Hành trình vươn tới tầm cao, học sau đại học sao cho hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trường Đại học Ngoại thương vừa tư vấn cho sinh viên và người quan tâm việc học thạc sĩ, giúp người học đưa ra quyết định chính xác và hiệu quả.

Hành trình vươn tới tầm cao, học sau đại học sao cho hiệu quả.
Hành trình vươn tới tầm cao, học sau đại học sao cho hiệu quả.

Tham dự chương trình còn có PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, lãnh đạo các đơn vị trong toàn trường, cán bộ, giảng viên; đại diện một số doanh nghiệp, đơn vị, học viên, nghiên cứu sinh và sinh viên, cùng người quan tâm hiện đang học tập và công tác tại các đơn vị khác ngoài trường.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho biết: Phương châm trong phát triển hệ sinh thái giáo dục mở của Trường ĐH Ngoại thương, các diễn giả của chương trình sẽ giúp làm rõ hơn các vấn đề cần thiết của đào tạo sau đại học trên hành trình sự nghiệp của mình. Những chia sẻ của các diễn giả và trao đổi tại chương trình sẽ giúp cho nhà trường định hướng rõ nét hơn về triết lý giáo dục cũng như phương châm phát triển hệ sinh thái giáo dục mà trường đang hướng tới.

Buổi tọa đàm diễn ra trong bầu không khí sôi nổi, cởi mở và hữu ích với phần chia sẻ của 3 diễn giả chính. TS Nguyễn Văn Thuận – chuyên gia cao cấp có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực đã trao đổi về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc học tập liên tục và học tập suốt đời. Ông cho rằng để thăng tiến trong sự nghiệp, người lao động cần chuẩn bị cho mình đủ 3K, đó là: Kiến thức chuyên môn, Kỹ năng thích ứng và tính Kỷ luật.

TS Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài Hải Phòng, cho rằng: Chúng ta cần xác định rõ mục tiêu mình cần gì, mình phải thay đổi như thế nào, định hướng ra sao để có những chọn lựa phù hợp cho tương lai của mình, việc học không chỉ dừng lại một tấm bằng mà học để trau dồi kỹ năng, học để nâng cao kiến thức chuyên môn và mở rộng mạng lưới của chính mình. Chính vì vậy, cần phải trau dồi hơn nữa, tìm tới những tầm cao mới, nâng cao các kỹ năng nghiệp vụ và lựa chọn học sau đại học là cách tốt nhất để thích ứng được với nhu cầu lao động trong thời kỳ hội nhập quốc tế đầy biến động.

Dưới góc độ là nhà quản lý cấp cao tại doanh nghiệp, ThS Đinh Thị Thái, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã có những chia sẻ về tầm nhìn và chiến lược của doanh nghiệp, sự đòi hỏi về nguồn nhân lực trong doanh nghiệp và nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc nâng cao trí thức đối với nhân sự trong doanh nghiệp không chỉ ở sách vở mà còn là sự áp dụng tri thức vào thực tiễn. Thích nghi với sự thay đổi đó và việc chỉ có kiến thức cơ bản thì người lao động sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và bị giới hạn năng lực của mình trước sự thay đổi nhanh chóng của nền công nghiệp 4.0.

Với góc độ là cựu học viên chương trình thạc sĩ Quản lý kinh tế, MC ThS Trần Quốc Anh, cựu học viên chương trình thạc sĩ ngành Quản lý kinh tế khóa 2A, cũng đưa ra những chia sẻ về quá trình học tập và công tác tại lĩnh vực báo chí, truyền hình. Anh cho biết sự nghiệp của mình có nhiều thay đổi tích cực sau khi có tấm bằng thạc sĩ tại Trường Đại học Ngoại thương, nơi đã cung cấp và trau dồi cho anh rất nhiều kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng trao đổi, làm việc để có thể áp dụng vào chính công việc của mình.

Cũng trong khuôn khổ của chương trình, nhiều học viên, sinh viên và người quan tâm đã đặt ra những câu hỏi thú vị dành cho 3 vị diễn giả, qua đó làm rõ hơn tầm quan trọng và giá trị của việc học cao học, các phương thức học tập mới trên nền tảng công nghệ số nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội tham gia, thăng tiến cho người tài tại các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như Doanh nghiệp tư nhân, thay đổi nhận thức về nghề nghiệp sau khi học cao học...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