Hành trình thoát tội của ông trùm tiền giả

GD&TĐ - Frank Bourassa, sống tại Canada, được xem là “kẻ làm tiền giả lớn nhất thế giới” khi một mình sản xuất hơn 200 triệu USD tiền giả.

Một số tang chứng cảnh sát Canada thu được tại nhà kho của Frank.
Một số tang chứng cảnh sát Canada thu được tại nhà kho của Frank.

Hiện, anh là chuyên gia nhận diện tiền giả nhằm hỗ trợ các quốc gia triệt phá những băng đảng giao dịch bất hợp pháp.

Tuổi thơ trộm cắp

Tháng 5/2012, cảnh sát Mỹ thu giữ một triệu USD tiền giả và bắt giữ bốn nghi phạm tại một sòng bạc ở Las Vegas. Khi sờ vào những tờ tiền trị giá 20 USD, cơ quan điều tra lập tức bị ấn tượng bởi chất lượng màu in, độ chính xác của chúng. Theo mô tả trong báo cáo của cơ quan điều tra, những tờ tiền giả “hầu như không thể phát hiện bằng mắt thường”. Đặc biệt hơn, theo các nghi phạm, số tiền này được sản xuất tại Quebec, Canada.

Nghi ngờ có một đường dây chuyên sản xuất và buôn bán tiền giả xuyên biên giới, Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã phối hợp với cảnh sát Canada để tìm hiểu sự việc. Không mất nhiều thời gian, cơ quan điều tra đã tìm ra kẻ chủ mưu là Frank Bourassa, một người đàn ông Canada. Vì chỉ làm ăn một mình, Frank được xem là “kẻ làm tiền giả lớn nhất thế giới”.

Sinh ra và lớn lên tại Trois-Rivières, tỉnh Quebec, Frank bắt đầu phạm tội năm 12 tuổi khi đang học lớp 7. Anh ta liên kết với một đàn anh khóa trên để ăn trộm quần áo đắt tiền từ các cửa hàng địa phương rồi bán chúng cho hơn 2.000 học sinh nhà trường. Công việc này giúp Frank dắt túi một khoản tiền kha khá. Đôi khi, anh ta kiếm được hàng trăm CAD (đô la Canada) một tuần.

Bị đuổi khỏi trường năm 15 tuổi, Frank quyết định bỏ nhà ra ở riêng và học nghề thợ máy trong một xưởng sửa chữa ô tô. Thực tế, gara này nhằm che đậy cho việc buôn bán xe hơi do những băng nhóm tội phạm đánh cắp. Trong 3 năm học việc, Frank đã bán khoảng 500 chiếc xe bất hợp pháp.

Năm 20 tuổi, tích lũy được một chút vốn, Frank chuyển sang buôn bán cần sa. Tuy nhiên, hai năm sau, Frank bị bắt khi cảnh sát Canada đột kích vào trang trại trồng cần sa và chủ trang trại đã khai ra Frank là một trong số khách hàng. Bị kết án 12 tháng tù nhưng Frank chỉ phải ngồi sau song sắt 3 tháng vì thỏa thuận nhận tội với bên công tố.

Sau khi ra tù, với kinh nghiệm sửa chữa ô tô, Frank mở một cửa hàng bán phụ tùng xe hơi, trong đó chuyên sản xuất và kinh doanh má phanh. Tu chí làm ăn, Frank dành 20 giờ mỗi ngày cho xưởng. Công việc kinh doanh bắt đầu có lãi nhưng ông chủ của nó thì bị vắt kiệt sức lực.

“Làm việc 20 giờ mỗi ngày nên tôi mắc chứng rối loạn căng thẳng cấp tính. Cuối cùng tôi nhận ra rằng kết quả luôn giống nhau. Dù bạn làm gì chăng nữa thì đích đến vẫn chỉ là tiền. Vậy tại sao bạn không thử tìm cách kiếm được nhiều tiền nhất?”, Frank bày tỏ.

Vì vậy, anh ta bán cửa hàng của mình, dành hai năm cùng bạn gái đi du lịch châu Âu, châu Á và châu Phi. Trong thời gian này, Frank bắt đầu suy tính về bước đường cho tương lai.

Trở về sau chuyến du lịch đầy ngẫu hứng, Frank quyết định không bao giờ kiếm tiền từ những công việc hợp pháp nữa. “Nếu làm ăn hợp pháp, tôi lại tiêu tốn 20 giờ mỗi ngày. Tôi không cho phép điều đó xảy ra một lần nữa. Tôi yêu tiền đến mức quyết định tự kiếm tiền cho mình”, người đàn ông này giải thích.

