Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ em

Hệ lụy khôn lường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều người cho rằng, bệnh tiểu đường chỉ có thể xảy ra ở người lớn tuổi, tuy nhiên, trẻ em cũng có nguy cơ cao mắc căn bệnh này.

Trẻ cần được tăng cường vận động. Ảnh minh họa
Trẻ cần được tăng cường vận động. Ảnh minh họa

Để giảm thiểu nguy cơ và can thiệp sớm cho trẻ, phụ huynh cần để ý những dấu hiệu cảnh báo liên quan đến sự thay đổi lượng đường trong máu và những biểu hiện của bệnh.

Có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi

Ở trẻ em, những biểu hiện cho thấy trẻ có khả năng đã mắc tiểu đường là đi tiểu thường xuyên, hay khát nước, thị lực yếu, hơi thở có mùi hôi…

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, trẻ bị tiểu đường có những biểu hiện như thường xuyên khát nước và đi tiểu nhiều. Đây là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh đái tháo đường trẻ em. Khi mắc bệnh, trẻ sẽ rất nhanh khát, uống nhiều nước và đi tiểu liên tục.

Nguyên nhân là do đường bị tích tụ nhiều trong máu khiến thận phải làm việc ở cường độ cao để có thể lọc và hấp thụ hết lượng đường bị dư thừa. Đến khi thận không còn khả năng để hoàn thành quá trình này, lượng đường dư thừa trong máu sẽ được bài tiết ra ngoài cùng với nước tiểu.

Trẻ bị tiểu đường sẽ đi tiểu thường xuyên dẫn đến mất nước. Khi đó, trẻ sẽ uống rất nhiều nước để bù vào lượng nước mất đi và càng đi tiểu nhiều hơn.

Trẻ bị tiểu đường cũng có nguy cơ bị đói dữ dội, kéo dài, thậm chí ngay sau khi vừa mới ăn xong. Nếu bạn nhận thấy con mình lúc nào cũng kêu đói và thậm chí ăn nhiều vẫn không đủ no, hãy hỏi ý kiến bác sĩ vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh. Nguyên nhân là do sự thiếu hụt insulin khiến lượng đường trong các mô giảm mạnh và cạn kiệt năng lượng.

Trẻ thường xuyên mệt mỏi, uể oải cũng là một biểu hiện của tiểu đường. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Trong đó, lý do chủ yếu là việc tiểu tiện liên tục khiến các tế bào bị cạn kiệt năng lượng, giảm khả năng hoạt động của cơ thể.

Cùng với đó là biểu hiện về cân nặng như sút cân bất thường do bị mất nhiều năng lượng bởi đường bị thải ra ngoài cùng nước tiểu. Trẻ sẽ ăn nhiều hơn bình thường để giảm cơn đói nhưng các mô không được nhận năng lượng từ đường có trong thức ăn.

Khi đó, các mô bắt buộc phải lấy năng lượng từ những mô mỡ đã được tích lũy trước đó. Do vậy, nếu thấy trẻ bị sút cân bất thường, cha mẹ cần lưu ý vì đây có thể là dấu hiệu của đái tháo đường.

Cũng theo bác sĩ Hằng, lượng đường trong máu tăng cao sẽ rút dịch từ các mô trong đó có mô thủy tinh thể của mắt. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh tiêu cự của trẻ.

Nếu không điều trị tiểu đường sớm có thể dẫn đến hình thành những mạch máu mới ở võng mạc và tổn thương các mạch máu ở đây. Thời gian đầu, tiểu đường chưa ảnh hưởng nhiều đến thị lực. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh có thể gây mất thị lực và mù lòa.

Hơi thở có mùi hôi do cơ thể thiếu insulin được xem là triệu chứng tiểu đường gây tử vong ở trẻ em. Bởi khi thiếu glucose, cơ thể bắt đầu đốt cháy mỡ lấy năng lượng và quá trình này tạo ra xeton.

Mùi đặc trưng có thể được nhận biết bằng hơi thở có mùi hôi giống trái cây hư, cá tanh, mùi sữa chua. Ngoài ra, tiểu đường còn có các dấu hiệu khác biểu hiện như co giật, hôn mê, lơ mơ, thở nhanh, nhiễm trùng, đau bụng, mất tri giác thường xuất hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng.

“Giống như nhiều bệnh lý khác, tiểu đường trẻ em thường không có biểu hiện rõ rệt nên rất khó nhận biết. Do đó, nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần tiến hành xét nghiệm tiểu đường cho trẻ em để chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời”, bác sĩ Hằng nhấn mạnh.

Tháp dinh dưỡng dành cho trẻ 6 - 11 tuổi theo khuyến cáo của Viện Dinh Dưỡng quốc gia.

Tháp dinh dưỡng dành cho trẻ 6 - 11 tuổi theo khuyến cáo của Viện Dinh Dưỡng quốc gia.

Nguyên nhân tiểu đường ở trẻ

Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường. Khi mắc bệnh, quá trình chuyển hóa chất đường trong máu bị rối loạn khiến cho lượng đường trong máu luôn ở mức cao. Tiểu đường là một trong những nguyên nhân chính gây suy thận, huyết áp và các bệnh lý về tim mạch. Thông thường, người lớn có suy nghĩ trẻ em hiếm khi mắc tiểu đường nên thường bỏ qua các triệu chứng. Chuyên gia khuyến cáo, đây là bệnh không nằm ở lứa tuổi cụ thể nào nên cần được lưu tâm, nhất là với trẻ em. Bởi học sinh chưa ý thức được việc mình mắc bệnh cũng như để ý đến những thay đổi của cơ thể.

