Hệ lụy từ việc tuyển sinh “vơ bèo vợt tép”

GD&TĐ - Kể từ mùa tuyển sinh 2018 - 2019, Bộ GD&ĐT chính thức bỏ điểm sàn xét tuyển (trừ nhóm ngành Sư phạm) và trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường ĐH - CĐ quyết định. Sự tự chủ này không ngoài mục đích tạo điều kiện thuận lợi trong xét tuyển cho các trường. 

Hệ lụy từ việc tuyển sinh “vơ bèo vợt tép”

Tuy nhiên, đã và đang xuất hiện khuynh hướng tuyển sinh kiểu “vơ bèo vợt tép” ở nhiều trường khi hạ ngưỡng điểm sàn xuống mức khó có thể chấp nhận.

Điểm sàn thấp không tạo ra nguồn tuyển nhiều

Thực tế, ngay sau khi Kỳ thi THPT quốc gia kết thúc và Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm THPT quốc gia, phổ điểm các tổ hợp xét tuyển ĐH, nhiều trường đã công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển đến thí sinh. Tuy nhiên, không ít chuyên gia tuyển sinh cảm thấy choáng váng khi rất nhiều trường đã đưa ra ngưỡng điểm sàn xét tuyển thấp một cách đáng kinh ngạc.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường sẽ tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng (19/7).

Gây sự chú ý lớn nhất chính là Trường ĐH Xây dựng miền Trung (thuộc Bộ Xây dựng) với ngưỡng điểm xét tuyển 800 chỉ tiêu cho 8 ngành đào tạo chỉ là 11 điểm (tuy nhiên, hiện nay thông tin này không còn tồn tại trên website của trường). Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thông báo ngưỡng xét tuyển 29/31 ngành học ở mức 12 điểm (công bố ngày 14/7). Một số trường như ĐH Xây dựng miền Tây, ĐH Đại Nam, cũng có mức điểm xét tuyển ở mức từ 13-14 điểm (công bố ngày 14/7).

Theo ông N.Đ.N - một chuyên gia tuyển sinh lâu năm, thì dù phổ điểm các tổ hợp xét tuyển năm nay phần lớn dao động ở ngưỡng điểm 14 - 17 điểm, nhưng việc đưa ra mức điểm sàn thấp một cách lạ thường như trên là một định hướng sai lầm rất lớn trong chiến lược tuyển sinh của các trường.

Ngưỡng điểm sàn các trường thấp không có nghĩa là an toàn khi đăng ký xét tuyển
Ngưỡng điểm sàn các trường thấp không có nghĩa là an toàn khi đăng ký xét tuyển 

“Nếu lấy mức 11 điểm làm ví dụ, thì có thể thấy, một học sinh thuộc dạng trung bình - yếu cũng đã bước chân vào ĐH khi mỗi môn chỉ cần 3,5 điểm, đó là chưa tính điểm ưu tiên khu vực. Đưa điểm thấp để có nguồn tuyển. Nhưng các trường lại quên mất một điều là với sức học ấy, các em có theo nổi chương trình 4 năm ở bậc ĐH hay không mới là vấn đề? Nếu chỉ chăm chăm cho một mục tiêu tuyển đủ sinh viên, mà bỏ qua tất cả giá trị phục vụ sinh viên, giá trị của mục tiêu đào tạo, các trường sẽ có lỗi rất lớn với các em” - chuyên gia yêu cầu giấu tên này cho biết.

Tất nhiên, khi Bộ GD&ĐT bỏ ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng trong xét tuyển, việc chọn mức điểm nào để tuyển sinh là quyền, trách nhiệm của các trường. Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn Nhân lực & Thị trường lao động TPHCM, chuyên gia tuyển sinh hướng nghiệp, việc tự chủ ấy cần ở một định ngưỡng giới hạn tối thiểu nhất định: Chất lượng đào tạo sẽ là thước đo thương hiệu và uy tín cho tên tuổi từng trường. Tuy nhiên, liệu với mức điểm xét tuyển chỉ 3,5 - 4 điểm/môn học sinh có đủ khả năng và năng lực theo học hết quãng đường 4 năm đại học không mới là vấn đề cần suy nghĩ.

Thí sinh cần thận trọng với “bẫy” điểm sàn

Đó là lời khuyên của nhiều chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH gửi đến thí sinh khi nhiều trường ĐH công bố mức điểm xét tuyển khá thấp.

Các em cần phải tỉnh táo và nhớ thật rõ câu chuyện “nước lên - thuyền lên” và cần tìm hiểu thật kỹ mức điểm chuẩn trúng tuyển các năm trước của trường mà mình mong muốn theo học. Thực tế, rất nhiều thí sinh đã phải khóc hận vì “bẫy” điểm sàn xét tuyển khi mức điểm mình có chênh lệch không nhiều với mức điểm các trường công bố. Vì vậy, trước khi đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần thật sự tỉnh táo.

 
TS Trần Đình Lý

Theo TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, học sinh đừng thấy ngưỡng điểm các trường đưa ra thấp mà vui mừng. Bởi thực tế tuyển sinh 2 - 3 năm qua đã chứng minh, ngưỡng điểm sàn xét tuyển ban đầu và ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển của nhiều trường bao giờ cũng cách xa nhau một trời, một vực.

Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, chính sự khó lường trong công tác tuyển sinh vài năm trở lại đây (tỉ lệ ảo, học sinh nhập học không cao), cộng với việc thí sinh hiện có quá nhiều nguyện vọng xét tuyển khiến nhiều trường lo xa và đưa ra ngưỡng điểm “an toàn” nhằm đảm bảo một tỉ lệ thí sinh trúng tuyển dôi dư.

Tuy vậy, theo TS Nguyễn Quang Tiệp - Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế (thuộc Bộ KH&CN) nếu các trường vì thí sinh, tự tin vào thương hiệu của trường mình thì sẽ không ai đưa ra mức điểm xét tuyển thấp một cách bất thường như vừa qua. Thực tế, với nguồn thông tin khổng lồ mà thí sinh được tiếp nhận thông qua

Internet, các chuyên gia hướng nghiệp, tuyển sinh hàng ngày, các em đủ tỉnh táo để biết trường nào đứng ở đâu và ngưỡng điểm nào mới đủ sức để bước chân vào nơi đó “cạnh tranh” một suất học.

“Những trường vốn dĩ đã không tạo được thương hiệu đào tạo đủ tốt, lại đưa ra mức điểm xét tuyển thấp hơn bình thường sẽ không mang lại nguồn tuyển sinh hiệu quả, mà trái lại đang “tự giết mình” bằng chính nỗi lo… thiếu nguồn tuyển. Khi thí sinh đủ thông minh, tỉnh táo nhận thức rằng, mức điểm mà trường đưa ra không thật sự ổn, chỉ số thương hiệu của trường thấp so với mặt bằng các trường ĐH khác, họ cũng sẽ không vào học bằng mọi cách. Lúc ấy, cách làm tuyển sinh kiểu “vơ bèo vợt tép” vô tình trở thành “cục gôm” xóa hết mọi thứ mà trường đó có thể đã xây dựng hàng chục năm trời mới có được”. TS Nguyễn Quang Tiệp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh trường PT DTNT THPT huyện Mường Ảng thu hoạch rau xanh.

Rèn kỹ năng từ mô hình vườn rau sạch

GD&TĐ - Ngoài giúp làm đẹp cảnh quan, mô hình vườn rau sạch của học sinh PT DTNT THPT huyện Mường Ảng còn góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày.