Hầu hạ

Một lần trong làng có người mổ lợn, anh ta sai vợ đi mua bộ tim cật. Chị vợ chậm chân, không biết còn bận việc gì. Nhưng khi ra đến nơi thì bộ tim cật đã bị người khác mua mất. Thế là chị vợ bị chồng đánh đến mức phải nhập viện...

Hầu hạ

- Sao bây giờ mới vác mặt về. Để bố mày phải cắm cơm.

- Ai muốn về muộn làm gì. 11 giờ người ta mới cho về. Từ đó đến đây những hơn 20 cây số. Đi đường, cái xe nó lại trục trặc không nổ máy được. Phải dắt đi hơn 2 cây số mới có hiệu...

- Đừng có nỏ mồm. Việc của mày là cơm nước hầu hạ tao. Lần sau mày vậy nữa, thì tao vả cho tan mồm.

“Bài ca” đó rất hay cất lên từ hàng xóm sát vách nhà tôi. Con trai lớn đã vợ con, ở riêng. Con gái đã gả chồng, chỉ còn hai vợ chồng ở với nhau. Anh chồng làm cán bộ xã. Còn chị vợ, không biết làm gì, nhưng sáng nào cũng vậy, 5 giờ đã nổ máy xe phóng đi, hơn 11 giờ mới về đến nhà, tất ta tất tưởi cơm nước. 13 giờ lại phóng xe đi, tận 17 giờ mới về...

- Khổ lắm chị ạ - Một hôm mưa lớn, chị vợ không đi làm được, sang nhà tôi mua quả mướp, nhân tiện nán lại tâm sự với vợ tôi - Có làm ông to bà lớn gì cho cam. Chỉ là cái chức văn thư ở xã, lương tháng hơn triệu bạc. Thế mà cứ oai như ông tướng phường tuồng. Hôm nào đi làm cũng tơ tuốt, chải chuốt hàng tiếng đồng hồ mới xong. Đi làm thì chỉ ngồi uống nước chè vặt, rồi có cái văn bản nào ông chủ tịch ông ấy giao cho thì soạn thảo, đưa ông ấy ký rồi đóng dấu. Có cái công văn nào từ trên gửi về hay ở ủy ban gửi đi thì vào sổ. Thế thôi, chứ có công to việc lớn gì đâu? Có về nhà sớm, như người ta thì cơm nước hay làm việc này việc khác giúp vợ. Đằng này, cái sân cái nhà ngập rác cũng không bao giờ đụng chân đụng tay. Cứ ngồi khểnh xem ti vi. Vợ có về muộn bao nhiêu cũng mặc. Cứ coi vợ như con hầu. Hôm nào cắm hộ được nồi cơm thì gắt gỏng, chửi bới.

- Đã phải cái con người nó như vậy, thì cô chịu khó về sớm một tý mà cơm nước cho nó yên chuyện, đỡ ầm cửa ầm nhà. Một điều nhịn là chín điều lành.

- Chị bảo, lương của ông ấy như vậy, thì ngoài 4 sào ruộng, em cũng phải kiếm việc mà làm thêm, thì mới đủ sống. Chứ không, thì ăn cháo cũng chả đủ. Em đi làm thuê cho một trại chăn nuôi ở dưới Diêm, cách đây những hơn 20 cây số. Sáng nào em cũng phải dậy từ 4 giờ, nào lo đồ ăn sáng cho nó, để lúc nào nó dậy thì nó ăn, nào là một núi những công việc không tên. Nào quét tước, nào dọn dẹp, nào giặt quần áo... 5 giờ em đã phải đi. Đến nơi, 6 giờ bắt tay vào việc. 11 giờ mới được về. Về đến nhà, thì ông ấy đã ở nhà rồi. Thấy mặt em là ông ấy cau có, hạch sách, nào là mày đàn đúm ở đâu, với thằng nào. Nào là sao người mày hôi sặc những mùi cứt lợn... Thì em làm việc dọn cứt lợn, thì làm gì mà chả hôi. Tất ta tất tưởi cơm nước. Lùa vội miếng cơm vào, 12 giờ 30 đã phải đi, vì 13 giờ đã phải làm rồi. Thế mà mỗi tháng được có 3 triệu bạc.

Việc những anh chồng tự cho mình cái quyền “ăn trên ngồi trốc”, coi vợ con như kẻ hầu người hạ, không hiếm. Với những người đó, gia đình là một “vương quốc” riêng mà anh ta là vua. Mỗi lời nói của anh ta là một mệnh lệnh. Vợ con cứ phải răm rắp làm theo. Hễ cãi lại nửa lời là chân đá tay đấm, hoặc là đồ đạc tan tành.

Cũng trong làng tôi có anh Lượng. Một lần trong làng có người mổ lợn, anh ta sai vợ đi mua bộ tim cật. Chị vợ chậm chân, không biết còn bận việc gì. Nhưng khi ra đến nơi thì bộ tim cật đã bị người khác mua mất. Thế là chị vợ bị chồng đánh đến mức phải nhập viện.

Còn anh Chẩm, tuy chẳng có nghề ngỗng gì, chỉ là theo cánh thợ xây để đánh vữa, xách vữa. Nhưng ở nhà mình, anh ta là một tên “bạo chúa” cực kỳ hung bạo. Bữa cơm nào, vợ con cũng phải sắp cho anh ta một mâm riêng, gồm những gì ngon nhất, nhiều nhất, và mâm cơm đó nhất thiết phải có chai rượu.

Anh ta ngất ngưởng trên giường, vợ con líu ríu ngồi với nhau dưới nền nhà. Bữa nào cũng phải lo cho riêng anh ta tý thịt tý cá, còn vợ con rau dưa mắm muối thế nào xong thì thôi.

Còn anh An, thời bao cấp thì không bao giờ tin vào vợ con, tự mình tay hòm chìa khóa. Cả đời anh ta không cho vợ bước vào cái buồng đựng thóc bao giờ. Ăn bao nhiêu, anh ta tự tay đong thóc cho vợ xay. Có lần anh chồng vắng nhà, xay thóc, giã gạo xong, chị vợ thèm một bát bún lòng ngoài chợ quá, đã xúc trộm một bơ gạo giấu đi. Sáng hôm sau, chị vợ giấu bơ gạo dưới áo, lẻn ra chợ đổi cho bà bán bún. Nhưng thấy dáng vẻ của chị vợ, anh chồng đâm nghi, lẻn theo. Chị vợ đang ăn thì anh chồng bắt gặp. Anh ta chửi chị một trận lút mặt, và bắt nhịn cơm cả ngày hôm đó để bù vào bơ gạo...

Điều kỳ lạ là những bà vợ có những người chồng “bạo chúa” như vậy, nhưng chỉ biết lầm lũi chịu đựng, chẳng dám hé răng phản kháng lấy một lời, cứ như thể số kiếp họ sinh ra là để phải chịu như vậy. Chính điều đó đã khiến cho những thằng chồng vũ phu càng được thể lộng hành... Phải chăng tư tưởng “chồng chúa vợ tôi” đã ngấm vào máu thịt họ?

Theo Nongnghiep.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