Hãy buông ngay điện thoại khi trông con để không bao giờ phải hối hận vì những điều này

GD&TĐ - Bởi vì hàng loạt những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà cha mẹ sẽ không bao giờ lường trước được.

Hình ảnh này chẳng khó bắt gặp trong cuộc sống thường ngày (Ảnh minh họa).
Hình ảnh này chẳng khó bắt gặp trong cuộc sống thường ngày (Ảnh minh họa).

Ngày nay, dù đi đâu, chúng ta đều rất dễ bắt gặp những khuôn mặt cắm cúi vào chiếc điện thoại di động. Và với các bậc phụ huynh, có không ít người còn vừa chăm chăm nhìn vào chiếc điện thoại khi vừa chơi với con hay thậm chí có những người bỏ con luôn một bên và chỉ quan tâm đến chiếc điện thoại của mình.

Những tai nạn đáng buồn xảy ra khi cha mẹ mải mê với điện thoại mà quên mất con 

Tháng 3 năm 2014 tại East Yorkshire, Anh, cậu bé Joshua 2 tuổi đã bị chết đuối chính tại ngôi nhà của mình. Và nguyên nhân cái chết của cậu bé là do trong lúc cậu bé chơi đùa ở khu vườn sau nhà thì bà mẹ Claire Barnett, 31 tuổi lại đang mải mê trò chuyện và trả lời bình luận trên Facebook về hai bức ảnh mới đăng của mình.

Chỉ vì mẹ mải lướt facebook mà người ta đã không thể nhìn thấy nụ cười này của Joshua được nữa.

Tại Trung Quốc, chỉ trong năm 2015, đã có 2 trường hợp trẻ bị chết do bố mẹ vừa trông con vừa dùng điện thoại được báo chí đưa tin rầm rộ. Đầu tiên là trường hợp xảy ra tại bãi đậu xe của một trung tâm thương mại ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Theo báo chí thì vào thời điểm đó, một em bé 2 tuổi đang chạy chơi trong khu vực đỗ xe đã không may bị một chiếc SUV màu trắng cán qua gây tử vong tại chỗ. Điều đáng nói, khi đó, mẹ của em bé vẫn đang mải cắm mặt vào điện thoại.

Trường hợp thứ hai là bé Han Han, 3 tuổi ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Nguyên nhân là bởi khi mọi người bận dọn dẹp sau bữa ăn, cha cô bé, anh Zhang, được giao nhiệm vụ trông chừng đứa con gái 3 tuổi của mình. Tuy nhiên, trong khi đứa con gái chơi đùa với đồ chơi, anh Zhang lại mải miết cắm cúi vào điện thoại và hậu quả là cô bé đã ngã từ tầng 3 xuống mà không ai hay biết.

Cũng tại Trung Quốc thì vào tháng 9 năm 2014, thành phố Thâm Quyến đã chấn động bởi sự ra đi của một bé gái chỉ mới 5 tháng tuổi – Wei. Wei sống với bố mẹ trong căn phòng chỉ vẹn vẻn 10 mét vuông và khi bố đi làm, mẹ ở nhà trông em thì tai nạn thương tâm đã xảy ra.

Theo kết quả điều tra, vì mải chơi điện thoại không để mắt tới con mà bà mẹ này đã không hề biết cô bé Wei đã tự mình bò vào nhà vệ sinh, nơi có 2 chiếc thùng nước. Cô bé đã vô tình bị úp mặt, mắc kẹt trong chậu nước và chết đuối ngay lúc đó.

Gương mặt vô cùng đau khổ của mẹ cô bé Wei khi phát hiện cô bé chết đuối trong nhà tắm.

Trung tâm thương mại Kenanga Wholesale tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia cũng đã từng xảy ra một vụ việc thương tâm. Nạn nhân là một bé gái 6 tuổi đã tử vong khi nghịch ngợm trèo tay vịn thang cuốn sau đó ngã xuống đất từ khoảng trống giữa thang cuốn và thanh chắn. Đáng buồn là lúc đó, mẹ của cô bé vẫn đang loay hoay nhắn tin điện thoại và bế con thứ 2 đi xuống mà không hề hay biết chuyện gì xảy ra.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ tác hại to lớn của việc vừa dùng điện thoại vừa trông con

Tại Việt Nam, may mắn rằng chưa có trường hợp nào trẻ tử vong do bố mẹ mải dùng điện thoại, lướt facebook mà quên theo dõi con nhưng những tai nạn như trẻ bị ngã, bị va đập… do bố mẹ không chú ý là điều không hề hiếm gặp.

