Tôi tò mò về sự tiến bộ vượt bậc của cháu thì được cả nhà kể lại hành trình trưởng thành của cháu mà nhân vật được nhắc đến nhiều nhất lại là cô Hoa - Giáo viên chủ nhiệm lớp năm học vừa rồi của cháu.
Cô giáo chủ nhiệm hiện lên trong lời kể của gia đình chị tôi là một phụ nữ nhỏ nhắn nhưng cương nghị và hết lòng chăm lo cho học sinh.
Ngày đầu tiếp quản lớp, cô gây ấn tượng trước học trò bởi một số thông tin về học lực hạnh kiểm, số buổi nghỉ học khi học lớp 9. Cô đọc tên một số bạn với những thành tích đáng nể mà không quên dặn cần phải khiêm tốn và cố gắng hơn nữa.
Cả lớp tròn xoe mắt nể cô vì cả lớp mới thò đầu vào cấp III mà sao cô có thể biết tuốt nhanh vậy. Rồi đến chuyện bầu ban cán sự, cô hỏi cả lớp nhao nhao:
- Thưa cô, bạn Tuấn Anh làm lớp trưởng đi ạ, năm ngoái bạn làm rồi.
- Bạn Lan sẽ làm lớp phó ạ.
- Thế còn thư ký?
- Quỳnh Hương ạ! Bạn ấy viết chữ đẹp lắm cô ơi.
- Được rồi, cô đồng ý với tất cả, trừ vị trí lớp trưởng. Tuấn Anh sẽ chuyển sang làm bí thư chi đoàn vì lớp mình cũng đã có đến bảy đoàn viên. Còn lớp trưởng sẽ do Phương làm.
Cả lớp tròn xoe mắt, hướng về phía cô bé có dáng người mảnh khảnh, vẻ hạt tiêu nhất lớp. Dường như cũng không tin vào tai mình, trong giây lát Phương mới kịp định thần lại, đứng lên lí nhí xin thôi.
Nhìn cô bạn nhỏ bé, mà lại vừa biết bạn ở một xã vùng sâu ra đây học, chẳng có ai phục. Có em nói đổi lại đi vì bạn nhỏ thế làm sao nói cho cả lớp nghe được.
Thấy cô kiên quyết, Phương như sắp khóc, cả lớp nhao nhao nhìn cô bạn mới với chức vụ mới. Cô ra hiệu cả lớp im lặng và tiếp lời:
- Hôm nay chúng ta tạm bầu ban cán sự lâm thời, sau này khi ổn định nề nếp chúng ta sẽ bầu lại đàng hoàng. Căn cứ vào kết quả học tập năm ngoái, trung bình môn cả năm của Phương là 8,9, giải nhì văn cấp tỉnh, cả năm không vắng buổi học nào.
Nếu còn ai vượt qua được kết quả đó, cô cho làm lớp trưởng. Nếu bạn nào không phục thì lấy kết quả học tập năm học này để chứng minh. Còn Phương phải làm lớp trưởng, đây là lệnh. Nếu em không nghe, cứ lên gặp ban giám hiệu xin thôi.
Phương về nhà mắt đỏ hoe, chị tôi đành bỏ dở việc đồng áng ra thị trấn xin cô chủ nhiệm cho con thôi làm lớp trưởng vì Phương không biết làm, không thể làm, không dám làm.
Nhìn vẻ lam lũ và khắc khổ cộng với sự rụt rè trong cách ăn nói của chị tôi, cô hiểu người phụ nữ ngồi trước mặt suốt ngày chỉ biết mỗi ruộng nương, mấy khi được rời buôn làng hẻo lánh để ra thị trấn đang nghĩ cô giáo quàng lên vai con gái yêu của bà một việc ngoài sức tưởng tượng.
Cô hướng về phía Phương nói với hi vọng Phương sẽ hiểu ý cô hơn mẹ:
- Năm ngoái, mọi thứ em đều tốt, đều giỏi, duy chỉ một điều, trong học bạ giáo viên nhận xét em quá rụt rè và nhút nhát. Nên giờ cô cho em làm lớp trưởng để rèn tính chủ động, hoạt bát và cả tác phong làm việc theo nhóm, làm lãnh đạo nữa. Những điều đó rất cần cho em sau này.
Cái gì cũng có sự bắt đầu. Em không làm thì sao biết có làm được hay không. Cứ làm cho cô hai tháng, nếu các bạn không nghe, không làm được, bầu lại, không được tín nhiệm nữa, cô sẽ đổi. Cô làm vậy cũng chỉ vì muốn tốt cho em thôi. Hãy làm những gì mà cô dặn, các bạn sẽ giúp em.
Nghe nói vì muốn tốt cho con mình, chị tôi mới yên tâm, cô bé cũng chẳng còn ý kiến gì nữa.
Hết năm học, bao nhiêu lớp trong trường đã phải đổi lớp trưởng nhưng riêng lớp cô Hoa chủ nhiệm, Phương vẫn là một lớp trưởng gương mẫu, được cả tập thể lớp rất đoàn kết ấy tin yêu.
Phương không còn rụt rè, nhút nhát như những ngày đầu mới vào lớp nữa mà luôn năng nổ trong mọi việc cô và trường giao. Thi đua, lớp luôn dẫn đầu khối...
Nhìn cháu trưởng thành như vậy mà tôi thầm cảm phục cô giáo Hoa, thế mới biết nghề giáo không hề đơn giản mà vô cùng khó khăn, đòi hỏi cái tâm và có tầm nhìn để truyền đạt tri thức, để kịp thời giáo dục, uốn nắn các em nên người.