Đã có rất nhiều vụ ngộ độc, tai nạn xảy ra nhưng dường như chưa làm các em sợ, chưa thu hút được sự chú ý của phụ huynh.
La liệt hàng quán
Hàng quán bao vây trường học là tình trạng phổ biến ở bất kỳ trường học nào, từ mầm non đến THPT, CĐ rồi ĐH. Hàng quán mọc ra một phần phục vụ nhu cầu của chính học sinh và phụ huynh.
Nhiều bậc cha mẹ do không có nhiều thời gian nên buổi sáng thường mua cho con gói xôi, bánh mỳ để vừa đi đường vừa ăn hoặc đưa con đi học rồi tiện đâu ăn đó. Trẻ lớn hơn thì cho vài đồng để ăn sáng ở gần trường…
Từ việc phục vụ đồ ăn sáng, nhận thấy nhu cầu của học sinh là mảnh đất màu mỡ nên các chủ cửa hàng mở cửa cả ngày, bán nhiều loại đồ ăn, thức uống khác nhau. Ăn xong thì phải chơi nên quán điện tử, đồ chơi cũng vì thế mà cơ hội sống ở gần vực trường học.
Dạo quanh một vòng trường học sẽ thấy đây được ví như thiên đường ăn uống không sai. Hoa quả tươi, hoa quả dầm đến bánh mỳ, xôi, nước ngọt các loại, ô mai.
Kế bên là quầy bán bóng bay, đồ chơi và xa hơn chút nữa là cửa hàng điện tử. Được cha mẹ cho tiền ăn sáng hay tiêu vặt, các em tha hồ lựa chọn theo ý thích của mình. Với trẻ nhỏ, được người lớn chiều nên hôm thì được thưởng cái xúc xích, hôm quả bóng bay hay một món đồ chơi nào đó.
Sẽ chẳng có gì để nói nếu như những hàng quán trên bán đồ đảm bảo vệ sinh, an toàn. Nhưng thực tế cho thấy năm nào các địa phương cũng ghi nhận tình trạng ngộ độc thực phẩm do học sinh ăn uống ở vỉa hè, hàng quán gần trường học.
Mới đây nhất, hàng chục học sinh tiểu học ở huyện An Minh (Kiên Giang) có dấu hiệu bị ngộ độc sau khi chơi “bom thối”. Xác minh ban đầu cho thấy một số em mua đồ chơi trên ở cổng trường và cùng nhau chơi đùa. Khi quả bom này phát nổ bốc ra mùi hôi nồng nặc, khó chịu làm hàng loạt học sinh ngất xỉu, nhiều em phải nhập viện
Bóng bay cũng là đồ chơi yêu thích của trẻ em. Lâu nay, phần lớn các bậc cha mẹ cho rằng chúng an toàn vì được thổi bằng hơi nhưng qua những vụ nổ bóng bay gây bỏng mới thấy đây chẳng khác nào quả bom… nổ chậm.
Nguyên nhân do bóng bay ngày nay được bơm bằng khí hydro nên khi gặp nguồn nhiệt như ánh nắng mặt trời, bị cọ xát, tàn thuốc lá… sẽ nổ và gây thương tích cho người đứng gần.
Trung thu vừa qua, một chùm bóng bay phát nổ khiến 9 người già đến trẻ ở Quảng Bình bị thương nặng. Trước đó, Hà Nội cũng ghi nhận một vụ nổ liên quan đến bóng bay khiến 2 bà cháu phải nhập viện. Tại Trường ĐH Khoa học Huế, 3 sinh viên bị bỏng nặng do dùng bật lửa đốt sợi dây nhằm chia nhỏ chùm bóng bay…
Nhiễm độc từ… đồ chơi
Chỉ cần 500 đồng đến 1.000 đồng, trẻ có thể mua được chiếc kẹo sáo, gói bim bim hổ hay nhiều loại nước uống tự chế khác. Những thực phẩm trên đều không có nguồn gốc rõ ràng. Nếu không may, học sinh ăn vào có thể bị ngộ độc. Tuy nhiên, đây là ngộ độc cấp tính nên có thể phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Nguy hại hơn là việc những thực phẩm, đồ chơi trên chứa chất độc hại, ngấm dần vào người mà không ai biết. Cách nay không lâu, báo chí đã phát hiện lồng đèn nhựa Trung Quốc chứa chất gây nguy hại cho sức khỏe là cadimi.
Lượng cadimi qua kiểm nghiệm chứa trong đồ chơi bắt mắt trẻ con nhiều gấp 123 lần mức cho phép. Tiếp đó, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng) cũng phát hiện các mẫu cốc thủy tinh có nguồn gốc từ Trung Quốc có hàm lượng chì cao gấp hàng ngàn lần so với quy định cho phép.
Ở TPHCM, cơ quan chức năng cũng tìm thấy chì trong lớp sơn phủ đồ chơi cờ tướng của trẻ em, lượng chất độc này cao gấp 9 lần cho phép.
Không chỉ ở trong nước, báo chí Anh và Pháp cũng đưa tin về quyết định cấm, tịch thu và hủy hàng loạt đồ chơi do Trung Quốc sản xuất vì chứa chất phtalat độc hại.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn An (Trung tâm Đào tạo và phát triển cộng đồng), đồ ăn, đồ chơi chứa chất độc hại vô cùng nguy hiểm với trẻ nhỏ.
Chất cadimi có trong đồ chơi được liệt vào hàng chất độc nhất với cơ thể con người. Chất này thường được dùng làm phẩm màu, cho vào sơn.
Cho dù chất trên trong ngưỡng cho phép thì khi trẻ chơi đồ chơi không chỉ sờ, nắm mà còn hay liếm, cắn, ngậm nên chắc chắn sẽ hấp thu độc chất nếu đồ chơi đó chứa độc chất.
Ngày nay, các nhà khoa học đã xác định cadimi là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh như loãng xương, thiếu máu, suy gan thận nặng, gây ra nhiều loại ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi...
Còn khi cơ thể tiếp nhận quá nhiều chì sẽ gây thiếu máu. Chất phtalat được tìm thấy trong đồ chơi, mỹ phẩm có thể làm xáo trộn nội tiết, gây dậy thì sớm ở trẻ…