Ông Hà Thanh Quốc (Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam): Đồng hành cùng học sinh trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT
HS đã nghỉ hè, nhưng công việc của thầy cô từ sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, đến các nhà trường vẫn đang tiếp tục. Một trong những việc mà ngành Giáo dục cả nước, trong đó có Quảng Nam đang tích cực chuẩn bị là Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kết thúc năm học đến khi Kỳ thi diễn ra chỉ hơn 1 tháng, có nhiều công việc cần phải triển khai. Trong đó làm sao để HS có kiến thức, tâm lý vững vàng nhất trước khi bước vào Kỳ thi là điều GV quan tâm nhất.
Quảng Nam có 18 huyện thị, trong đó có tới 9 huyện miền núi. Quảng Nam có trường THPT, dù không phải nội trú hay bán trú nhưng HS vẫn ăn ở tại trường. Do đó, dù năm học kết thúc nhưng toàn bộ HS lớp 12 của 9 huyện miền núi đều ở lại trường để ôn tập, chuẩn bị kiến thức, tâm thế tốt nhất trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thầy cô tất nhiên cũng ở lại để dạy phụ đạo, lo ăn ở, sinh hoạt, tổ chức các hoạt động giúp học trò có tâm lý thoải mái nhất để học tốt. Sáng dạy học, chiều tổ chức các hoạt động, tối lại hỗ trợ trò tự học. Rất nhiều thầy cô dạy xa nhà, nhưng vì học trò mà ở lại trường. Các thầy cô thực hiện chia nhỏ lớp, bảo đảm giãn cách, sáng tạo các hình thức hoạt động để HS rèn thể lực, từ đó có sức khỏe phòng chống dịch bệnh Covid-19. Sự nỗ lực, tình cảm của các thầy cô vô cùng trân quý.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, toàn tỉnh Quảng Nam có 16.776 thí sinh, trong đó HS THPT là 16.123, thí sinh tự do là 653. Với sự nỗ lực của thầy và trò, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi, từ cơ sở vật chất đến con người đều đã sẵn sàng. Quyết tâm của Quảng Nam là tổ chức Kỳ thi nghiêm túc, khách quan và an toàn cho thí sinh, lực lượng làm thi trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.
Cô Trần Thị Thảo (Tổ trưởng chuyên môn Tổ Ngữ văn Trường THCS Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội): Giáo viên trở thành học sinh
Khi HS nghỉ hè cũng là lúc thầy cô bước vào “kì học tập” của mình. Mùa hè bắt đầu với hoạt động đánh giá công tác chuyên môn, thực hiện chương trình để rút ra bài học, thực hiện điều chỉnh chương trình và phân công chuyên môn phù hợp cho năm học tới. Thời gian nghỉ hè cũng là lúc chúng tôi xây dựng kế hoạch cho năm học mới, xây dựng chương trình bộ môn, chuẩn bị hệ thống tài liệu bổ trợ và chuẩn bị môi trường lớp học chào đón HS quay trở lại trường.
Trong những ngày hè, chúng tôi thay vì lên lớp lại trở thành HS trong các chương trình đào tạo của nhà trường. Ngoài được tập huấn về chuyên môn, phương pháp dạy học tích cực, kĩ năng sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong dạy học… Điều chúng tôi chờ đợi nhất là chương trình đào tạo thú vị của các chuyên gia nước ngoài về phương pháp dạy học, cách làm việc phù hợp với từng HS, cách quản lý bản thân và công việc hiệu quả. Sau mỗi khóa học, ngoài kiến thức mới được thu nhận thêm, chúng tôi luôn mang về cho mình những sản phẩm thú vị, đáng yêu.
Mùa hè năm học 2019 - 2020 chúng tôi gần như không có thời gian nghỉ vì dạy bù kiến thức cho HS sau thời gian dài tạm dừng đến trường vì dịch bệnh. Nhưng có lẽ, mùa hè này sẽ “nóng”, vất vả hơn. HS tạm nghỉ hè vì dịch bệnh khi chương trình năm học chưa kết thúc, các con chưa kiểm tra cuối học kỳ II nên thầy cô phải sẵn sàng các phương án phù hợp với yêu cầu thực tế. Trong thời điểm này, dù không đến trường nhưng chúng tôi lại bận rộn hơn cả khi lên lớp. Vẫn giảng dạy online cho HS cuối cấp, vẫn xây dựng hệ thống bài ôn tập và đề thi trắc nghiệm dự phòng; họp online đánh giá công tác chuyên môn; xây dựng chương trình và tài liệu cho năm học sau và sẵn sàng lên lớp khi có chỉ đạo từ các cấp quản lý…
Chúng tôi cũng tự nghiên cứu Chương trình, SGK mới cho năm học 2021 - 2022. Bộ sách mới nhiều điều mới mẻ, từ nội dung bài học đến hình thức trình bày, từ phương pháp tổ chức giờ học đến hệ thống tài liệu bổ trợ… Chúng tôi mong được đến trường, dịch bệnh nhanh qua để được tham gia những chương trình tập huấn về SGK mới, làm việc và giao tiếp với đồng nghiệp, để chuẩn bị tốt nhất, chủ động nhất đón chào HS năm học mới.
