Hệ điều hành Remix OS tham vọng biến smartphone Android thành máy tính

Phiên bản mới của hệ điều hành Remix OS tham vọng sẽ giúp smartphone Android của bạn biến thành PC sau khi bạn kết nối điện thoại với màn hình, bàn phím và con chuột.

Hệ điều hành Remix OS tham vọng biến smartphone Android thành máy tính

Với việc smartphone đã quá trở nên phổ biến hiện nay, sẽ rất tiện lợi nếu người dùng có thể biến nó trở thành một chiếc PC chỉ bằng cách kết nối với màn hình, bàn phím và con chuột.

Trên thực tế, đó chính xác là những gì Microsoft đang cố gắng làm với tính năng Continuum và Windows 10. Đó cũng là mong muốn của Jide - một startup tới từ Trung Quốc, công ty chúng ta từng biết đến với phần mềm Remix OS.

Jide mới đây vừa công bố phiên bản mới của phần mềm này với tên gọi Remix OS on Mobile (hay ROM). ROM sẽ được cài trên smartphone của bạn và sẽ biến chiếc smartphone đó thành PC nhờ tính năng Remix Singularity. Jide dự kiến ra mắt ROM vào nửa sau năm 2017 nhưng hiện công ty đã chia sẻ khá nhiều thông tin về sản phẩm này.

Theo đó, khi chạy trên smartphone, ROM sẽ giống như "một phiên bản Android gốc" - phiên bản Android mà Google phát hành, chưa bị các hãng smartphone tuỳ biến.

"Nhưng bạn hãy tưởng tượng khi bạn làm việc hay học tập, chỉ cần kết nối điện thoại (với các thiết bị ngoại vi) là nó sẽ chuyển sang chế độ PC, giống như laptop hay máy tính để bàn" - David Ko, nhà đồng sáng lập Jide, chia sẻ.

Chế độ PC này về bản chất vẫn chính là Remix OS - hệ điều hành mà Jide đã phá triển trong khoảng 3 năm và hiện đã thu hút hơn 4 triệu lượt tải về.

Nó tùy biến Android để hệ điều hành hoạt động với giao diện giống như hệ điều hành của máy tính - với các tính năng như cửa sổ nổi, menu start, và thanh tác vụ (task bar).

Bạn có thể điều khiển mọi thứ bằng bàn phím và con chuột. Bạn dùng được nhiều ứng dụng phổ biến như Clash of Clans, Microsoft Word, hay Google Docs.

Tuy nhiên, bạn sẽ truy cập các ứng dụng này theo cách giống như trên Windows thay vì Android. Ngoài ra, bạn cũng có thể chỉ kết nối smartphone với TV để biến chiếc TV của mình thành TV Android.

Một vấn đề lớn mà Jide sẽ cần phải giải quyết đó là: Liệu vì sao người dùng lại cần tới sản phẩm của họ. Trước đây rất nhiều công ty đã thử nghiệm các tính năng giúp biến smartphone thành PC, thế nhưng cho tới nay chưa hãng nào thành công.

Nguyên nhân là bởi sức mạnh phần cứng của smartphone bị hạn chế, đồng thời, nhiều ứng dụng mà người dùng cần đến không thể truy cập theo cách làm này.

Có thể nói, Microsoft là hãng duy nhất vẫn đang nuôi tham vọng biến smartphone thành PC với tính năng Continuum, tuy nhiên, chúng ta chưa thể đánh giá hãng sẽ thành công hay thất bại khi mà Continuum chưa chính thức ra mắt.

Với Jide, khi được hỏi vì sao hãng cho rằng tính năng Remix Singularity của mình sẽ tạo ra sự khác biệt, Ko cho biết cách tiếp cận của công ty có 2 lợi thế. Thứ nhất là chi phí và thứ hai là bản thân hệ sinh thái Android.

Giống như các phiên bản trước của Remix OS, ROM sẽ cho tải về miễn phí, cho phép bạn truy cập tất cả các ứng dụng Android thông thường (sau khi bạn side-load Play Store). Jide kỳ vọng điều này sẽ hấp dẫn người dùng ở các nước đang phát triển.

"Trong 5 năm tới sẽ có khoảng 5 tỷ người online. Lúc đó lựa chọn số một của họ là smartphone, một chiếc smartphone giá rẻ, và đó sẽ là điện thoại chạy Android" - Ko cho biết. Đồng sáng lập Jide nói rằng, nếu những người dùng này lựa chọn thiết bị chạy ROM, họ sẽ được hưởng lợi với chế độ PC tích hợp sẵn.

"Nếu điện thoại của bạn có thể thay thế được PC, đó sẽ là một khoản tiết kiệm lớn" - Ko phát biểu, đồng thời tưởng tượng về tương lai smartphone sẽ là thiết bị chính của ngườ dùng. Họ chỉ cần mang máy tới văn phòng, kết nối vào màn hình và bàn phím để tiếp tục làm việc.

Tuy nhiên, giống như trước đây, giải pháp của Jide sẽ không hiệu quả với các nước đang phát triển. Người dùng ở những quốc gia này sở hữu nhiều máy tính và sử dụng các dịch vụ đám mây để chia sẻ file giữa các máy.

Nó hiệu quả hơn rất nhiều so với việc phụ thuộc vào smartphone vốn chỉ sở hữu những mẫu vi xử lý hiệu năng thấp. Rõ ràng, chi phí và sự phổ biến của Android là những lợi thế giúp Remix OS on Mobile có sức hấp dẫn riêng, nhưng từng đó là chưa đủ để nó tiếp cận được một lượng người dùng lớn.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với Jide là làm thế nào để đưa sản phẩm tới người dùng. Hiện hãng đang tìm kiếm đối tác (là các hãng smartphone) để tích hợp Remix Singularity vào smartphone bán ra trên thị trường.

Jide cũng từng có kinh nghiệm trong việc này, khi hãng từng hợp tác với các công ty Trung Quốc để đưa Remix OS vào các mẫu PC all-in-one mà các công ty này sản xuất. 

Ko nói thêm rằng người dùng cũng sẽ có thể tải về ROM và tự cài đặt nó, tuy nhiên, đối tượng người dùng mà Jide hướng tới (những người lần đầu tiên sử dụng smartphone) có vẻ như họ sẽ không đủ kinh nghiệm để làm việc này. Đó là chưa kể Remix OS không có sẵn Google Play, và người dùng buộc phải cài kho ứng dụng này từ nguồn ngoài.

Với những người sành công nghệ, việc cài đặt này là không quá khó khăn, nhưng sẽ là ngược lại nếu bạn chỉ quen dùng những gì được tích hợp sẵn trên smartphone. Một nhược điểm nữa của Remix OS là bề ngoài nó trông rất mượt mà nhưng tiềm ẩn nhiều bug, lỗi trong quá trình sử dụng.

Theo ICT News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.