Quá trình kiểm tra phát hiện, có sinh viên ghi sai thông tin về đối tượng ưu tiên, khu vực dẫn đến không đủ điểm trúng tuyển như thông tin ban đầu. Đây là bài học cần rút kinh nghiệm cho mùa tuyển sinh năm nay.
Vẫn còn nhầm lẫn, sai sót
Nhằm phục vụ công tác đối chiếu, kiểm tra lưu trữ hồ sơ theo quy định, Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu tân sinh viên nộp hồ sơ nhập học (bản giấy). Trước đó, vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, trường này cho phép tân sinh viên nộp hồ sơ theo hình thức online và có vài trăm hồ sơ nộp trực tuyến cần phải kiểm tra lại thông tin.
Trong số này, có khoảng 10 trường hợp bị sai đối tượng. Mặc dù ghi sai đối tượng nhưng vẫn nằm trong mức điểm chuẩn của ngành học mà thí sinh đăng ký nên không có xáo trộn gì. Riêng 2 trường hợp, sau khi rà soát thấy thấp hơn điểm chuẩn của ngành học, trường đã trao đổi, động viên các em chuyển sang ngành học khác có mức điểm chuẩn phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh - cho biết: Khoảng 3.500 sinh viên năm thứ nhất đã về trường để học tập trung. Nhà trường yêu cầu sinh viên mang theo hồ sơ gốc để đối chiếu so với những hồ sơ đã nộp trực tuyến. Danh mục hồ sơ gồm: Giấy báo trúng tuyển (bản gốc), nếu trúng tuyển bằng học bạ phải mang bản gốc đến đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực; phiếu điểm thi hoặc điểm thi đánh giá năng lực (bản gốc) và một số giấy tờ bản sao khác.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tân sinh viên nhập học chủ yếu bằng phương thức trực tuyến và học online. Nay các em được học trực tiếp, nhà trường sẽ bố trí tiếp đón như bắt đầu năm học mới, đồng thời tiến hành thu nhận hồ sơ nhập học để “hậu kiểm” và lưu trữ.
Từ thực tế, lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh – cho rằng, nếu có sai sót thường là thí sinh ghi nhầm đối tượng ưu tiên hoặc khu vực. Trước đó, nhà trường cho thí sinh nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến với đầy đủ các chỉ mục, yêu cầu. Nếu bước này làm chuẩn thì đến phần “hậu kiểm” chỉ cần đối chiếu lại lần nữa là xong và gần như không có sai sót.
Dù chưa có trường hợp nào sai sót, nhưng TS Lê Xuân Thành – Trưởng phòng Công tác Chính trị sinh viên, Trường DdaH Mỏ - Địa chất (Hà Nội) – nhìn nhận: Nếu xảy ra “sự cố” trong quá trình “hậu kiểm” hồ sơ của sinh viên năm thứ nhất thì chủ yếu rơi vào các trường hợp như: Nhầm lẫn về đối tượng ưu tiên hoặc khu vực. “Các trường hợp này được chúng tôi loại trừ vì trước đó, nhà trường cho phép thí sinh lựa chọn hình thức nộp hồ sơ nhập học theo đường bưu điện hoặc qua hệ thống trực tuyến (hồ sơ số).
Theo đó, với những sinh viên nộp hồ sơ qua đường bưu điện gần như đã đầy đủ các giấy tờ bản chính hoặc bản photo có chứng thực. Riêng với những thí sinh nộp bằng hồ sơ số, nhà trường đã đối chiếu, trích xuất thông tin, bước đầu cơ bản là đúng và đủ. Sau khi các em ổn định việc học trực tiếp, nhà trường sẽ kiểm tra, đối chiếu lại với hồ sơ gốc”.
Bài học từ thực tiễn
Thực tế cho thấy, đây không phải là lần đầu tiên các trường đại học phát hiện sai sót liên quan khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên của thí sinh. Trong kỳ tuyển sinh 2015, Đại học Huế đã tiếp nhận trên 30 trường hợp khai không chính xác đối tượng và khu vực ưu tiên dẫn đến không đủ điểm trúng tuyển vào các trường đại học thành viên. Nguyên nhân do thí sinh đã nộp hồ sơ bị sai đối tượng ưu tiên hoặc sai khu vực ưu tiên.
Mùa tuyển sinh 2020, một số cơ sở giáo dục đại học cũng ghi nhận nhiều trường hợp sai sót như: Thí sinh không chú ý đến các tiêu chí phụ nên khi xác nhận nhập học mới biết mình trượt dù đủ điểm chuẩn. Đơn cử như Trường ĐH Dược Hà Nội có một số thí sinh đủ điểm chuẩn nhưng vẫn trượt vì không đạt điểm học bạ theo yêu cầu của nhà trường.
Ngay trong năm 2021, trong quá trình xét tuyển, lọc ảo, 67 thí sinh đủ điểm để trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng khi rà soát, hậu kiểm thì mới biết không đủ điều kiện trúng tuyển vì những thí sinh này ban đầu đăng ký xét tuyển tổ hợp A00, nhưng khi biết điểm thi môn Tiếng Anh cao hơn môn Hóa học nên đã điều chỉnh sang tổ hợp A01.
Tuy nhiên, các em không nhớ điều kiện cần khi thí sinh tham gia phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT là: Điểm trung bình học bạ THPT 6 học kỳ của mỗi môn học trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 7,0 điểm trở lên. Vì không chú ý nên thí sinh vẫn đăng ký xét tuyển và đạt điểm trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Đến khi làm thủ tục xác nhận nhập học, qua khâu hậu kiểm của trường, các em mới biết không đủ điều kiện trúng tuyển.
Theo TS Lê Xuân Thành, một phần là lỗi chủ quan của thí sinh. Vì thế, mùa tuyển sinh năm nay, thí sinh cần rút kinh nghiệm từ những bài học thực tiễn nêu trên. Việc đầu tiên, thí sinh cần tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Điền đầy đủ, chính xác thông tin theo yêu cầu, cần đặc biệt lưu tâm đến đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh như: Khu vực ưu tiên, con thương binh, liệt sĩ… để tránh những sai sót không đáng có.
Liên quan đến việc nhiều thí sinh sơ suất không chú ý đến điều kiện và một số tiêu chí phụ, TS Lê Xuân Thành trao đổi: Trong quá trình tư vấn tuyển sinh, các trường đại học cần đặc biệt lưu ý với thí sinh: Phải đọc kỹ đề án tuyển sinh và không được bỏ qua các tiêu chí phụ.