Phản ánh đến Báo GD&TĐ, nhiều phụ huynh học sinh cho biết, tuyến đường đê sông cũng như bãi bồi ven sông Cấm đoạn qua địa phận xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên phải “oằn mình” gánh chịu sức tải từ hoạt động của các công trình như trạm bê tông, khu neo đậu sửa chữa tàu thuyền lớn, trạm nghiền đá, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh…
Tình trạng này không những gây ảnh hưởng đến an toàn thân đê, công trình thủy lợi mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Bà T,. sinh sống ngay sát bờ sông Cấm ở thôn 3, xã An Sơn cho biết: Dọc tuyến bãi bồi ven sông Cấm trước đây bà con trong làng chỉ trồng trọt, chăn nuôi. Khoảng 6 - 7 năm nay nhiều đơn vị về họ mua lại của dân rồi dựng lên các công trình như trạm bê tông, âu tàu để sửa chữa tàu... Bãi bồi ven sông chạy dọc nhiều cây số giờ được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.
Ghi nhận cho thấy, chỉ có một đoạn ngắn bãi bồi ven tuyến đê sông Cấm thuộc địa phận thôn 3, xã An Sơn có nhiều âu tàu phục cho việc sửa chữa, phá dỡ tàu thuyền. Bên cạnh đó, trạm bê tông có tên gọi là A Tám hoạt động rầm rộ, bến bãi, tập kết vật liệu xây dựng…
Một hộ dân (đề nghị không nêu tên) sinh sống ở gần trạm bê tông A Tám cho biết: “Trước dân hợp đồng với địa phương cấp xã, huyện ở khu bãi bồi ven sông là 3 – 5 năm với mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng sau đó, một số hộ có “nhượng” lại cho các cá nhân, đơn vị. Họ xây dựng trạm trộn bê tông, âu tàu, bến bãi tập kết cát đá…
“Mấy năm nay hết hạn thuê đất, huyện với thành phố dừng không cho gia hạn thêm. Dù hết hạn hợp đồng thuê đất bãi bồi nhưng các đơn vị họ vẫn ngang nhiên hoạt động sản xuất”, một người dân địa phương cho hay.
Hiện tại, những bãi bồi ven sông Cấm đoạn qua xã An Sơn chỉ còn vài hộ gia đình còn giữ được nguyên hiện trạng thực hiện đúng mục đích chăn nuôi, canh tác nông nghiệp.
Gia đình ông T.V.T, là một trong số ít còn giữ nguyên trạng khu bãi bồi ven sông. Ông T., cho biết, khoảng năm 2017, dọc tuyến bãi bồi nở rộ các hoạt động làm âu tàu để sữa chữa tàu thuyền lớn, số ít làm tập kết vật liệu cát đá, cả trạm nghiền đá…
“Năm 2019, thành phố không gia hạn thuê đất khu vực bãi bồi ven sông cho các hộ dân nên số ít còn giữ được nguyên trạng đất. Tiếng ồn, bụi, ô nhiễm chất thải, dầu mỡ… ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Đặc biệt là trạm bê tông A Tám, cao điểm vào chập tối là họ bơm xi măng bụi bay mù mịt”, ông T,. nhấn mạnh.
Trao đổi (qua điện thoại) với Báo GD&TĐ, ông Phạm Văn Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết, trước đây bãi bồi ven sông bà con chủ yếu cấy lúa, trồng trọt sau đó mới chuyển sang làm dịch vụ như: Sửa chữa tàu thuyền, trạm bê tông, trạm xay nghiền đá…
“Trước đây địa phương có hợp đồng thuê đất với với các hộ, từ năm 2019 đến nay theo quy định không thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương mà thuộc thành phố quản lý. Hiện tại thành phố chưa có chủ trương gia hạn thêm hay triển khai cụ thể, hoạt động ven bãi bồi đang là trạng thái tự do. Địa phương cũng như các hộ kinh doanh, công ty cũng muốn thành phố sớm có cơ chế tháo gỡ khó khăn, có định hướng để họ ổn định sản xuất”, ông Phạm Văn Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn nói.
Phó chủ tịch xã An Sơn cũng thừa nhận lo ngại về vấn đề kiểm soát môi trường, mất an toàn hành lang đê sông, sức quá tải của đê sông, công trình thủy lợi bị ảnh hưởng do hoạt động của các công trình mọc lên ở bãi bồi ven sông, trong khi đó đê sông Cấm là thuộc đê cấp 3.