Hấp dẫn giờ Hóa học với những câu hỏi: Vì sao...?

GD&TĐ - Thầy Nguyễn Văn Thắng - Giáo viên Trường THPT số 1 Bảo Thắng (Lào Cai) - cho rằng: Nếu vận dụng tốt các hiện tượng hóa học trong thực tiễn vào giảng dạy sẽ không chỉ làm tăng ý nghĩa thực tiễn của môn học mà còn khiến Hóa học hấp dẫn và lôi cuốn học sinh hơn, góp phần nâng cao năng lực nhận thức, tự học, tích cực chủ động học tập của học sinh.

Học sinh hào hứng với những đổi mới phương pháp giáo viên.
Học sinh hào hứng với những đổi mới phương pháp giáo viên.

Kiến thức Hóa học giải thích màu nước luộc rau muống!

Theo thầy Thắng, học sinh thấy hứng thú và dễ ghi nhớ bài hơn nếu trong quá trình dạy và học, giáo viên luôn có định hướng liên hệ thực tế giữa kiến thức giáo khoa với thực tiễn đời sống hàng ngày. Rất nhiều kiến thức Hóa học có thể liên hệ được với các hiện tượng tự nhiên xung quanh chúng ta.

Ví dụ: Lồng ghép các hiện tượng thời tiết vào phần sản xuất các chất hay ứng dụng của một số chất, nếu gần gũi với thực tiễn đời sống ở địa phương của học sinh thì càng tốt. Ngoài việc gây chú ý, cách này còn giáo dục học sinh ý thức, trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, rất nhiều các nội dung khác có thể lấy từ thực tế sinh động để áp dụng vào bài dạy Hóa học. Giáo viên có thể đặt vấn đề: Vì sao khi ăn trái cây không nên đánh răng ngay cho phần mở rộng tính chất hóa học của axit khi tác dụng với bazơ tạo phản ứng trung hòa (bài 3: Axit, bazơ, muối – Hóa học 11).

Với kiến thức thu nhận được từ câu hỏi này là: Vì chất chua (tức axit hữu cơ) có trong trái cây sẽ kết hợp với những thành phần trong thuốc đánh răng, theo bài chải sẽ tấn công kẽ răng và gây tổn thương cho lợi, học sinh sẽ có thêm hiểu biết bổ ích áp dụng cho cuộc sống hàng ngày.

Hoặc, giáo viên cũng có thể đặt câu hỏi: Vì sao nước rau muống đang xanh, khi vắt chanh vào chuyển sang màu đỏ cho phần mở rộng tính chất hóa học của axit khi tác dụng với quỳ tím ở bài: “Tính chất của axit” ở Hóa học 10, Hóa học 11 và Hóa hữu cơ lớp 12.

Câu hỏi này được giải thích: Có một số chất hóa học gọi là chất chỉ thị màu, chúng làm cho dung dịch thay đổi khi độ axit thay đổi. Trong rau muống và vài loại rau khác có chất chỉ thị màu này. Trong nước chanh có 7% axit xitric, vắt chanh vào nước rau làm thay đổi độ axit, do đó làm thay đổi màu của nước rau. Khi chưa vắt chanh, nước rau muống có màu xanh lét là do chứa chất kiềm.

Hoặc, khi dạy phần mở rộng tính chất hóa học của axit cacboxylic (bài “Tính chất hóa học của axit cacboxylic” - Hóa học 12), giáo viên có thể đặt câu hỏi: Vì sao bôi vôi vào chỗ ong, kiến đốt sẽ đỡ đau?

Câu trả lời là: Do trong nọc ong, kiến và cả nhện và một số côn trùng khác có axit hữu cơ là axit fomic (HCOOH). Vôi là chất bazơ nên chung hòa axit làm ta đỡ đau.

Một ví dụ khác, trong phần tích hợp bảo vệ sức khỏe ở bài “Hợp chất quan trọng của kim loại kiềm thổ” - Hóa học 12, giáo viên có thể đặt vấn đề: Tại sao ăn trầu phải có đủ cau, trầu, vôi và nhất là không thể thiếu vôi.

Hiện tượng này có thể giải thích như sau: Trong lá trầu có chứa tinh dầu, trong hạt cau có chứa một chất là arecolin, chất này có tính độc. Không có vôi, miếng trầu không thể chuyển sang màu đỏ. Vôi là chất kiềm, khi tác dụng với arecolin sẽ chuyển thành arecaidin không độc mà có tác dụng gây hưng phấn, ấm áp, làm da mặt hồng hào, môi đỏ, chống cảm cúm, diệt khuẩn, giúp sạch miệng và làm chặt chân răng.

“Tuy nhiên, khi áp dụng các hiện tượng thực tiễn phải biết lựa chọn đúng nội dung bài, thời gian hợp lý mới cuốn hút sự chú ý, tập trung của học sinh, tạo không khí thoải mái trong tiết học” – thầy Nguyễn Văn Thắng lưu ý.

Lưu ý dạy học tích hợp

Xu hướng trong dạy học Hóa học nói riêng và các lĩnh vực khoa học khác nói chung là cố gắng trình bày cho học sinh thấy mối quan hệ hữu cơ của các lĩnh vực.

Với bộ môn Hóa học, nhiều nội dung như cấu tạo nguyên tử, phương trình hóa học, dung dịch... đều liên quan đến kiến thức Vật lý; nội dung về hóa học hữu cơ như Gluxit, lipit, protein... đều liên quan đến kiến thức Sinh học.

Do đó, khi sử dụng những câu hỏi mở rộng theo hướng tích hợp sẽ làm học sinh chủ động tìm tòi câu trả lời, đồng thời thấy được sự liên hệ giữa các môn học với nhau.

Thầy Nguyễn Văn Thắng đưa ví dụ: Khi học Vật lý, học sinh được giải thích hiện tượng càng lên cao, không khí càng loãng do lực hút của trái đất; thì với Hóa học, học sinh sẽ hiểu rõ hơn là do khối lượng mol khác khí nặng nhẹ khác nhau nên bị hút mạnh yếu khác nhau. Khí oxy có khối lượng mol nặng hơn so với khối lượng mol của không khí nên tập trung ở phía dưới; phía trên chỉ còn lại các khí có số lượng mol nhỏ như hidro..., ít khí oxy nên không khí loãng.

Để dạy theo cách tích hợp như trên, giáo viên phải biết chọn vấn đề quan trọng, mấu chốt; phần dễ hiểu nên hướng dẫn học sinh về nhà đọc sách giáo khoa hoặc tài liệu tham khảo. Việc lựa chọn các hiện tượng thực tiễn phù hợp với nội dung bài mới cũng rất quan trọng, nhằm giúp học sinh tăng hứng thú, say mê học và tìm hiểu bộ môn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.