Ngay giữa lòng Sài Gòn náo nhiệt, Bảo tàng Lịch sử TPHCM (Quận 1) như một chuyến tàu thời gian, đưa du khách ngược dòng lịch sử qua những hiện vật cổ kính và câu chuyện hào hùng.
Bảo tàng lâu đời nhất Nam Bộ
Bước chân vào khuôn viên Bảo tàng Lịch sử TPHCM, du khách như bước vào một thế giới khác - thế giới của quá khứ. Cảm giác đầu tiên là sự tĩnh lặng và trang nghiêm, như thể thời gian đang dừng lại để kể những câu chuyện từ hàng nghìn năm trước.
“Mỗi căn phòng của bảo tàng là một chặng ký ức được tái hiện lại vô cùng mãn nhãn và ý nghĩa. Chuyến thăm bảo tàng đã mang lại cho tôi một cảm xúc đặc biệt. Tôi cũng rất ấn tượng với lối kiến trúc ở đây”, một nữ du khách đến từ Hà Nội chia sẻ.
Bảo tàng đầu tiên tại miền Nam Việt Nam được hình thành từ một câu chuyện đặc biệt. Ban đầu, tòa nhà này được dự kiến làm Bảo tàng Lúa gạo. Tuy nhiên, vào năm 1927, sau khi nhà sưu tập Victor T. Holbé qua đời, Hội Nghiên cứu Đông Dương đã vận động mua lại bộ sưu tập gồm hàng nghìn hiện vật quý giá của ông.
Hội đem tặng toàn bộ hiện vật cho nhà nước thuộc địa, đồng thời đề nghị chính phủ thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ thành lập một viện bảo tàng với điều kiện Hội được đặt trụ sở và thư viện trong đó.
Để hiện thực hóa ý tưởng này, một bảo tàng đã được thành lập nhằm bảo tồn bộ sưu tập của Holbé, bao gồm các hiện vật bằng ngà (vật trang trí, con dấu), đá quý, gốm sứ, thủy tinh, tượng Phật từ nhiều nước châu Á, cùng trang sức thuộc văn hóa Óc Eo. Năm 1929, bảo tàng được đặt tên là Blanchard de la Brosse, theo tên Thống đốc Nam Kỳ lúc bấy giờ, và mở cửa đón công chúng.
Nhiệm vụ ban đầu của bảo tàng là “gìn giữ tất cả các vật cũ ở Đông Dương có tính cách mỹ thuật và khảo chứng, đặc biệt là những vật tìm thấy trong những dịp đào đất hay làm công tác gì trên địa hạt Nam kỳ”.
Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam, từ năm 1956, Bảo tàng mang tên “Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam”, nơi trưng bày về mỹ thuật cổ một số nước Châu Á. Thời gian này, bảo tàng nhận những hiện vật quý như cặp ngà voi của Trung tướng tham mưu trưởng Quân đội quốc gia Việt Nam, 3 trống đồng của Tổng Giám đốc nha quan thuế, tấm bình phong của Đô đốc Hải quân Douguet (1956), 2 súng thần công của Bộ Quốc gia Giáo dục (1957). Đặc biệt, Viện Harvard-Yenching và Bảo tàng Peabody (Mỹ) tặng 150 cổ vật thuộc văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh và hiện vật tìm thấy trong mộ Hán, tỉnh Thanh Hóa (1962).
Đến năm 1979, nơi đây mới chính thức được đổi tên là Bảo tàng Lịch sử TPHCM và tiếp quản hầu như nguyên vẹn các cổ vật có từ trước. Người Việt Nam đầu tiên nhậm chức quản thủ bảo tàng là học giả Vương Hồng Sển (1954). Đến trước 1975, bảo tàng còn trải qua thêm hai đời quản thủ nữa là Nguyễn Gia Đức, Nghiêm Thẩm.



Kiến trúc giao thoa Đông - Tây
Kiến trúc của Bảo tàng Lịch sử TPHCM cũng là một điểm nhấn đặc biệt. Toạ lạc trên khuôn viên rộng hơn 6.000m2, bảo tàng gồm hai tòa nhà, một xây năm 1927 và một xây năm 1970. Tòa nhà đầu tiên do kiến trúc sư Auguste Delaval thiết kế, mang phong cách Đông Dương cách tân. Mặt bằng tổng thể gồm khối tháp bát giác ở giữa làm điểm nhấn và cũng là trục đối xứng cho hai dãy nhà hai bên.
Theo GS.TS Trần Ngọc Thêm, nhắc đến khối bát giác sẽ dễ dàng hình dung ngay đến bát quái. Hình tượng bát quái trong quan niệm Trung Hoa có thể trừ tà ma, nhưng vì bát quái có khoảng trống ngay chính giữa nên để khắc phục thì cần lấp đầy khoảng trống bằng một biểu tượng mang tính chất cân bằng âm dương.
Bảo tàng đã sử dụng trái hồ lô đặt trên đỉnh toà bát giác, tượng trưng cho sự hài hòa hai yếu tố âm dương, mong muốn bảo tàng có thể hứng trọn mọi tinh hoa từ đất trời.
Các hoa văn trang trí, dù được chế tác từ nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, sắt, và xi măng, đều mang những kiểu dáng phổ biến và tương đồng với nhiều công trình kiến trúc cổ thời bấy giờ.
