Đến nay, sau 10 ngày tàu VIETSUN INTEGRITY chìm trên sông Lòng Tàu (thuộc tuyến luồng Sài Gòn - Vũng Tàu), lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực giải cứu con tàu bị nạn. Khoảng 414m3 dầu lẫn nước đã được hút và thu gom từ các két dầu và bên ngoài con tàu, không gây ô nhiễm môi trường…
Ứng cứu thành công sự cố tràn dầu
Đến chiều 29/10, ông Vũ Hải Lưu, Đội trưởng Đội Ứng phó tràn dầu của Công ty CP Dịch vụ Vận tải biển Hải Vân (HaivanShip) thông tin từ hiện trường về cho biết, khoảng 99% số dầu từ các két của con tàu chìm và toàn bộ số dầu tràn ra bên ngoài đã được thu gom lên sà lan Hàm Luông 12. Hiện không còn dầu rỉ ra từ con tàu bị nạn.
Theo biên bản bàn giao giữa các bên liên quan dưới sự chứng kiến của đại diện Cảng vụ Hàng hải TP HCM (lập ngày 28/10), tổng lượng dầu thu gom từ tàu chìm khoảng 414m3 dầu lẫn nước, trong đó có 42m3 dầu lẫn nước được thu gom ở khu vực phao quây bên ngoài con tàu chìm.
Theo tìm hiểu của PV, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn hàng hải này, một đơn vị chuyên xử lý sự cố tràn dầu trên sông ở TP HCM được điều đến hiện trường. Tuy nhiên, do đây là vụ chìm tàu trọng tải tới hơn 8.000 tấn, khối lượng dầu có nguy cơ tràn quá lớn nên các cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu HaivanShip trực tiếp tham gia ứng cứu.
“Ngay khi nhận “lệnh”, chúng tôi đã điều tàu lai Sea Champion và sà lan Hàm Luông 12 (sức chứa 700 tấn dầu) cùng nhiều thiết bị, nhân lực tức tốc đến hiện trường. Lúc đầu, đội xử lý tràn dầu gồm 40 người, sau tăng thêm 10 người chia làm 3 ca xử lý tràn dầu. Tiếp đó, HaivanShip điều thêm 3 tàu lai nữa cùng đến thẳng khu vực tàu chìm. Lúc này, các tàu lai phối hợp thu gom các container trôi nổi, dọn dẹp vùng nước để quây phao. Chúng tôi không nghĩ là dầu tràn nhiều như thế ở hiện trường. Sau này, xem xét kỹ mới biết, các van của các két dầu không kín nên dầu tràn nhiều và nhanh”, một lãnh đạo HaivanShip cho hay.
Vị này cũng chia sẻ, ứng cứu tràn dầu phải có 4 điều kiện cần và đủ, đó là phao quây đạt chuẩn, bơm dầu trên mặt nước (bơm Scrimmer), sà lan chứa dầu và tàu lai để dọn dẹp các chướng ngại vật và rải phao quây. Ngoài ra, còn cần các thiết bị khác như bấc thấm, giấy thấm… để làm sạch vùng nước có dầu loang.
Cùng tham gia giải cứu dầu từ tàu chìm, ông Nguyễn Văn Bê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Trục vớt cứu hộ Việt Nam (Visal) cho biết, ngay trong đêm xảy ra vụ tai nạn hàng hải, ông đã có mặt tại hiện trường để phối hợp xử lý hiện trường. Tuy nhiên, phải đến tối 20/10, chủ tàu mới đề nghị ông tham gia công việc hút dầu trong các két tàu chìm. Đến 5h15 sáng 21/10, phương tiện máy móc, nhân lực của Visal có mặt tại hiện trường. Đội thợ lặn gồm 8 người của Visal thay phiên nhau lặn vào bụng tàu chìm, rà soát, tìm cách đưa các đường ống vào các két chứa dầu, hút đưa lên tàu Hàm Luông 12.
Khi nào trục vớt xong?
HaivanShip quây nhiều lớp phao đảm bảo không cho dầu loang ra ngoài
Đến chiều 29/10, nguồn tin từ Cảng vụ Hàng hải TP HCM cho biết, 30/10 là thời hạn chót để chủ tàu VIETSUN INTEGRITY trình phương án trục vớt.
Về việc chậm có phương án trục vớt tàu chìm, ông Nguyễn Văn Bê cho hay: “Phương án thì liên quan đến tiền, mà tiền thì bảo hiểm họ cầm, Nhà nước không ứng tiền, trục vớt xong chủ tàu không thanh toán, đơn vị đến nay còn bị nợ mấy chục tỉ đồng không đòi được. Trục vớt xong, chủ tàu cười nhưng có trả tiền đâu. Có kiện ra tòa thì cũng không thi hành án được, không đòi được. Mấy nghìn ngày mới có một ngày, không có tiền lấy gì nuôi quân. Tôi chán nghề trục vớt lắm rồi…”, ông Bê trầm ngâm. Cũng theo ông Bê, công việc trục vớt con tàu này phải kéo dài khoảng 3 tháng đến 100 ngày, phải cắt tàu ra thành khoảng 20 khúc, dùng cẩu gắp lên tàu chở đi.
Trao đổi với PV, một chuyên gia cảng biển gần khu vực xảy ra vụ chìm tàu cho biết, tắc luồng khiến các tàu phải đi tuyến xa hơn, chi phí nhiên liệu tăng. Một số tàu phải giảm tải ở khu vực khác rồi mới vào Cát Lái để lấy hàng làm phát sinh chi phí hàng hải. Chẳng hạn như hoa tiêu, lai dắt 2 lần, thủ tục hải quan cho hàng hoá cũng phát sinh... Lịch tàu xáo trộn, áp lực giao hàng hoá kịp thời tăng lên.
“Đặc biệt, đang vào thời kỳ cao điểm của xuất nhập khẩu hàng hoá (mùa cuối năm) nên càng gấp rút. Để có thể chạy tàu vào Cát Lái lấy hàng thì các hãng tàu có động thái giảm tải ở các cảng nước ngoài để đủ mớn nước vào theo các tuyến luồng tránh, cũng tác động đến việc vận hành tàu của các hãng tàu…”, vị này nói.
Để giảm bớt những khó khăn cho các hãng tàu, ngày 28/10, Cục Hàng hải VN đã có công văn hỏa tốc đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại cảng biển khu vực TP HCM, Vũng Tàu, Đồng Nai tạo thuận lợi cho tàu có mớn nước lớn chuyển tải hàng hóa. Xem xét hỗ trợ hãng tàu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có tàu giảm tải tại bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải và Hiệp Phước (đã hoặc chưa ký hợp đồng) kể từ ngày 19/10/2019 đến khi tuyến luồng sông Lòng Tàu hoạt động trở lại…