Hệ thống tiêm chủng sẽ liên thông với quốc tế, sẽ có hộ chiếu vaccine COVID-19

GD&TĐ - “Hệ thống tiêm chủng của Việt Nam sau này sẽ liên thông với quốc tế, sau này là hộ chiếu vaccine, quản lý toàn bộ bằng QR code”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.

Lô vaccine ngừa COVID-19 nhập khẩu đầu tiên về tới Việt Nam hôm 24/2 - Ảnh: Tiền phong.
Lô vaccine ngừa COVID-19 nhập khẩu đầu tiên về tới Việt Nam hôm 24/2 - Ảnh: Tiền phong.

Tại hội nghị tập huấn trực tuyến công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích những điểm khác với quốc tế trong tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Việt Nam.

Trước hết, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, khác với các nước và khác với các quy trình tiêm chủng trước đây, Việt Nam sẽ thực hiện khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng, dù mất nhiều thời gian hơn.

Thứ 2, để quản lý thông suốt và đồng bộ chiến dịch tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ quản lý dữ liệu từng người tiêm trên hệ thống hồ sơ sức khoẻ cá nhân. Việt Nam hiện đã hoàn tất hơn 97 triệu hồ sơ.

Bộ Y tế yêu cầu từng cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng phải tải phần mềm do Bộ Y tế thiết kế để phục vụ tiêm chủng tốt nhất.

Với mỗi người dân phải tải ứng dụng hồ sơ sức khoẻ. Việc này vừa giúp ngành y tế tăng cường chủ động giám sát từ cơ sở y tế vừa nhanh chóng nhận được phản ánh người dân về những bất lợi sau tiêm.

“Hệ thống tiêm chủng của Việt Nam sau này sẽ liên thông với quốc tế, sau này là hộ chiếu vaccine, quản lý toàn bộ bằng QR code”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Trước đó, 117.600 liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên đã về đến Việt Nam vào ngày 24/2. Đây là sự kiện đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, qua đó mở ra cơ hội "phủ sóng" vaccine ngừa COVID-19 trong toàn dân.

Tại cuộc họp về tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 diễn ra ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam với hơn 100 triệu liều.

Vấn đề bảo quản vaccine cũng được bàn bạc, rà soát kỹ. Hệ thống kho lạnh ở các khu vực đủ khả năng bảo quản vaccine, các thiết bị vận chuyển vaccine tới các trạm y tế, các điểm tiêm lưu động cũng đảm bảo.

Thảo luận về đánh giá sau tiêm, các đại biểu nhấn mạnh bất cứ vaccine nào cũng không thể đảm bảo được độ an toàn 100%, nhất là vaccine phòng COVID-19 mới được phát triển trong thời gian ngắn. Do đó, việc theo dõi đánh giá phản ứng sau tiêm rất quan trọng. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn đánh giá này, nhưng tới đây sẽ phải tiếp tục làm rõ để không gây hoang mang trong người dân với những phản ứng sau tiêm.

Ngoài lô vắc xin này, Bộ Y tế đang tiếp tục xúc tiến việc nhập các vắc xin phòng COVID-19 từ các nhà sản xuất khác theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai tiêm vắc xin nhanh chóng và đúng theo thứ tự ưu tiên.

GS.TS Nguyễn Thanh Long - bộ trưởng Bộ Y tế - khẳng định những liều vắc xin COVID-19 đầu tiên này đã có mặt kịp thời trong lúc cả nước đang ứng phó với đợt bùng phát mới. 

"Chúng tôi sẽ ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu và các đối tượng theo quy định của Chính phủ, và hướng đến cung cấp đầy đủ vắc xin cho người dân trong năm 2021. Vắc xin này sẽ giúp chúng ta tiến một bước gần hơn tới việc vượt qua đại dịch COVID-19 và đưa cuộc sống trở lại bình thường", ông Long nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.