Nhóm nghiên cứu đặt tên người phụ nữ thời đại đồ đá mới này là “Lola”, lấy gốc từ cái tên Lolland (hòn đảo ở Đan Mạch) nơi họ phát hiện ra miếng “kẹo cao su” 5.700 năm tuổi. Khu khảo cổ thời kỳ đồ đá, Syltholm, trên đảo Lolland, bảo tồn 1 cách nguyên bản miếng “kẹo cao su” trong bùn qua hàng ngàn năm sau khi Lola vứt nó đi.
Nó được bảo quản tốt đến mức một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Copenhagen có thể trích xuất một bộ gen người cổ đại hoàn chỉnh - tất cả các vật liệu di truyền của cô gái trẻ - từ nó. Họ cũng có thể trích xuất DNA từ những mầm bệnh cổ xưa và vi khuẩn đường miệng mà cô mang.
Đây là lần đầu tiên toàn bộ bộ gen của con người được chiết xuất từ một thứ khác ngoài xương người, theo một tuyên bố từ Đại học Copenhagen. Phân tích của nhóm nghiên cứu tiết lộ rằng, người nhai miếng hắc ín bạch dương thời tiền sử này mang giới tính nữ và có khả năng có làn da sẫm màu, tóc đen và mắt xanh.
Họ phát hiện ra rằng, gen của Lola phù hợp chặt chẽ hơn với những người săn bắn hái lượm đến từ lục địa châu Âu so với những người sống ở trung tâm Scandinavia vào thời điểm đó.
Miếng “kẹo cao su” cổ xưa cũng có dấu vết của DNA thực vật và động vật, như DNA từ cây phỉ và vịt, có thể đã là một phần trong chế độ ăn của Lola, theo tuyên bố. Cuối cùng, các nhà khoa học tìm thấy các gen liên quan đến chứng “không dung nạp lactase”, có nghĩa là Lola có khả năng không tiêu hóa tốt các sản phẩm từ sữa.
Các phát hiện khảo cổ trước đây từ địa điểm này đã gợi ý rằng “những người sinh sống tại khu vực này đã khai thác rất nhiều tài nguyên hoang dã vào thời kỳ đồ đá mới, đó là thời kỳ mà nông nghiệp và động vật được thuần hóa lần đầu tiên được phổ biến ở miền Nam Scandinavia”, tác giả chính Theis Jensen, một nghiên cứu sinh tiến sĩ từ Viện Quả cầu tại Đại học Copenhagen, cho biết trong tuyên bố.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy DNA từ các vi khuẩn miệng trong miếng “kẹo cao su”, bao gồm cả DNA có thể thuộc về virus Epstein-Barr, gây ra bệnh bạch cầu đơn nhân, còn được gọi là “mono” hay “bệnh hôn”.
Hắc ín bạch dương là một chất màu nâu đen được tạo ra bằng cách làm nóng vỏ cây bạch dương. Chất này đã được sử dụng từ thời đại Cổ sinh làm chất keo cho các công cụ bằng đá, theo tuyên bố.
Nhưng trước đây, các mảnh hắc ín bạch dương được tìm thấy có dấu răng, vì vậy các nhà khảo cổ học nghĩ rằng khi hắc ín nguội đi và đông cứng lại, nó đã được nhai để làm cho mềm lại và có thể đóng khuôn được trước khi sử dụng làm keo.
“Kẹo cao su” cổ xưa là một nguồn DNA tương đối mới để phân tích và có thể giúp tiết lộ hệ vi sinh vật của tổ tiên chúng ta. Nó cũng có thể giúp giải thích cách vi khuẩn và virus đã thay đổi theo thời gian.
“Nó có thể giúp chúng ta hiểu được mầm bệnh đã phát triển và lây lan theo thời gian như thế nào và điều gì khiến chúng đặc biệt độc hại trong một môi trường nhất định”, tác giả cao cấp Hannes Schroeder, Phó Giáo sư từ Viện Quả cầu tại Đại học Copenhagen, cho biết trong một tuyên bố.
“Đồng thời, nó có thể giúp dự đoán một mầm bệnh sẽ hành xử như thế nào trong tương lai và làm thế nào nó có thể được ngăn chặn hoặc diệt trừ”.