Hệ sinh thái phát triển khoa học

GD&TĐ - Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến năm học 2016 - 2017, đã có 491 nhóm giảng dạy, nghiên cứu được thành lập tại các cơ sở đào tạo.

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Con số này hiện nay chắc chắn tăng hơn rất nhiều. Đây là nơi tập hợp thầy giỏi, trò giỏi, tạo ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp nhà trường tăng cường chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, khẳng định vị thế. Sự hình thành, phát triển của nhóm nghiên cứu, có thể nói mang tính quyết định đến sự phát triển của một ngành/lĩnh vực trên phạm vi quốc gia, quốc tế.

Tuy nhiên, khó khăn với các nhóm nghiên cứu còn không ít. Bên cạnh vấn đề chính sách còn là cái khó gắn với những vấn đề còn trăn trở trong các cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, tiềm lực khoa học - công nghệ của các trường còn thiếu, yếu: Phòng thí nghiệm hiện đại không nhiều; đội ngũ cán bộ nghiên cứu chưa đủ mạnh, đặc biệt, thiếu đội ngũ các nhà khoa học đầu đàn; chưa hỗ trợ cho các nhóm nghiên cứu mạnh; thiếu cơ chế thu hút các chuyên gia giỏi ở nước ngoài cùng tham gia triển khai các nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước...

PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) và cộng sự trong tham luận góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học (phiên bản 1/4/2019) đã chỉ ra những rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển của nhóm nghiên cứu mạnh.

Trong đó, có sự thiếu tự chủ của người đứng đầu nhóm nghiên cứu; sự thiếu đầu tư bài bản, chưa “dài hơi, vun cao” cho một hướng nghiên cứu; quản lý đề tài nặng về hành chính… Từ đó cho rằng, trước hết cần tập trung khắc phục những rào cản cho sự phát triển của nhóm nghiên cứu mạnh. Chính sách cần tạo niềm tin từ hệ sinh thái phát triển khoa học, không phải những phần thưởng, quyền lợi ngắn hạn; đặt sự phát triển nội tại là một mục tiêu không thể thay thế...

Với vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, cơ quan quản lý Nhà nước, việc hình thành, phát triển các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh rõ ràng cần phải được quan tâm hơn mạnh mẽ hơn nữa. Năm 2019, đoàn khảo sát của Bộ GD&ĐT đã làm việc với nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước thuộc các khối, ngành, khu vực khác nhau để lấy ý kiến đối với 3 cơ chế chính sách trong các cơ sở giáo dục đại học; trong đó có xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh. Đáng chú ý nhất phải kể đến Nghị định số 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, ban hành cuối năm 2022.

Với Nghị định này, lần đầu tiên Việt Nam có văn bản quy định về nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học với điều kiện thành lập; tiêu chí công nhận; tiêu chuẩn trưởng nhóm và thành viên; chính sách ưu đãi và kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi cho nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học... Dù có ý kiến cho rằng tiêu chí với nhóm nghiên cứu mạnh cao, nhưng nhiều nhà nghiên cứu bày tỏ kỳ vọng vào các ưu đãi cho nhóm nghiên cứu mạnh, ví dụ như: Nhóm nghiên cứu mạnh sẽ được cơ sở giáo dục đại học cấp kinh phí hoạt động thường xuyên.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học khảo sát thực trạng hoạt động của nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh, thời gian hoàn thành trước 15/6. Khảo sát là một trong những nhóm việc để Bộ GD&ĐT có căn cứ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án hình thành, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học” và “Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0” trong năm 2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.