Khó khăn bất ngờ!
Chị Lê Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Na Hang – nghe phụ huynh chia sẻ mà cứ cười vui mãi. Bao nhiêu công sức vận động, đi sớm về muộn của chị và các thầy cô giáo nhà trường suốt thời gian qua giờ đã đơm quả ngọt!
Chị Lan chia sẻ, Trường Tiểu học Thị trấn Na Hang thành lập năm 1993, tách ra từ Trường cấp 1, 2 Thị trấn Na Hang. Hiện trường có hơn 600 học sinh với 24 lớp, 43 giáo viên – đủ để triển khai dạy học 2 buổi/ngày. Hai điểm trường lẻ là phân hiệu Nà Mỏ (cách trường chính 8km) với 18 học sinh chia thành 2 lớp ghép và phân hiệu Ngòi Nẻ với 97 học sinh chia thành 5 lớp học.
- Năm học này, cô trò Trường Tiểu học Thị trấn Na Hang vui mừng học tập trong ngôi trường mới xây, tổng số vốn đầu tư trên 11,5 tỷ đồng, quy mô 3 tầng với 18 phòng học. Trong đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tài trợ 6 tỷ đồng cùng với nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác.
Chị Lan nhận công tác tại Trường Tiểu học Thị trấn Na Hang từ năm 2008, kinh qua các vị trí làm giáo viên đứng lớp, tổng phụ trách Đội, hiệu phó và hiệu trưởng, nói đến các công việc của trường là khuôn mặt chị lại rạng rỡ, kể về các học sinh dân tộc yêu thầy cô, kể về các phụ huynh chân thành và các giáo viên tận tụy của mình.
Hỏi chị: Năm học vừa qua nhà trường đã gặp khó khăn gì và vượt qua như thế nào? Không nói về khó khăn cơ sở vật chất, hay những vất vả của nghề giáo, chị Lan nói ngay: Giáo viên chúng mình đã cùng nhau xóa được điểm trường lẻ!
Được biết, Trường Tiểu học Thị trấn Na Hang vốn có 4 điểm trường lẻ là Hang Khảo, Hà Vị, Nà Mỏ, Ngòi Nẻ. Năm học 2016 – 2017, nhà trường vận động học sinh lớp 5 điểm trường Hang Khảo ra điểm trường chính. Năm học 2017 – 2018, đưa toàn bộ học sinh ở điểm Hang Khảo ra trường chính học tập, cùng đó vận động học sinh lớp 5 điểm trường Hà Vị ra học ở thị trấn, Cũng với cách thức tương tự, năm học 2018 – 2019, nhà trường xóa điểm trường lẻ Hà Vị.
Nghe chị Lan liệt kê việc xóa điểm trường lẻ thấy cứ “nhẹ như không”! Nhưng biết những câu chuyện “hậu trường” xóa điểm trường lẻ mới thấy những tháng ngày “căng như dây đàn” của cô quản lý và các giáo viên.
Các em HS chăm chú đọc sách trong giờ tự ôn bài |
Giáo viên chân thành, phụ huynh dần hiểu
Đứng từ góc độ quản lý, chị Lan rất ủng hộ chủ trương dồn ghép điểm trường để nâng cao chất lượng giáo dục, chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới. Nhiều điểm trường lẻ, công tác quản lý cũng khó khăn hơn, mấy tháng học ở môi trường hạn hẹp, chưa nói đến chất lượng giảng dạy, học sinh sẽ thiếu tự tin và thiệt thòi trong các hoạt động chung của nhà trường. Ở điểm lẻ, học sinh không được học 2 buổi/ngày, có nơi còn không đủ học sinh để dạy học tiếng Anh.
Nhìn thấy rõ những lợi ích khi xóa những điểm trường lẻ học sinh ít, học ghép lớp, nhưng khi tuyên truyền vận động cha mẹ học sinh thì vô cùng gian nan. Đồng bào dân tộc vốn không thích thay đổi, thấy con trước đi bộ vài bước là ra điểm trường, nay chuyển chỗ con đi học xa hơn, bố mẹ phải dậy sớm đưa đi đón về vất vả. Thế là lần đầu tiên vừa chỉ nghe đến việc chuyển điểm trường, không cần biết “đầu cua tai nheo” đã nguây nguẩy: Chúng tôi không đồng ý!
Cô Lê Thị Lan và các giáo viên trước đó đã xác định việc tuyên truyền, vận động khó có thể làm một sớm một chiều, cần kiên nhẫn giải thích, tạo niềm tin cho bà con. Ban Giám hiệu, các thầy cô trong trường thay phiên nhau đến địa phương họp cùng dân, mời các tổ chức đoàn thể đi cùng. Họp lần 1, lần 2, người dân vẫn không đồng thuận.
Một số người còn nóng nảy đập bàn: “Nếu dồn điểm trường thì tôi không cho con đi học”! Không khí cuộc họp rất “nóng”. Có giáo viên trong trường gặp chị Lan nói: “Chị ơi, tình hình căng lắm. Khả năng không thành công rồi”. Chị Lan lúc đấy vẫn bình tĩnh: Cứ từ từ. Cứ mưa dầm thấm lâu. Quan trọng là chị em mình cần kiên trì giải thích cho các bác hiểu được lợi ích khi dồn điểm trường.
|
Thế là các thầy cô Trường Tiểu học Thị trấn Na Hang lại thay đổi chiến thuật! Chị Lan trực tiếp đến họp với các tổ chức đoàn thể trước: Trao đổi với đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, Đoàn thanh niên, cựu chiến binh… Cứ đi dần như thế, sau đó họp toàn bộ phụ huynh, rồi tổ chức họp toàn dân của thôn bản.
Có trường hợp bí thư chi bộ thôn bản thấm nhuần, hiểu được chủ trương rồi, nhưng về nhà lại bị người thân phản đối, và thầy cô lại tiếp tục vận động. Thầy cô phân công nhau hàng ngày đến tận nhà người dân phản đối để chia sẻ, trò chuyện. Tính ra, điểm trường Hang Khảo, chị Lan và các giáo viên mất hơn 1 năm trời tuyên truyền, vận động. Và cuối cùng, sự chân thành của thầy cô đã tạo niềm tin trong bà con. Phụ huynh học sinh dần đồng tình, cho con em đến điểm trường chính học tập. Hai điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Thị trấn Na Hang đã được xóa như thế.
Trường vẫn còn 2 điểm lẻ, chị Lan lại phải tính dần. Trước mắt giáo viên nhà trường tập trung tiếp cận dần với những đổi mới về Chương trình SGK mới. Chị Lê Thị Lan chia sẻ: Theo các chuyên gia, trường tôi có thuận lợi là đã thực hiện Mô hình VNEN hơn 5 năm nay, có nhiều tương đồng về hình thức triển khai và cách thức tổ chức lớp học. Chúng tôi tự tin đón nhận những đổi mới sắp tới của ngành.