Hệ lụy từ tiếng ồn

GD&TĐ -  Sẽ không có gì để nói nếu như những tiếng ồn nằm trong giới hạn cho phép và con người có thể làm chủ được. Nhưng các nghiên cứu mới đây của Bộ Y tế cho thấy, con người đang bị tiếng ồn bủa vây hàng ngày hàng giờ, đe dọa đến sức khỏe, tinh thần… nhưng lại ít được quan tâm như những loại ô nhiễm khác.  

Hệ lụy từ tiếng ồn

Sản phẩm của xã hội hiện đại

Cụ thể, tại Hà Nội, đo tiếng ồn tại 12 đường và nút giao thông chính cho thấy, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 đến 78,1 dBA, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA (vượt mức khoảng 10%). Tiếng ồn tương đương trung bình vào ban đêm là 65,3 - 75,7 dBA, vượt tiêu chuẩn từ 10 - 20 dBA).

Tương tự, những kết quả đo đạc tiếng ồn trên nhiều tuyến đường TPHCM đều vượt mức cho phép nhiều lần tại các nút giao thông vòng xoay Hàng Xanh, Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, ngã sáu Gò Vấp, ngã tư An Sương, vòng xoay Phú Lâm, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh… Trong nội thành, các tuyến đường chính vào giờ cao điểm hay đêm khuya thì mức độ tiếng ồn đo được vẫn quá giới hạn cho phép...

Theo PGS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, nguồn gây ô nhiễm môi trường từ phương tiện giao thông, trong xây dựng, sinh hoạt và trong công nghiệp, sản xuất. Ô nhiễm tiếng ồn hiện là vấn đề mang tính cấp thiết, nhất là tại các đô thị và ngành công nghiệp. Với tiếng ồn như hiện nay, PGS Doãn Ngọc Hải ước tính có khoảng 10 - 15 triệu người hàng ngày phải tiếp xúc với tiếng ồn cao hơn quy định.

Ô nhiễm tiếng ồn (hay ô nhiễm âm thanh) là hiện tượng âm thanh có cường độ và tần số khác nhau, phát ra không theo một trật tự, tạo ra cảm giác khó chịu cho người nghe, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của con người. Đó cũng có thể là những âm thanh phát ra với cường độ vượt quá mức chịu đựng của con người.

Sát thủ giấu mặt

Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng mức độ ô nhiễm tiếng ồn có thể chấp nhận được là khoảng 40 decibel. Tất cả âm thanh vượt quá mức này có thể nguy hại đến sức khỏe của con người. Cụ thể, hiệu suất làm việc sẽ bị giảm khi con người thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn có cường độ hơn 50 decibel.

Tiếng ồn 70 decibel làm tăng nhịp đập của tim, tăng huyết áp, tăng nhiệt độ cơ thể ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa và giảm hứng thú hoạt động của con người. Tiếng ồn lớn hơn 90 decibel gây ra hiện tượng mệt mỏi, giảm chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể, từ đó dẫn đến suy nhược hệ thần kinh…

Đồng tình với quan điểm trên, PGS Doãn Ngọc Hải nhận định: Tiếng ồn như sát thủ giấu mặt bởi đây là nguyên nhân gây ảnh hưởng sức khỏe lớn thứ 2 sau bụi. Tiếng ồn không tích luỹ trong môi trường như ô nhiễm các chất độc nhưng nó tác động vào con người và có thể để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến cơ quan thính giác như ù tai, giảm sức nghe. Bên cạnh đó, ô nhiễm tiếng ồn còn gây rối loạn giấc ngủ, tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành, suy giảm nhận thức ở trẻ em…

Nguy hiểm là vậy nhưng cho đến thời điểm này loại ô nhiễm trên vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Bằng chứng là mặc dù có quy định quốc gia về tiếng ồn với từng khu vực nhưng chẳng mấy ai quan tâm. Liệu đã có nghiên cứu nào về tiếng ồn những khu vực đặc biệt (nhà trẻ, trường học, bệnh viện, đình, chùa, khu dân cư hay cơ quan hành chính…) là bao nhiêu để người dân biết cũng như khuyến cáo cơ quan chức năng.

Không có nghiên cứu cụ thể, cập nhật thường xuyên, quy định về phạm vi tiếng ồn cho phép, chế tài xử phạt chưa rõ ràng nên dù là trẻ nhỏ, người già, thậm chí là người bệnh nhiều khi vẫn phải sống chung với… tiếng ồn do phương tiện giao thông, công trình xây dựng, cơ sở sản xuất hay các hàng quán xung quanh gây ra.

Thiết nghĩ, đã đến lúc người dân và cơ quan chức năng coi ô nhiễm tiếng ồn nguy hiểm như nhiều loại ô nhiễm khác để từ đó phân loại, quy hoạch loại tiếng ồn được chấp nhận, loại vượt quy định nhưng có khả năng khắc phục, loại vượt quy định và không thể khắc phục được và cuối cùng là loại không được phép phát ra trong đô thị, khu dân cư.

Kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cho thấy hàng triệu người ở các đô thị lớn, khu công nghiệp và cả người dân sống ven đường quốc lộ đang phải sống chung với tiếng ồn rất lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