Ông Trịnh Văn Ngoãn (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long): Miệt mài chuẩn bị triển khai chương trình mới
Năm học 2021 - 2022, Vĩnh Long có 165 trường tiểu học và 98 trường THCS, THCS-THPT tổ chức giảng dạy theo Chương trình GDPT năm 2018 ở các khối lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Để triển khai chương trình mới hiệu quả, ngoài chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, yếu tố con người đặc biệt quan trọng. Do đó, Vĩnh Long đã chủ động lựa chọn, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ. Ngoài bồi dưỡng theo chương trình do Bộ GD&ĐT quy định, sở còn phối hợp bồi dưỡng và chủ động tổ chức bồi dưỡng đội ngũ bằng nhiều hình thức.
Dự kiến trong hè năm 2021 sẽ có 3.000 lượt cán bộ quản lý, GV tham gia tập huấn sử dụng SGK lớp 2 và 2.489 lượt cán bộ quản lý, GV tham gia tập huấn sử dụng SGK lớp 6 năm học 2021 - 2022. Hình thức tập huấn được tổ chức linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Trước mắt, Sở GD&ĐT Vĩnh Long phối hợp với các NXB tổ chức tập huấn trực tuyến cho 100% GV được phân công giảng dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021 - 2022. Thời gian tập huấn trực tuyến diễn ra từ 26/5 - 1/6 với lớp 2 và từ 8/6 - 17/6 với lớp 6. Cán bộ quản lý, GV sẽ làm bài kiểm tra sau đợt tập huấn, những GV có kết quả kiểm tra đạt mới được giảng dạy Chương trình GDPT mới.
Sau đợt tập huấn trực tuyến, GV tiếp tục nghiên cứu SGK và tự bồi dưỡng theo chương trình bồi dưỡng thường xuyên để khai thác, sử dụng có hiệu quả nhất SGK và quan trọng hơn là triển khai thực hiện thành công Chương trình GDPT năm 2018. Khi dịch bệnh được kiểm soát, sở GD&ĐT sẽ phối hợp với các NXB để tổ chức tập huấn sử dụng SGK mới với hình thức trực tiếp.
Ngoài nội dung do các NXB triển khai, sở GD&ĐT còn chỉ đạo Hội đồng bộ môn nghiên cứu, hướng dẫn GV khai thác ngữ liệu của các SGK được phê duyệt để làm tư liệu giảng dạy. Nghiên cứu, hướng dẫn cách thức tổ chức giảng dạy, kiểm tra đánh giá các môn tích hợp (môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý). Trong đó đặc biệt chú ý hướng dẫn giảng dạy các bài có nội dung tích hợp liên môn, xuyên môn một cách sâu rộng; đồng thời ước lượng số tiết giảng dạy của từng môn thành phần (như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) để phân chia số cột kiểm tra đánh giá thường xuyên cho từng môn thành phần và cơ cấu điểm của từng môn thành phần trong bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ một cách hợp lý.
Đối với hoạt động bồi dưỡng thường xuyên trong hè năm 2021, sở GD&ĐT lưu ý GV được phân công giảng dạy lớp 2, lớp 6 năm học tới được phép lồng ghép nội dung tự học, nghiên cứu, bồi dưỡng để sử dụng hiệu quả SGK mới vào chương trình bồi dưỡng thường xuyên. Xem đó là một phần trong tổng thời lượng 120 tiết theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Ngoài hoạt động quan trọng trên, ngành Giáo dục Vĩnh Long cũng tập trung tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT; tổ chức các hoạt động hè cho HS, sinh viên; triển khai công tác phổ cập giáo dục, thống kê số lượng HS trên địa bàn và huy động HS ra lớp; phối hợp cung ứng SGK; mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất và các hạng mục công trình phục vụ giảng dạy và rèn luyện cho HS…
Ông Nguyễn Anh Tuấn (Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Thủy, Phú Thọ): Đánh giá chuẩn cán bộ quản lý, GV cốt cán và đại trà
Trong hè, ngành GD-ĐT huyện Thanh Thủy đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai chương trình bồi dưỡng, đánh giá chuẩn cán bộ quản lý, GV cốt cán và đại trà theo Chương trình ETEP thông qua lớp học trực tuyến LMS mà Bộ GD&ĐT triển khai đồng loạt trên phạm vi toàn quốc; triển khai chương trình bồi dưỡng thường xuyên đối với cán bộ quản lý, GV các cơ sở giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Bên cạnh chuẩn bị sẵn sàng về đội ngũ, các cơ sở giáo dục cũng tích cực rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp đầu tư xây dựng phòng học, phòng chức năng và điều kiện cơ sở vật chất khác, nhất là với đơn vị có quy mô lớp, HS tăng nhanh so với năm học trước. Triển khai sửa chữa, nâng cấp hạng mục công trình nhà lớp học, mua sắm bổ sung đồ dùng, trang thiết bị dạy học, chăm sóc, cải tạo cảnh quan khuôn viên “xanh - sạch - đẹp”; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ năm học mới.
Cùng với đó, đề xuất với UBND huyện tham mưu UBND tỉnh bổ sung chỉ tiêu biên chế GV các cấp học, bảo đảm yêu cầu đội ngũ triển khai Chương trình, SGK trong năm học mới.