khúc ngoại mà mình yêu thích để chuyển ngữ nhưng như lời Lâm Thành Kim (quản lý ca sĩ Bảo Anh, từng tìm mua bản quyền ca khúc “Be my lover” cho ca sĩ Bảo Anh): “Đó là một quá trình rất mất thời gian và khó khăn, nếu không đủ kiên nhẫn sẽ dễ bỏ cuộc”. Chưa kể, khoản phí tác quyền sử dụng ca khúc ngoại chuyển ngữ lên đến vài chục ngàn USD là bình thường.
Ca sĩ Ái Phương, chuyển ngữ ca khúc “Everything” trong phim “Hậu duệ của mặt trời”, cho biết chuyển ngữ dù hay cỡ nào cũng không giữ được toàn bộ tinh thần của ca khúc gốc. Hơn nữa, ca sĩ, nhạc sĩ trẻ hiện nay muốn có và cần làm là những ca khúc thuần Việt nên ca khúc chuyển ngữ chưa cần thiết đối với họ.
Còn theo nhạc sĩ Trần Minh Phi, không loại trừ có một số tác giả muốn nhanh nổi tiếng và có nhiều tiền lại không phải vất vả xin phép sử dụng bản quyền, cứ thấy bài hát ngoại nào hay, nổi tiếng, đang ăn khách là dựa vào để viết nhái lại thành một ca khúc na ná. Nếu bị công luận chỉ trích, họ biện minh rằng đó chỉ là do ảnh hưởng hoặc sự trùng hợp ngẫu nhiên. Thực tế, trong V-pop đã từng xảy ra trường hợp đó.
“Có nhiều lý do để giải thích cho việc thiếu vắng dòng ca khúc nhạc ngoại lời Việt nhưng tôi dám khẳng định việc chuyển ngữ cho các ca khúc ngoại vẫn còn nằm trong nhu cầu và sự quan tâm của công chúng” - nhạc sĩ Quốc Bảo nói.
Những ca khúc nhạc ngoại lời Việt bất hủ
Có thể kể đến: “Trưng Vương khung cửa mùa thu” (“Tell Laura I Love her”), “Mây lang thang” (“The Cowboy’s Work Is Never Done”), “Dĩ vãng buồn” (“I’ll Never Fall In Love Again”), “Tình ca cho em” (“Goodbye To Love”), “Như mùa thu lá bay” (“Ben”), “Chỉ là giấc mơ qua” (“Yellow Bird”), “Một thời để yêu” (“Les Amoureux Qui Passent”), “Phút bên em” (“L’Amour Avec Toi”)... do tác giả Nam Lộc chuyển ngữ. Nói về tác phẩm chuyển ngữ, nhạc sĩ Phạm Duy có rất nhiều, từ nhạc pop đến cổ điển, bán cổ điển. Nhạc dân ca nước ngoài cũng có. Nhạc Anh, Pháp, Nhật gì cũng đủ. Và tất nhiên cũng là những tác phẩm tương xứng với nguyên bản và nổi tiếng dài lâu như: “Khúc hát thanh xuân” (“When We Were Young”), “Chiều tà” (“Sérénata”), “Vũ nữ thân gầy” (“La Cumparsita”), “Dạ khúc” (“Sérénade”), “Dòng sông xanh” (“Le Beau Danube Bleu”), “Trở về mái nhà xưa” (“Back To Sorriento”), “Chuyện tình” (“Love Story”), “Những mùa nắng đẹp” (“Seasons In The Sun”), “Chủ nhật tươi hồng” (“Beautiful Sunday”), “Khi xưa ta bé” (“Bang Bang”), “Ôi giàn thiên lý đã xa” (“Chèvrefeuille Que Tu Es Loin”)…
Những ca khúc chuyển ngữ từ nhạc Nga cũng trở thành ca khúc nằm lòng đối với công chúng như: “Chiều Matxcơva”, “Đôi bờ”, “Triệu đóa hoa hồng”...