Hé lộ công thức ướp xác của người Ai Cập cổ

GD&TĐ - Ở gần một trong những kim tự tháp lâu đời nhất là xưởng ướp xác Ai Cập cổ đại được xây dựng một cách bí mật.

Xác ướp Ai Cập đã tồn tại hàng nghìn năm.
Xác ướp Ai Cập đã tồn tại hàng nghìn năm.

Sau khi phát hiện nơi này, các nhà khảo cổ đã tìm ra công thức kỳ diệu giúp người xưa bảo quản thi thể. Trong công thức này có chứa nhiều điều bất ngờ.

Phòng ướp xác trong lòng đất

Người Ai Cập cổ đại đã phát triển một khả năng vượt trội để bảo vệ cơ thể con người khỏi bị hủy hoại sau khi chết, với niềm tin rằng sự phân hủy của thi hài là một trở ngại đối với việc sang thế giới bên kia. Được thực hiện bởi những cá nhân có chuyên môn và học thức cao, ướp xác vừa là một quá trình khoa học, vừa là một nghi lễ.

Xác ướp đã mê hoặc các nhà khảo cổ học kể từ khi những ngôi mộ cổ ở Ai Cập được khám phá từ nhiều thế kỷ trước. Việc mở các hầm mộ không giúp tiết lộ nhiều bí mật của quy trình ướp xác vì các nhà khoa học tránh mạo phạm hài cốt của người xưa.

Do đó, họ chuyển sang các công cụ và vật chứa như bình, chai, lọ được tìm thấy trong các ngôi mộ và sau đó là trong các cơ sở ướp xác cổ đại. Một xưởng như vậy đã được phát hiện vào năm 2016 tại nghĩa địa Saqqara, khu chôn cất cổ xưa của Memphis, gần Kim tự tháp Djoser, thường được gọi là Kim tự tháp Bậc thang.

Đầu tiên, xưởng này được tìm thấy một phần trên mặt đất, nhưng khám phá sâu hơn, người ta phát hiện có một đường hầm nối với phòng ướp xác và phòng chôn cất dưới lòng đất, nơi được cho là chứa đựng những bí mật của quy trình bảo quản thi hài.

Các bình gốm tìm thấy trong xưởng đều được dán nhãn, hỗ trợ tác giả chính của nghiên cứu, nhà khảo cổ Maxime Rageot thuộc Đại học Tübingen ở Đức và nhóm của ông trong hành trình đi tìm lời giải cho những bí ẩn về quy trình ướp xác của người Ai Cập.

Những bình này có niên đại từ năm 664 trước Công nguyên, nhiều chiếc cũng được ghi hướng dẫn sử dụng trong quy trình ướp xác, như “đặt lên đầu” và “bó với nó”. Những bình khác thậm chí còn liệt kê tên của người quản lý xưởng ướp xác.

Phát hiện trên đã đưa nhóm khảo cổ của Maxime Rageot vượt xa các nghiên cứu trước đây, vốn chỉ giới hạn trong các phân tích hóa học về xác ướp và lớp bọc xác hoặc các ghi chép lịch sử ít ỏi. Những đồ tạo tác này cũng giúp các nhà khảo cổ hình dung về căn phòng khi nó còn là một nơi ướp xác đang hoạt động cách đây 2.700 năm.

Công thức gây ngạc nhiên

Các đồ vật chứa những chất sử dụng trong quy trình ướp xác.

Các đồ vật chứa những chất sử dụng trong quy trình ướp xác.

Để xác định danh tính của các chất được sử dụng, nhóm các nhà nghiên cứu từ Đức và Ai Cập đã phân tích dư lượng bằng kỹ thuật “sắc ký khí ghép khối phổ kế” (gas chromatography-mass spectrometer) tại phòng thí nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu quốc gia ở Giza, Ai Cập. Sắc ký khí ghép khối phổ là một trong những phép phân tích chính xác nhất hiện có để xác định các chất khác nhau trong một mẫu.

Các mẫu được phát hiện gồm 9 cốc thủy tinh và 22 bát màu đỏ có nhãn dễ đọc nhất. Một mẫu chứa nhựa elemi, nhựa cây pistacia, sáp ong và các sản phẩm phụ của cây bách xù - hướng dẫn trên lọ cho thấy thứ này được dùng để ướp phần đầu.

Một bát chỉ chứa mỡ động vật, nhưng hỗn hợp phổ biến nhất là nhựa của cây bách xù và cây tuyết tùng, mỡ động vật hoặc dầu thực vật cùng elemi - một loại tinh dầu thơm cùng họ thực vật với nhũ hương và mộc dược. Việc sử dụng elemi và cây bách xù là một khám phá mới trong những nghiên cứu về quy trình ướp xác.

Các hướng dẫn trên lọ cực kỳ hữu ích, sáu mảnh vỡ cung cấp thông tin về các chất dùng để tẩy rửa, khử mùi cơ thể và làm mềm da, cũng như công thức xử lý gan và một loại khác cho dạ dày.

Chiếc bát được dán nhãn “để rửa”, chứa các chất đánh dấu bằng dầu hoặc nhựa của cây lá kim, và chiếc bát có ghi “để làm cho mùi của xác dễ chịu” cho thấy bằng chứng về mỡ động vật nhai lại và nhựa Burseraceae.

Trên một chiếc bình có dòng chữ liên quan đến việc xử lý da, có thể xảy ra vào ngày thứ ba của quy trình ướp xác, các nhà khoa học đã xác định được hỗn hợp chất béo của động vật nhai lại (mỡ hoặc sữa) kết hợp với sáp ong đun nóng.

Chất liệu nhập khẩu

Sự đa dạng của các chất được sử dụng để ướp xác tại xưởng Saqqara còn mang lại điều ngạc nhiên nữa là hầu hết chúng đều được nhập khẩu, thường là từ các vùng xa xôi.

Nhựa từ cây Pistacia, cây ô liu, cây tuyết tùng, cây bách xù và cây bách đến từ các địa điểm khác nhau trong lưu vực Địa Trung Hải. Các sản phẩm phụ từ cây tuyết tùng Liban (Cedrus libani) đến từ Levant - khu vực rộng lớn ở Đông Địa Trung Hải thuộc Tây Á. Có lẽ mặt hàng địa phương chỉ có sáp ong và mỡ động vật.

Việc phát hiện ra các chất và quy trình ướp xác đã làm nổi bật kiến thức hóa học và sinh học sâu rộng mà những chuyên gia thời cổ đại này có được. Họ biết nhựa và sáp ong bịt kín lỗ chân lông trên da và giảm độ ẩm, đồng thời lớp muối natron làm khô cơ thể từ trong ra ngoài để giúp bảo vệ da.

Đồng tác giả nghiên cứu trên, GS Philipp Stockhammer cho biết: “Tôi bị mê hoặc bởi kiến thức hóa học của người xưa. Trong quá trình ướp xác, họ đã sử dụng các chất kháng khuẩn và kháng nấm để giữ cho da được bảo quản tốt nhất. Theo tôi, kiến thức này đã được tích lũy qua hàng thế kỷ kinh nghiệm về ướp xác”.

Đây là một khám phá quan trọng về khảo cổ nhưng các nhà khoa học vẫn chưa giải đáp được điều bí ẩn: Làm thế nào mà những người ướp xác cổ đại khám phá ra đặc tính của những chất này và hoàn thiện công thức giúp cơ thể tồn tại lâu như vậy trong hàng nghìn năm?

Theo Mysteriousuniverse

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.