Lựa chọn đấu pháp của HLV Park Hang-seo trước đối thủ Malaysia tạo ra bất ngờ nho nhỏ, khi chúng ta chơi phòng ngự phản công, nhường quyền kiểm soát bóng cho đối thủ không mạnh hơn. Kết quả cho thấy đây là quyết định đúng đắn nếu xét về mặt tỷ số. Tuy nhiên, trên góc độ chuyên môn, điểm nhấn tạo ra khác biệt về chất lượng thi đấu giữa hai đội nằm ở một trong những khía cạnh quan trọng nhất: cự ly đội hình.
Cự ly phòng ngự của Việt Nam
Đội tuyển Việt Nam ra sân với một sự thay đổi duy nhất trên hàng công, khi Văn Quyết nhường chỗ cho Văn Đức. Tuy nhiên cách vận hành không còn như trận đấu gặp Lào.
Hệ thống phòng ngự của Việt Nam được tổ chức ở khu vực 1/3 giữa sân, với hai hàng ngang rõ ràng. Tuyến dưới cùng gồm 3 trung vệ và 2 hậu vệ biên, tuyến phía trên là 4 người khi Công Phượng và Văn Đức lùi về ngang cặp tiền vệ trung tâm. Khoảng cách giữa hai tuyến luôn chỉ dao động trong khoảng 15-20 m theo chiều dọc. Theo chiều ngang, trên cùng tuyến, các cầu thủ thường chỉ cách nhau trung bình 10 m.
Cự ly trong hệ thống phòng ngự của Việt Nam luôn rất tốt. |
Đó là những con số chuẩn mực theo quan điểm của tượng đài làng huấn luyện Arrigo Sacchi. Khi giữ chức vụ đứng đầu AC Milan và đội tuyển Italy trong các thập niên 1980 và 1990, Sacchi luôn đòi hỏi các cầu thủ phải liên tục di chuyển sao cho cả khối không bị tách xa nhau. Cự ly tốt giữa các vị trí và các tuyến sẽ tạo ra sự thuận lợi trong bọc lót, nếu một cầu thủ bị vượt qua thì sẽ có những người phía sau sẵn sàng hỗ trợ bọc lót.
Cự ly tốt cũng đồng nghĩa là việc thông tin liên lạc trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn, qua đó toàn đội sẽ trở nên đồng bộ hơn trong thi đấu. Toàn bộ những điều này sẽ là tiền đề cho một hệ thống phòng ngự chắc chắn, làm “bệ đỡ” cho những pha pressing chất lượng.
Ngoài ra, trong các trường hợp hai tuyến bị kéo giãn hoặc tiền đạo đối thủ chủ động lùi lại để xin bóng trong các “khe”, bộ ba trung vệ Việt Nam cũng có sự theo kèm cần thiết để khỏa lấp các lỗ hổng. Điều này khiến cho hệ thống của Việt Nam đã kín, càng kín hơn.
Duy Mạnh (ảnh 1), Đình Trọng (ảnh 2) và Quế Ngọc Hải (ảnh 3) di chuyển khôn khéo để khỏa lấp khoảng trống giữa các tuyến. |
Sự hoạt động hài hòa của bộ ba trung vệ cho thấy khả năng thông tin liên lạc, sự ăn ý và tập trung cao độ. Trong trận đấu này, Đình Trọng có thể xem là một “người hùng thầm lặng”, khi đã đóng vai trò càn quét và bọc lót cực tốt.
Cự ly tấn công của Malaysia
Hãy nhìn về phía còn lại – ĐT Malaysia. Cũng như trong phòng thủ, cự ly khi tấn công là một khái niệm rất quan trọng, nhưng theo một cách tương đối khác. “Tấn công” trong bóng đá có thể hiểu một cách đơn giản là tìm cách đưa bóng về phía trước, tiến tới gần khung thành đối thủ qua đó có cơ hội ghi bàn.
Trên sân, luôn chỉ có một cầu thủ kiểm soát bóng. Công việc của những đồng đội khác là hỗ trợ anh ta, chọn vị trí sao cho đồng đội của mình có thể chuyền thuận lợi, từ đó đưa bóng lên phía trước.
Ở đây, khái niệm “cự ly” xuất hiện. Nếu cự ly giữa hai cầu thủ là quá xa, dĩ nhiên người có bóng chỉ có lựa chọn là chuyền dài (và chuyền dài thường là chuyền bổng). Nếu cự ly là quá gần, chỉ cần một cầu thủ phòng ngự cũng có thể cùng lúc gây áp lực lên cả người không bóng và người có bóng. Cự ly tốt, theo quan điểm của huyền thoại bóng đá Johan Cruyff, là trong khoảng 10 mét.