Đỉnh mái của tòa nhà nổi bật với hình ảnh trái hồ lô, được gọi là Thiên Hồ theo kiến trúc truyền thống Huế. Dọc theo bờ tường của tòa nhà là những chi tiết console thường thấy trong các biệt thự Pháp, nhưng ở đây lại được biến tấu từ hình dạng thừa vinh, một chi tiết trong kiến trúc truyền thống Huế dùng để đỡ phần mái đưa ra.
Mỗi chi tiết đều mang ý nghĩa riêng, nhưng tất cả đều thể hiện sự may mắn và tốt lành. Những họa tiết trang trí này cũng minh chứng cho sự giao thoa văn hóa Việt - Pháp, góp phần tạo nên nét đặc trưng Á Đông pha lẫn phong cách phương Tây của kiến trúc bảo tàng. Tòa nhà thứ hai được kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế, xây dựng nối tiếp và hài hoà với tòa nhà trước, tạo thành hình chữ U với diện tích 1.000m².
Trong lời giới thiệu về bảo tàng, ông Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM cho biết, đến với công trình này, khách tham quan trước hết sẽ được quan chiêm vẻ đẹp của tòa nhà mang phong cách “Đông Dương cách tân”. Sau đó, chỉ cần 365 bước chân dạo quanh bảo tàng, du khách có thể đi suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Hệ thống trưng bày của bảo tàng gồm hai phần chính. Phần thứ nhất là Lịch sử Việt Nam từ thời khởi thủy đến hết triều Nguyễn. Phần này được chia thành 10 phòng trưng bày, tái hiện đầy đủ các giai đoạn lịch sử quan trọng: Từ thời tiền sử, các triều đại phong kiến Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, đến những dấu ấn văn hóa đặc sắc như Champa và Óc Eo.
Phần thứ hai là văn hóa phía Nam và một số nước châu Á với 8 phòng. Không gian này giới thiệu các bộ sưu tập đặc biệt như tượng Phật các nước châu Á, gốm sứ, súng thần công thế kỷ 18 - 19 và xác ướp Xóm Cải - một hiện vật thu hút nhiều sự tò mò của khách tham quan. Hơn 40.000 cổ vật được lưu giữ tại đây, từ chiếc cọc trong trận chiến Bạch Đằng, tượng Phật cổ, cổ khí Minh Mạng đến các văn bản sắc phong của vua chúa…
Điểm nhấn đặc biệt của bảo tàng là 12 bảo vật quốc gia. Các bảo vật này đều thuộc nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo của nền Văn hóa Phù Nam - Óc Eo (thế kỷ 1 - 7) và văn hóa Champa (thế kỷ 2 - 17) phát triển từ xa xưa ở Nam Bộ và Trung Bộ.
Tiêu biểu có thể kể đến như tượng Phật Đồng Dương (thế kỷ 8 - 9) được tìm thấy ở Quảng Nam với đậm nét giao thoa văn hoá Ấn Độ, vốn đã từng được trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới.

Hay tượng thần Vishnu thuộc văn hoá Óc Eo (thế kỷ 3 - 5) được tìm thấy ở Rạch Giá… Đây là những tác phẩm nghệ thuật vừa thể hiện giá trị lịch sử văn hóa - tín ngưỡng, vừa thể hiện giá trị thẩm mỹ của kỹ thuật đương thời của các thành phần dân tộc Việt Nam trong quá khứ.
Bên cạnh hệ thống trưng bày đồ sộ, bảo tàng còn là nơi đặt đền thờ vua Hùng. Công trình này được người Pháp xây dựng vào năm 1926, vốn để tưởng niệm người Việt đi lính cho Pháp tử trận trong chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918).
Sau đó, khu đền được chuyển quyền quản lý cho bảo tàng và trở thành Đền thờ Hùng Vương. Đền có kiến trúc Á Đông, 3 tầng nền, 2 tầng mái ngói âm dương với tường gạch, hệ thống cột, rường kèo gỗ…
Đặc biệt, kế thừa thư viện của hội Nghiên cứu Đông Dương, hiện hơn 10.000 đầu sách và tạp chí của hội vẫn được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Vốn tài liệu của thư viện này thuộc nhiều ngành, chủ yếu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn như văn hóa học, lịch sử, khảo cổ học, dân tộc học, nghệ thuật, tôn giáo, triết học…. của nhiều nước trên thế giới. Các tài liệu có năm xuất bản từ giữa thế kỷ 19 và xa hơn nữa, trong đó có một số tài liệu độc bản.
Năm 2012, tòa nhà Bảo tàng Lịch sử TPHCM đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Hiện bảo tàng mở cửa từ 8 giờ - 11 giờ 30 phút và 13 giờ - 17 giờ, từ thứ Ba đến Chủ nhật hàng tuần. Bảo tàng cũng xuất bản và hợp tác xuất bản nhiều ấn phẩm như sách “Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM” làm tài liệu hướng dẫn khách tham quan, “Gốm Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử - TPHCM”, “Sưu tập hiện vật Champa tại Bảo tàng Lịch sử - TPHCM”, “Những vấn đề văn hóa xã hội thời Nguyễn - tập 2”, “Khảo cổ học tiền sử và sơ sử TPHCM”, “Góp phần tìm hiểu lịch sử văn hóa 300 năm Sài Gòn - TPHCM”, “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc - Vai trò của nghiên cứu và giáo dục”… và đóng góp hàng trăm bài viết trong các cuộc hội thảo về triều Nguyễn, về Sài Gòn - TPHCM, Nam Bộ, những phát hiện mới về Khảo cổ học hàng năm, tạp chí Khảo cổ học, Văn hóa nghệ thuật, về ngành Bảo tồn Bảo tàng…