Không những vậy, theo một nghiên cứu gần đây được tiến hành tại Đại học Iindiana, Giáo sư Chen Yu và Linda Smith đã chỉ ra rằng “Những phụ huynh xao nhãng hay thường xuyên đảo mắt nhìn quanh trong lúc con chơi đùa có tác động tiêu cực tới khả năng tập trung của trẻ trong một giai đoạn phát triển quan trọng”.

Giáo sư Chen Yu còn cho biết thêm rằng theo nghiên cứu mới, nếu cha mẹ lướt mắt trên điện thoại nhiều lần trong khi họ đang trông con thì đứa trẻ cũng giảm khả năng tập trung theo: “Khả năng tập trung của trẻ em là một chỉ số quan trọng cho thành công sau này, ví dụ như học ngôn ngữ, giải quyết vấn đề và các dấu mốc phát triển nhận thức then chốt khác. Người chăm sóc trẻ mà lơ đãng hoặc mắt họ lơ đễnh thì sẽ tác động tiêu cực đến khả năng chú ý của đứa trẻ trong giai đoạn phát triển quan trọng này”.

Ngoài ra, trong một phát biểu của mình, bác sĩ Kateyune Kaeni – nhà tâm lí học chuyên ngành tâm thần sản phụ khoa của Trung tâm Y tế Valley Pomona, California, Mỹ cùng các cộng sự của mình đã nói rằng việc một bà mẹ vừa cho con bú vừa dùng điện thoại sẽ rất hại cho trẻ.

Vừa cho con bú vừa dùng điện thoại sẽ rất hại cho trẻ (Ảnh minh họa)

Cụ thể, nếu một người mẹ vừa cho con bú vừa sử dụng điện thoại sẽ gây nên ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển bình thường của não trẻ, khiến trẻ gặp phải một số vấn đề về tâm lý khi trưởng thành, ví dụ như không thích chơi đùa cùng các bé khác, bị bệnh trầm cảm…

Lý giải về điều này, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng khi mẹ cho con bú, nếu mẹ chỉ chăm chăm vào chiếc điện thoại thay vì ân cần trò chuyện, tập cho con nói những câu ê a thì về lâu dài, đứa trẻ sẽ quen dần với sự im lặng, không thích chơi đùa cùng người khác, thậm chí trở nên lãnh cảm với thế giới xung quanh.

Chắc hẳn các bậc phụ huynh cũng đã từng đọc bài báo về bức thư của một cậu bé học lớp 2 tại Chiết Giang, Trung Quốc gửi tới mẹ của mình với những lời lẽ vô cùng xót xa như: “Mình kể cho mẹ nghe một câu chuyện nhỏ. Nhưng hình như mẹ không thích nghe chuyện mình kể, mà cứ dán mắt vào điện thoại thôi” hay “Mình nghĩ có lẽ mẹ sẽ vui khi nghe lời chúc của mình, vậy nên mình đã gửi lời chúc mừng ngày 8/3 đến mẹ. Thế nhưng mẹ vẫn nhìn chằm chằm vào điện thoại khiến cho mình càng cảm thấy buồn hơn. Điều này khiến mình rất buồn”. Thật xót xa biết bao!

Chính vì vậy, thay vì lúc nào cũng vùi đầu vào chiếc điện thoại, cha mẹ hãy để chiếc điện thoại xuống và dành thời gian để chơi đùa, trò chuyện và giao lưu cùng con. Điều này sẽ không chỉ không ảnh hưởng đến tâm lý, quá trình phát triển của trẻ mà còn giúp trẻ lớn lên theo đúng nghĩa của nó, là một tuổi thơ mà khi con quay đầu, luôn có mẹ nhìn theo và mỉm cười, là một tuổi thơ mà con khi muốn kể một câu chuyện nào đó không phải nhìn thấy hình ảnh bố mẹ luôn cắm mặt vào chiếc điện thoại trên tay.

Theo afamily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