Hạt vi nhựa bủa vây nhân loại

GD&TĐ - Một báo cáo mới cho thấy con người đang đưa vào cơ thể nhiều vi nhựa hơn những gì chúng ta biết trước đây.

Rác thải nhựa trôi ra đại dương và được động vật hoang dã ăn vào.
Rác thải nhựa trôi ra đại dương và được động vật hoang dã ăn vào.

Trước mối đe dọa về sức khỏe từ hạt vi nhựa, cần có các giải pháp cấp bách.

Hiện diện khắp nơi

Giáo sư Tamara Galloway chuyên nghiên cứu chất độc sinh thái tại Đại học Exeter (Anh) cho biết, ông và đồng nghiệp đã tìm thấy vi nhựa ở hầu hết động vật đã nghiên cứu, gồm các loài được sử dụng làm thực phẩm cho con người.

Dấu vết của vi nhựa thường không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng chúng đã xâm nhập vào ruột của chim biển, cây trồng nông nghiệp, máu người và nước uống. Vấn đề là chúng ta đang uống nhiều nhựa hơn chúng ta tưởng.

Đầu tháng 1/2024, báo cáo được công bố trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ cho biết lượng hạt nhựa trong nước đóng chai cao gấp 100 lần so với các nghiên cứu trước đây. Theo đó, trung bình có hơn 1/4 triệu hạt vi nhựa/1 lít nước đóng chai. Trong đó, 90% là nhựa nano.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ mới để phân tích chính xác các loại nhựa nano có kích thước nhỏ hơn 80 lần chiều rộng của sợi tóc người. Nhựa nano được cho là độc hơn các hạt vi nhựa lớn hơn vì chúng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người hơn. Mỗi năm, khoảng 430 triệu tấn sản phẩm nhựa được sản xuất trên toàn thế giới, con số này có thể tăng gấp 3 năm 2060.

Chỉ có khoảng 9% nhựa thực sự được tái chế. Phần còn lại được đốt, chôn lấp hoặc thải ra môi trường, nơi có thể mất hàng thế kỷ để phân hủy. Thậm chí như vậy, chúng cũng không bao giờ biến mất hoàn toàn. Hầu hết các mảnh nhựa bị loại bỏ phân rã thành vi nhựa với đường kính dưới 5 mm.

Các hạt vi nhựa thường bắt đầu hành trình từ đất liền, nhưng cuối cùng sẽ tới các đại dương. Chúng có thể đến từ mỹ phẩm, bụi thành phố, vạch kẻ đường... Tuy nhiên, phần lớn các hạt vi nhựa chính trong các đại dương trên thế giới là từ việc giặt đồ dệt may (35%) và sự mài mòn của lốp xe khi đi trên đường (28%), theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

Nước thải của chúng ta cũng chứa vi nhựa. Theo một nghiên cứu, 42 nghìn tấn hạt vi nhựa được rải xuống đất nông nghiệp châu Âu mỗi năm do bùn thải chứa chất ô nhiễm được sử dụng trong nông nghiệp làm phân bón.

Vậy nên, chúng cũng có trong cây lương thực. Nghiên cứu năm 2020 từ Italy cho thấy táo có hàm lượng vi nhựa cao nhất trong số các loại trái cây, trong khi cà rốt là loại rau bị ô nhiễm nhiều nhất.

Hạt vi nhựa có thể tồn tại trong đất nông nghiệp hàng chục năm, gây ô nhiễm cây lương thực.

Hạt vi nhựa có thể tồn tại trong đất nông nghiệp hàng chục năm, gây ô nhiễm cây lương thực.

Mối nguy với sức khỏe

Các hạt nhựa có trong không khí, thực phẩm và nước. Vì vậy, chắc chắn chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể con người bằng nhiều đường khác nhau. Các nghiên cứu đã tìm thấy vi nhựa trong máu người và sữa mẹ. Vi nhựa đã được chứng minh là có thể vượt qua hàng rào máu não ở chuột.

