Hậu giám sát là vấn đề then chốt nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

GD&TĐ - Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) bày tỏ sự thống nhất với dự thảo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và góp ý thêm một nội dung vào mục giám sát.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An). Ảnh: Quốc Khánh.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An). Ảnh: Quốc Khánh.

Những điểm sáng cần được phát huy

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, có thể khẳng định hoạt động giám sát trong nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri vui mừng khi hoạt động giám sát được tăng cường, không ngừng được cải tiến, tập trung vào các vấn đề bức xúc. Cử tri bày tỏ ấn tượng về các hoạt động chất vấn với cách thức hỏi nhanh, đáp gọn, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc đi đến cùng vấn đề được chất vấn.

Tuy nhiên, những kiến nghị của cử tri vẫn còn băn khoăn về công tác giám sát chuyên đề liệu đã đi đến cùng và vấn đề được giám sát hay chưa?

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Tôi nhất trí với nhận định là công tác giám sát chuyên đề đã có nhiều đổi mới, đem lại hiệu quả tốt hơn. Nhưng để phát huy kết quả giám sát trong thực tiễn, để cử tri tin tưởng hơn thì theo tôi cần tăng cường hiệu quả của công tác hậu giám sát. Hậu giám sát đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả và là vấn đề được cử tri quan tâm. Cử tri mong muốn xử lý triệt để, không để tình trạng đặt ra rồi để đấy”.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm, thực tế cho thấy, công tác giám sát chuyên đề đã đi vào chiều sâu hơn, lựa chọn nhiều vấn đề đúng và trúng. Bảy chuyên đề mà Quốc hội giám sát tối cao đều là những vấn đề trong thực tiễn. Trong đó, có những vấn đề đã được cử tri hết sức quan tâm như an toàn thực phẩm, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống xâm hại trẻ em, v.v.. Những đổi mới trong công tác giám sát là những điểm sáng cần được phát huy và hoàn thiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tới.

Kết quả giám sát vẫn tiếp tục phải chờ đợi

Tại kỳ họp 11, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu ra việc cử tri băn khoăn về hiệu lực hoạt động giám sát của Quốc hội với những câu hỏi như: Các nghị quyết đã được thực hiện như thế nào trong thực tiễn và việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp có đúng như yêu cầu và mong đợi của cử tri và đại biểu Quốc hội không?

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng: Về phía chủ thể thực hiện giám sát là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần chủ động theo đuổi vấn đề thường xuyên, liên tục.

Hiện nay, sau khi có Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề, Quốc hội sẽ tổ chức đánh giá lại việc thực hiện nghị quyết kết hợp với chất vấn. Tuy nhiên, việc này chưa được thực hiện nhiều. Các cách thức là Chính phủ có báo cáo định kỳ thường là kỳ cuối năm và các cơ quan của Quốc hội có báo cáo thẩm tra. Tuy vậy các báo cáo này chỉ là tài liệu để đại biểu tham khảo.

Hơn nữa, trong các buổi chất vấn hoặc thảo luận kinh tế - xã hội, các đại biểu không đủ thời gian để đề cập, trong đó có nhiều vấn đề cần phát biểu, nhiều đại biểu đăng ký nên chủ tọa phải phân bổ theo địa phương.

Về chủ thể chịu sự giám sát là Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần phải có sự cam kết mạnh mẽ hơn trong việc bảo đảm triển khai các nghị quyết và kết quả giám sát chuyên đề và chịu trách nhiệm về sự cam kết đó.

Trường hợp nghị quyết kết luận giám sát chưa được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nhưng cũng thiếu biện pháp hữu hiệu để buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát thực hiện.

Đại biểu đại diện đoàn Long An đưa ra ví dụ về việc thực hiện thu phí không dừng năm 2017. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 437 theo đó yêu cầu đến hết năm 2019 phải triển khai đồng bộ việc thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ đầu tư theo hình thức BOT.

“Tại hội trường này vào tháng 6/2018, nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến về việc triển khai chậm như đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Các đại biểu Quốc hội ghi nhận sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai còn chậm, chưa hoàn thành việc triển khai đồng bộ như nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội” – đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nói.

Đại diện đoàn Long An cũng đưa ra một ví dụ khác là Nghị quyết 43 năm 2017 của Quốc hội giao nhiệm vụ đến hết năm 2018 thì kiện toàn cơ bản bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm các cấp theo hướng tập trung đầu mối trách nhiệm rõ ràng. Nhưng đến khi xảy ra một vụ việc, ví dụ như pate Minh Chay năm 2020 thì dư luận xã hội bức xúc là không rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết.

Ví dụ nữa là từ thực tiễn hoạt động giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tổ chức hậu giám sát, khảo sát tình hình khắc phục tồn tại, hạn chế và thực hiện kiến nghị của Đoàn giám sát, việc thực hiện chính sách, pháp luật và bảo vệ môi trường tại một số địa phương, doanh nghiệp đã góp phần tích cực, thúc đẩy việc thực hiện các kiến nghị giám sát. Đặc biệt là những chuyển biến rất tích cực trong việc xử lý, tiêu thụ tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than của EVN hay khắc phục hoàn chỉnh các hạng mục bảo vệ môi trường tại 2 nhà máy sản xuất Alumin nhôm của TKV.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trên đây chỉ là một số ví dụ, nhưng cho thấy thực trạng một số yêu cầu chính đáng của cử tri và đại biểu Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ năm 2017 đặt ra sau kết quả giám sát vẫn tiếp tục phải chờ đợi, những quyết sách rất đúng và trúng được cử tri hoan nghênh, nhưng việc giám sát, tổ chức thực hiện còn bất cập, chưa hiệu quả.

“Hậu giám sát là vấn đề có tính then chốt để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Chúng ta cần nhìn nhận công tác hậu giám sát vẫn còn là điểm hạn chế cần được nhìn nhận rõ hơn và phải đề cập đầy đủ trong Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV này. Qua đó, cung cấp thông tin hữu ích để Quốc hội khóa XV có thêm giải pháp. Có như vậy sẽ giải quyết được tình trạng nợ đọng trong thực hiện nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội” – đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.