Bác sĩ Lê Chiên, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), cho biết, tiểu đường ở trẻ xuất hiện bởi chế độ ăn uống chưa hợp lý, thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Đặc biệt là do yếu tố di truyền, trong quá trình mang thai, người mẹ bị tiểu đường.

Chế độ ăn uống không lành mạnh cũng là nguyên nhân phổ biến gây bệnh, nhất là khi trẻ em ngày càng thích ăn những thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ ăn chiên rán quá nhiều, nước uống có ga… Điều này không đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm, không cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, mà còn có thể nạp vào cơ thể những chất không tốt gây ảnh hưởng sức khỏe.

Theo bác sĩ Lê Chiên, chế độ sinh hoạt không khoa học, ăn uống nghỉ ngơi không đúng giờ giấc, lười vận động, không tập thể dục, ăn nhiều thực phẩm chứa carbohydrate… sẽ dẫn đến bệnh béo phì, lâu dần sẽ hình thành tiểu đường ở trẻ.

Trong khi đó, ảnh hưởng của bệnh tiểu đường với hệ nội tiết là rất lớn. Cụ thể, tuyến tụy giữ vai trò sản xuất và phóng thích insulin giúp tạo ra năng lượng từ đường.

Nếu quá trình này trục trặc hoặc cơ thể không sử dụng được insulin thì hormone thay thế sẽ làm nhiệm vụ chuyển hóa chất béo thành năng lượng cho cơ thể sử dụng. Sản phẩm phụ tạo ra khi sinh năng lượng bao gồm các chất độc hại như axit và xeton.

Tiểu đường còn có thể gây tổn thương thận, ảnh hưởng đến khả năng lọc các chất thải trong máu. Nồng độ cao protein trong nước tiểu có thể là một dấu hiệu cho thấy thận không hoạt động hiệu quả.

Những người bị bệnh tiểu đường phải được kiểm tra thận do bệnh tiểu đường thường gây ra tổn thương không phục hồi ở thận và dẫn đến suy thận…

Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường còn là làm tổn thương các dây thần kinh ngoại biên, có thể ảnh hưởng đến nhận thức của bạn về cảm giác nóng, lạnh và đau đớn, làm cho bạn dễ bị chấn thương. Tình trạng này biểu hiện rõ hơn khi bạn bỏ qua các vết thương, đặc biệt là vết thương ở vị trí khó quan sát thấy, chẳng hạn như kẽ ngón chân, gót chân hoặc lòng bàn chân.

Ngoài ra, các hormone thai kỳ có thể gây ra bệnh tiểu đường trong thời kỳ thai nghén. Tình trạng này cũng làm tăng nguy cơ huyết áp cao. Trong hầu hết các trường hợp, có thể dễ dàng kiểm soát bệnh tiểu đường trong thai kỳ và mức đường huyết sẽ trở lại bình thường sau khi sinh.

Các triệu chứng cũng giống như các tuýp tiểu đường khác, nhưng cũng có thể bị nhiễm trùng lại ở âm đạo và bàng quang. Phụ nữ bị tiểu đường trong thai kỳ có thể sinh con ra có cân nặng cao hơn, khó sinh hơn. Lúc này, họ cần được theo dõi thật kỹ, do có nguy cơ cao phát triển bệnh tiểu đường trong vòng mười năm.

Phòng, tránh như thế nào?

Chuyên gia khuyến cáo, cách tốt nhất là áp dụng một chế độ ăn lành mạnh, khoa học, giàu chất xơ và tăng cường vận động cho trẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng, một chế độ ăn lành mạnh cần hạn chế các đồ ăn ngọt như bánh kẹo, nước ngọt có ga, kem, nước mía, các loại quả khô ướp đường như mứt, quả ngọt sấy khô như chuối, mít…

Ngoài ra cũng phải hạn chế mỡ động vật, các đồ ăn chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng… Mặt khác khi trẻ đã ăn bánh kẹo nhiều thì thường không ăn được cơm, do vậy lượng đường thì tăng nhưng trẻ lại bị thiếu hụt các chất khác.

Để có một chế độ ăn khoa học phòng ngừa bệnh tiểu đường, các bậc phụ huynh nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày. Bởi nếu ăn quá nhiều trong một bữa sẽ làm cho đường huyết tăng cao.

Chất xơ là chìa khóa ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Vì với thực phẩm giàu chất xơ, glucose được sản sinh từ từ, ngăn chặn đường trong máu tăng đột biến. Các thực phẩm nên cho trẻ ăn như ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau xanh, quả chín ít ngọt…

Ngoài điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, phụ huynh cần phải kiểm tra sức khỏe tổng quát cho trẻ định kỳ sáu tháng một lần và lưu ý các xét nghiệm về đường huyết hay trong nước tiểu.

Cần tập cho trẻ có thói quen vận động hoặc hướng trẻ vào một môn thể thao mà trẻ yêu thích. Việc trẻ vận động thường xuyên sẽ làm tăng cường hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, giúp tăng cường tiêu thụ insulin trong các tế bào và giúp di chuyển đường trong máu ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

Bên cạnh đó, trẻ rất dễ bị tác động trước vô số quảng cáo về thức ăn vặt. Do đó, phụ huynh cần hướng dẫn cho con mình nên ăn những thức ăn lành mạnh và tốt cho sức khỏe.

Phụ huynh cũng cần lưu ý về những thông tin dinh dưỡng gắn trên các sản phẩm ăn liền, nhằm phát hiện các chất béo có hại trong các loại thức ăn này để tránh dùng cho trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