Theo Giáo sư Galloway, từ lâu người ta đã biết các chất phụ gia nhựa như bisphenol A và phthalates có trong cơ thể con người, nhưng “điều đáng ngạc nhiên là hiện nay chúng ta tìm thấy những mảnh nhựa nhỏ xíu bên trong cơ thể con người”.

Không có dữ liệu thuyết phục về tác động của việc tiếp xúc với vi nhựa đối với sức khỏe con người. Việc phân lập và truy tìm hạt vi nhựa trong cơ thể rất khó khăn vì tất cả chúng ta thường gặp nhiều loại chất và hóa chất trong cuộc sống hàng ngày. Giáo sư Galloway nhấn mạnh, những loại nhựa nhỏ xíu nhúng vào mô người có thể sẽ “gây kích ứng và phản ứng viêm”.

Theo các nhà khoa học, chúng ta có thể hạn chế tiếp xúc với hạt vi nhựa bằng cách ăn ít thực phẩm đã qua chế biến và đóng gói, không hâm nóng nhiều lần các bữa ăn đựng trong hộp nhựa bằng lò vi sóng.

Việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc cá nhân không chứa nhựa và thay quần áo sợi tổng hợp bằng chất liệu tự nhiên có thể loại bỏ một phần đáng kể lượng vi nhựa thải ra đại dương.

Việc sử dụng ô tô ít hơn có thể làm giảm các hạt nhựa do lốp bị mài mòn. Các nhà khoa học cũng đang nỗ lực tìm cách hạn chế sự xâm nhập của vi hạt nhựa vào môi trường với các biện pháp sau:

Hút bụi lốp xe: Tại Anh, một công ty khởi nghiệp có tên Tire Collective đã phát triển một thiết bị có thể hấp thụ các hạt vi nhựa và các chất ô nhiễm khác từ ma sát của lốp xe trên đường.

Thiết bị hút hạt vi nhựa từ lốp xe.

Thiết bị hút hạt vi nhựa từ lốp xe.

Thiết bị trên được đặt phía sau bánh xe, nó sử dụng tĩnh điện và luồng không khí từ chuyển động của ô tô để hút và giữ các vi hạt nhựa thoát ra khỏi lốp xe. Người đồng sáng lập Hanson Cheng của công ty cho biết, những hạt nhựa thu được này sau đó có thể được tái chế thành vật liệu xây dựng, in 3D và đế giày.

Giải pháp từ tính cho nhựa trong nước: Các nhà nghiên cứu từ Đại học RMIT ở Melbourne (Australia), đã phát triển một loại bột từ tính có thể loại bỏ vi nhựa khỏi nước. Chất này được trộn vào nước để thu hút các hạt nhựa. Sau đó, một nam châm sẽ hút chất hấp thụ kèm theo vi nhựa, để lại nước sạch.

Kỹ sư hóa học Nicky Eshtiaghi, người đứng đầu nghiên cứu trên, cho biết loại bột gốc carbon này rất độc đáo vì nó “loại bỏ 100% vi nhựa trong vòng một giờ”. Loại bột đó cũng có thể hoạt động trong nước mặn hoặc nước ngọt và hút nhựa nhỏ tới 1 micromet, hoặc mịn hơn 1.000 lần so với sợi tóc người.

Theo kỹ sư Eshtiaghi, quy trình trên có nhiều ứng dụng và dễ dàng mở rộng quy mô. Loại bột trên cũng có thể được sử dụng để làm sạch các nhà máy xử lý nước thải, nhà máy dệt hoặc cơ sở kinh doanh giặt là.

Liên Hợp Quốc đang nỗ lực để có một hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa năm 2024, với các biện pháp như hạn chế hóa chất độc hại và nhựa khó tái chế. Giám đốc điều hành Virginia Janssens của Hiệp hội Thương mại Nhựa châu Âu cho biết, để chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040, chúng ta cần tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó tất cả đồ nhựa đều được tái sử dụng và/hoặc tái chế và được quản lý có trách nhiệm trong và sau khi sử dụng.

Theo DW

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.