(GD&TĐ) - Sau vụ tấn công hóa học ở Syria khiến 1.300 người thiệt mạng, những chấn động dư luận đang lan khắp địa cầu. Nhiều cuộc bàn bạc về khả năng trừng phạt Syria diễn ra, mặc dù chính phủ nước này vẫn khăng khăng phủ nhận việc sử dụng vũ khí hóa học. Mỗi quốc gia có vị trí trọng yếu trên chính trường quốc tế đều có tiếng nói riêng của mình về việc tấn công Syria.
Mỹ
Là người bảo lãnh cho các mệnh lệnh mang tính quốc tế, chắc chắn Mỹ phải làm gì đó sau vụ sử dụng vũ khí hóa học trên diện rộng, gây thương vong lớn ở Syria. Mỹ tin rằng, chính quyền ông Assad phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công.
Tuy nhiên, Mỹ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Để tiến hành một chiến dịch lớn nhằm lật đổ ông Assad cần rất nhiều thời gian, công sức, của cải; trong khi đó, dù ai lên thay ông Assad cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích Mỹ nhiều hơn bản thân ông Assad, đấy là chưa nói đến thực tế hầu hết các nhóm đối lập ở Syria đều ngả về phía al Qaeda.
Như vậy, Mỹ cần một cuộc can thiệp quân sự phải đủ sức mạnh để trừng phạt Assad, nhưng lại không được quá mạnh để lật đổ ông ta. Đối với các nhà quyết định chính sách Mỹ, chắc chắn đây là quyết định gây ít thiệt hại nhất mà họ có thể thực hiện.
Trung Quốc
Trung Quốc kiên quyết phản đối việc sử dụng vũ khí hóa học và ủng hộ Liên Hợp Quốc điều tra về vũ khí hóa học ở Syria. Trung Quốc cũng mong muốn các nhà điều tra được tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của mình, đồng thời kêu gọi tránh đưa ra kết quả một cách vội vàng. Bắc Kinh cũng tuyên bố họ muốn hòa bình và đề xuất tiếp tục hội nghị lần thứ 2 về Syria ở Geneva – một sáng kiến mà gần đây nhiều người đặt vấn đề về tính hiệu quả. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng: “Một giải pháp chính trị luôn là phương tiện duy nhất để giải quyết vấn đề Syria”.
Trẻ em là nạn nhân của vụ tấn công hóa học ở Syria |
Nga
Chính phủ ông Putin thể hiện sự không mong muốn sẽ có một “Lybya hay Iraq thứ 2”. Có nguồn phân tích cho rằng, Nga muốn bảo vệ chính phủ Syria do những quyền lợi kinh tế và quân sự của mình tại nước này, nhưng mục đích chủ yếu là vô hiệu hóa các nỗ lực của Mỹ trong việc giải quyết vấn đề của Syria.
Viện dẫn cuộc Cách mạng mùa xuân Ảrập và cuộc chiến Iraq do Mỹ cầm đầu, Nga thể hiện sự không tin tưởng rằng cách mạng, chiến tranh và sự thay đổi thể chế cầm quyền có thể mang lại ổn định và nền dân chủ cho Syria.
Nga cũng không tin vào các mục đích của Mỹ tại khu vực này. Nhiều người cho rằng các mối quan tâm về “vấn đề nhân quyền” chẳng qua là một cách che đậy khéo léo cho Mỹ trong việc bảo vệ các quyền lợi chính trị và kinh tế của mình.
Nga vẫn duy trì ảnh hưởng của mình thông qua quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong việc che chắn cho Syria khỏi áp lực quốc tế. Vấn đề ở chỗ: Để tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào Syria, liệu Mỹ và các đồng minh có cần đến sự ủy quyền của Liên Hợp Quốc hay không!
Iran
Syria là một đồng minh chiến lược chủ chốt của Iran. Ngoại trưởng Javad Zarif và tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng chính phủ Syria “là nạn nhân của một âm mưu quốc tế”. Iran tin rằng phương Tây và hầu hết các nước Ảrập đều mưu đồ thay đổi chế độ ở Syria. Iran tuyên bố mục tiêu chính của âm mưu này là để khu vực này trở nên an toàn hơn cho Israel.
Syria cũng là đồng minh Ảrập duy nhất của Iran trong trận chiến kéo dài 8 năm với Iraq; Syria và khu vực do Hezbollah quản lý ở Lebanon được cho là “phòng tuyến số một” của Tehran trong trường hợp nếu Iran bị Israel hay phương Tây tấn công. Như vậy, tiếng nói của Iran về vấn đề Syria dựa trên mối quan hệ hữu nghị lâu đời cũng như tầm quan trọng chiến lược của Syria đối với Tehran.
Anh
Thủ tướng Anh David Cameron đang thúc đẩy nghị viện bỏ phiếu cho việc tham gia hoạt động quân sự phản ứng lại những cuộc tấn công hóa học tại Syria. Ông Cameron tuyên bố bất kỳ phản ứng nào cũng cần tương xứng, hợp pháp và nhằm mục đích ngăn cản việc sử dụng vũ khí hóa học.
Anh luôn đóng một vai trò nổi bật trong các nỗ lực nhằm đảm bảo các giải pháp của Liên Hợp Quốc về vấn đề này. “Đây là thời điểm để Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gánh vác trách nhiệm về Syria, nhất là sau 2 năm rưỡi (Hội đồng Bảo an) đã thất bại (trong vấn đề này)”, Ngoại trưởng Anh William Hague phát biểu. Ông Hague cũng cảnh báo rằng, ngay cả nếu Trung Quốc và Nga cản trở giải pháp của Hội đồng Bảo an, Anh và các quốc gia khác vẫn sẵn sàng cho hành động quân sự.
Jordan
Jordan muốn giải quyết vấn đề Syria bằng giải pháp ngoại giao, dù vậy, nước này cũng là nước chủ nhà cho cuộc gặp gỡ quân sự giữa Mỹ, châu Âu, Ảrập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar. Dù vậy, Jordan vẫn không muốn bị nhìn nhận như nước chủ nhà của cuộc họp quyết định số phận của Syria.
Jordan cũng lo ngại rằng họ sẽ nằm trong tình trạng nguy hiểm nếu xảy ra những cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Syria và sự chống trả của chính quyền Syria.
Có thể nói, việc Ảrập Xêút sử dụng Jordan để đưa vũ khí được buôn lậu vào Syria cho quân nổi dậy đã trở thành một “bí mật công khai”. Jordan tuyên bố đang làm tất cả để ngăn chặn tình trạng này và không muốn kích động thêm tình trạng ở Syria. Bị tổn thương và ảnh hưởng bởi cuộc Cách mạng Mùa xuân Ảrập và những căng thẳng nội bộ như tình trạng tham nhũng, vấn đề triều chính, Jordan đang muốn tránh xa những rắc rối.
Kiều Phong