Hẹn gặp lại nhau mùa hoa đào nở

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thực ra, còn thiếu chữ 'Hà Nội' ở đầu câu cho tựa tập thơ. Nhưng tôi thích cái tiêu đề ở trên hơn, nó gợi nhiều cảm xúc.

Đọc 'Hà Nội - Hẹn gặp lại nhau mùa hoa nở', độc giả như cùng tác giả đi xuyên suốt theo thời gian… Ảnh: TG.
Đọc 'Hà Nội - Hẹn gặp lại nhau mùa hoa nở', độc giả như cùng tác giả đi xuyên suốt theo thời gian… Ảnh: TG.

Tiểu Thu là tiến sĩ văn học. Vậy nên chẳng ngạc nhiên khi cô… viết văn. Viết không nhiều, nhưng những trang viết của cô luôn cô đọng, như có gì đó cố nén lại, ngăn dòng cảm xúc tuôn trào. Tâm tư đó, mà triết lý cũng nhiều, câu hỏi luôn tràn ngập. Nhưng hỏi để mở, hỏi không bắt phải trả lời, mà hỏi để cùng nghĩ suy. Hãy đọc khổ thơ này trong bài “Mùa về” (trang 12):

“Em về chưa

Đừng im lặng như thế

Mùa đã chuyển

Đông không lạnh và Xuân thì đầy nắng

Hoa chanh nở ngát mùi hương

Cúc ngoài vườn đang khoác màu áo mới

Đào nảy bông. Mai khoe sắc cùng mây…”.

Cả một khổ thơ là hỏi để tả, thậm chí là tả hơi lan man. Nhưng đừng vội. Thơ không vội được và đừng vội đánh giá ở mỗi đoạn, mỗi câu. Cái kết mới là lời đáp, đáp mà như không, nghe rồi thấy thêm bâng khuâng cho người được hỏi:

“Về đi em

Ta hẹn cùng mùa Xuân…”.

Tác giả sử dụng chính hình ảnh của mình, hoặc những tấm ảnh do chính mình chụp, làm bìa và các trang minh họa. Ảnh: TG.

Tác giả sử dụng chính hình ảnh của mình, hoặc những tấm ảnh do chính mình chụp, làm bìa và các trang minh họa. Ảnh: TG.

Thực ra, ngòi bút của Tiểu Thu thể hiện thế mạnh và nhiều đất diễn hơn ở thể tạp văn, tùy bút. Câu văn không cầu kỳ, cấu trúc không sắp đặt gò bó. Con chữ cứ tự nhiên trải xuống như lời tâm sự, nói đúng hơn là tự sự. Hãy đọc một trích đoạn sau ở tản văn “Hà Nội đẹp nhất… khi nào?” (trang 39):

“Tháng Tư, xà cừ mùa trút lá. Ta từng cảm nhận điều tuyệt vời đó trong một đêm tháng Tư cũ. Khi ấy, cơn gió đi qua cuốn theo lá vàng, chao nghiêng trước khi đáp xuống mặt đất. Gió và lá tạo ra bức tranh sống động, đẹp và thanh bình. Ta gọi tháng Tư Hà Nội - tháng của niềm nhớ”.

Hay trích đoạn này nữa trong bài “Đi ngang qua tháng Năm” (trang 42), tả cảnh đó mà hay đang ngẫm về người, về cuộc đời, hoặc bảo rằng tác giả đang tâm sự với chính mình, cũng đúng:

“Con phố như người đàn bà bước qua ngưỡng bốn mươi. Có hiện đại nhưng cũng có một chút truyền thống của điều xưa cũ bên những đứa con thơ chưa đến tuổi trưởng thành, nghịch ngợm và ngang ngạnh muốn khẳng định mình”.

Đọc “Hà Nội - Hẹn gặp lại nhau mùa hoa nở”, độc giả như cùng tác giả đi xuyên suốt theo thời gian của một vòng quay Trái đất quanh Mặt trời. Từ Giêng - Hai, cho đến tháng Chạp hoa đào nở. Có sự rộn ràng mùa Xuân, tươi sáng mùa Hạ, hiu hiu mùa Thu và lạnh lùng của tiết Đông.

Khổ sách là lạ với kích cỡ 15 x 15cm; càng lạ hơn khi tác giả sử dụng chính hình ảnh của mình, hoặc những tấm ảnh do chính mình chụp, làm bìa và các trang minh họa. Mọi cái cứ tự nhiên đặt ra đó, y như những trang viết, dù là thơ hay tản văn, cũng thản nhiên thả những con chữ dưới ngòi bút, không cầu kỳ, không sắp đặt.

Hà Nội ngày Đông giá, trong một quán cà phê nơi phố vắng, nhẩn nha lướt theo thời gian cùng Tiểu Thu, tôi như được đếm theo dòng thời gian, hệt thời thơ trẻ, đếm từng ngày để mong đến Tết, được thấy cành đào phai, được ăn bánh chưng xanh và mật ngọt.

Lạ kỳ, cả cuốn sách gần 150 trang, không có đoạn nào tả về Tết, có chăng là những mùa đi ngang qua thành phố để cuối cùng đọng lại ở tiết Xuân thì. Hay bởi những bài viết mà như tự sự của tác giả, khiến người đọc bỗng thấy bâng khuâng.

Và thật lòng, tôi cũng muốn được một lời hẹn của ai đó, về sự trùng phùng giữa Hà thành khi hoa đào khoe sắc…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