Hãy nhìn vào một số tình huống thực tế trên sân Mỹ Đình để hiểu rõ hơn. Có thể lấy ví dụ ngay từ tình huống ở phút thứ 3:
Trung vệ Zafuan có bóng, hãy quan sát vị trí của các cầu thủ khác bên phía Malaysia. |
Trong tình huống này, trung vệ mang áo số 7 Aidil Zafuan là người đang có bóng. Cầu thủ đang di chuyển (mũi tên vàng) là tiền vệ trung tâm Akram Mahinan, người nhận thấy rằng anh đang bị Xuân Trường áp sát và dễ gặp nguy hiểm nếu nhận đường chuyền từ Zafuan.
Việc Mahinan di chuyển sẽ là không tồi, nếu như có một đồng đội khác di chuyển vào khu vực của anh nhằm hoán đổi vị trí, qua đó hỗ trợ cho Zafuan và nhận đường chuyền. Nhưng hầu như không có ai làm như vậy. Hãy xem xét những lựa chọn của Zafuan khi ấy:
Những lựa chọn cho Zafuan. |
Có thể thấy rằng, thực tế là Zafuan chỉ có hai lựa chọn khả thi là chuyền cho hậu vệ phải Syahmi Safari hoặc trung vệ Shahrul Saad. Tuy nhiên, Safari đang đứng sát biên, lại có đối thủ (Văn Đức) ở rất gần và dễ gặp áp lực ngay khi nhận bóng. Trong khi đó, Saad lại đứng quá gần, đường chuyền sẽ không có nhiều ý nghĩa, hơn nữa đây lại là lựa chọn chuyền về. Các đồng đội khác của Zafuan đều ở quá xa, và nếu chọn chuyền cho họ, Zafuan sẽ buộc phải tung ra một đường chuyền dài.
Tiền vệ trung tâm mang áo số 14 Syamer Abba là người duy nhất có cự ly phù hợp – không quá xa, không quá gần – nhưng anh hoàn toàn không thể nhận bóng khi hướng chuyền đã bị Anh Đức chặn lại. Hay nói cách khác, góc độ hỗ trợ của Abba là không tốt.
Pha bóng này kết thúc với việc Zafuan bối rối không biết chuyền cho ai, và bị Anh Đức ập vào gây áp lực. Rất may cho Malaysia khi tiền đạo áo đỏ đã phạm lỗi thay vì giành bóng hợp lệ.
Một ví dụ khác cũng thường xuyên diễn ra:
Lựa chọn nào cho Andik? |
Đây là pha bóng mà hậu vệ trái Andik nhận bóng từ trung vệ Saad. Ngay sau khi hướng về phía trước, anh lập tức gặp khó khăn.
Ở tình huống này, có thể thấy rằng cự ly của ĐT Việt Nam là không tốt. Tuy nhiên, Malaysia cũng không thể tận dụng khi cự ly giữa người có bóng (Andik) với các mắt xích quan trọng ở trung lộ như tiền vệ trung tâm, tiền đạo là quá xa. Tương tự như Zafuan ở ví dụ trước, Andik chỉ có hai lựa chọn thực sự: chuyền thẳng lên cho tiền vệ trái Akhyar Rashid, hoặc chuyền vệ cho Saad. Đó đều là hai lựa chọn khó có thể tạo ra nguy hiểm. Bản thân Rashid nếu nhận bóng cũng sẽ không nhận được sự hỗ trợ tốt.
Malaysia không muốn dùng bóng dài, bóng bổng quá nhiều. Họ cố gắng để chơi bóng sệt và phối hợp. Thế nhưng cự ly đội hình của họ đã không cho phép họ làm điều đó một cách hiệu quả. Chính vì vậy, họ phải dựa rất nhiều vào tốc độ của các cầu thủ chạy cánh để tạo ra nguy hiểm.
Cự ly không hợp lý cũng là lý do khiến cho Malaysia thường xuyên phải đón nhận những pha phản công nguy hiểm, khi hai hậu vệ biên mở rộng, trung lộ thiếu sự che chắn.
Một cơ hội phản công thường thấy, khi Malaysia mở quá rộng. |
Kết luận
Chất lượng hệ thống là lý do quan trọng dẫn tới kết quả cuối cùng của trận đấu. Malaysia không tạo ra miếng đánh tập thể nguy hiểm thường xuyên nào, mà hầu như phải dựa vào cá nhân. Trong khi đó, Việt Nam dù có một vài cá nhân tỏa sáng (Công Phượng, Anh Đức, Đình Trọng…) nhưng lại cho thấy bộ mặt kết dính, khăng khít hơn.
Người ta nói nhiều tới con số tỉ lệ kiểm soát bóng chỉ 31,4% của Việt Nam so với 68,6% của Malaysia, kỳ thực con số này không quan trọng bằng việc kết quả của chiến thuật ra sao. Việt Nam tung tổng cộng 7 cú dứt điểm, trong đó 3 trúng đích. Malaysia có 5 lần, chỉ 2 lần đi vào phạm vi khung thành của Đặng Văn Lâm, mà chỉ một đến từ tình huống bóng sống mà thôi.