Tạp chí Biology Letters đưa tin, sau thời gian theo dõi đường đi các hạt nhựa phát sáng trong hệ sinh thái, các nhà khoa học Anh đã kết luận rằng chính muỗi là loài làm lây lan các hạt nhựa nhỏ li ti từ các ao hồ đến các hệ sinh thái khác khi tích tụ vào cơ thể ở giai đoạn ấu trùng.
Theo các nhà nghiên cứu, về sau, các hạt nhựa này được tìm thấy trong cơ thể các loài chim cũng như các loài động vật khác ăn côn trùng và hạt nhựa có thể là mối nguy hiểm lớn đối với chúng.
Ấu trùng muỗi sống trong các ao hồ và ăn những hạt thức ăn nhỏ li ti luôn có sẵn trong nước. Đồng thời, chúng không chọn lọc thức ăn để nuôi sống bản thân, chúng chỉ đơn giản là trườn trên mặt nước, qua đó tạo ra một dòng nước mang các hạt thức ăn trực tiếp vào miệng, mà không cần lọc. Cùng với các mẩu thức ăn, các hạt nhựa nhỏ nhất cũng đi vào cơ thể ấu trùng. Các nhà khoa học đã theo dõi đường đi của những hạt này trong cơ thể của ấu trùng và sau đó là ở con muỗi đã trưởng thành.
Để có kết quả rõ nét hơn, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm bằng cách bổ sung các hạt nhựa phát sáng vàng và màu xanh (kích thước khoảng một vài micromet) vào các thùng chứa nước có thả ấu trùng muỗi. Khi ấu trùng phát triển, các nhà khoa học đã phát hiện ra sự tích tụ nhựa phát sáng trong các mao mạch Malpighia của côn trùng, một cơ quan tương tự như thận ở người.
Như vậy, các hạt nhựa nhỏ nhất không được thải ra khỏi cơ thể của ấu trùng và vẫn lưu lại trong cơ thể của côn trùng, ngay cả khi ấu trùng trở thành muỗi. Từ đây, muỗi trưởng thành mang các hạt tích tụ vào môi trường sống mới và trở thành thức ăn cho các loài côn trùng lớn hơn, chim muông... Theo các nhà khoa học, điều này có thể gây nguy hiểm cho nhiều loài côn trùng trên cạn và dưới nước.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học mới chỉ thực hiện với muỗi nhưng trên thực tế còn có nhiều loài côn trùng khác sinh sống cả ở trong nước có vòng đời tương tự và ấu trùng của chúng cũng ăn những vật chất trong nước và lớn lên.
Những loài côn trùng này sau đó lại có thể trở thành thức ăn của những loài khác như chim, dơi hay nhện và những động vật này lại tiếp tục trở thành thức ăn cho những loài động vật lớp trên và từ đó hoàn toàn có thể xâm nhập vào chuỗi thực phẩm của con người.
Về cơ bản, các nhà khoa học coi đây là một cách thức khác gây ra ô nhiễm mà con người chưa từng xem xét đến, đồng thời khẳng định đây là một vấn đề lớn vì những hạt nhựa này đã tồn tại trong môi trường và sẽ tồn tại rất lâu.