Làm giàu nhờ kinh doanh tiền giả

Cơ quan điều tra Canada thu giữ thùng chứa tiền giả tại nhà kho ngoại ô thành phố Trois-Riviéres.
Cơ quan điều tra Canada thu giữ thùng chứa tiền giả tại nhà kho ngoại ô thành phố Trois-Riviéres.

Frank bắt đầu nghiên cứu kỹ thuật làm tiền giả. Anh ta chọn đồng USD vì loại tiền này được chấp nhận ở hầu hết các quốc gia. Trong gần 2 năm tiếp theo, Frank vùi đầu vào tìm hiểu quá trình in tiền giả, từ việc nhận biết chi tiết của một tờ tiền đến chất liệu giấy, mực in...

Frank tiết lộ, các trang web chính thức của chính phủ là khởi đầu đặc biệt hữu ích vì xây dựng những mô tả chi tiết về tính bảo mật, cách phân biệt tiền thật – tiền giả làm tiền đề cho kinh doanh bất hợp pháp.

Người đàn ông này bắt đầu từ tờ tiền mệnh giá 20 USD bởi nó ít bị nghi ngờ so với tờ 50 USD hay 100 USD. Ngoài ra, thiết kế của tờ 20 USD vào thời điểm đó đã cũ hơn, ít dấu hiệu phân biệt hàng giả so với tờ 10 USD.

Quá trình làm tiền giả trải qua hai giai đoạn chính. Đầu tiên, Frank phải tìm được nguồn giấy trùng khớp với nguồn tiền giấy của Mỹ. Đó là một loại giấy pha trộn 75% cotton và 25% vải lanh, chỉ dành riêng cho các nhà sản xuất tiền tệ ở Mỹ.

Chưa kể loại giấy này cần phải thêm một số hóa chất tạo hình ảnh mờ khi soi trước ánh sáng cũng như những mảnh bảo mật nhỏ li ti màu đỏ và xanh dương nằm lẫn lộn trong tờ giấy. Thứ hai, anh ta phải mua phần mềm và thiết bị in đắt tiền.

Theo Frank, đặt hàng giấy là công việc quan trọng và khó khăn nhất trong quá trình này. Anh ta bắt đầu tìm kiếm các nhà máy sản xuất giấy ở châu Âu với lập luận rằng ở châu Âu, mọi người sẽ không quan tâm đến tính chất tiền giấy của Mỹ nên dễ dàng giao dịch. Anh ta xây dựng email giả, giấy phép kinh doanh giả, thậm chí sử dụng tên giả đề phòng trường hợp giao dịch bị ghi lại.

Suốt năm 2008, thông qua mạng Internet, Frank tiếp cận với nhiều công ty giấy ở châu Á, châu Âu dưới tên giả là Thomas Moore, quản lý của Công ty The Letter Shop chuyên về văn phòng phẩm, trụ sở tại tỉnh Quebec, Canada.

Anh ta bịa ra câu chuyện một khách hàng cao cấp của công ty muốn đặt làm loại giấy viết thư đặc biệt bằng cotton và vải lanh. Nhưng tất cả xưởng sản xuất đều hỏi lại: “Giống như giấy in tiền à?” rồi cúp máy.

Đến tháng 1/2009, Frank tìm được một công ty sản xuất giấy tại Đức. Lấy danh nghĩa là nhân viên doanh nghiệp chuyên đầu tư thương mại tên là Keystone, Frank đề nghị nhà máy này sản xuất một lô giấy in chứng chỉ trái phiếu để chống làm giả.

Những chứng chỉ này có mệnh giá mỗi tờ 20 USD. Công ty này cuối cùng cũng chấp nhận đơn đặt hàng của Frank, thậm chí cho thêm hóa chất chống tia cực tím, làm nổi ảnh mờ khi soi dưới ánh sáng. Ngoài ra, họ làm thêm dải băng bảo mật có dòng chữ in chìm “USA TWENTY” vào giấy theo yêu cầu của Frank.

Sau 2 tháng, công ty này đã chuyển về Canada số giấy có thể in ra 250 triệu USD với giá bán 75.000 USD. Có giấy, Frank bắt đầu tìm kiếm phần mềm in ấn, học cách sử dụng và thuê lại một nhà kho vốn dùng để chứa lúa mỳ ở ngoại ô thành phố Trois-Rivières làm “căn cứ”.

Anh ta mua máy in bốn màu giá 125.000 USD, máy in một màu giá 24.000 USD kèm hai máy ép trục lăn để dập nổi chi tiết, 20 máy in phun và mực đặc biệt. Ngoài ra, còn có máy cắt giấy công nghiệp, máy đếm giấy, máy đóng đai cùng nhiều thứ khác với tổng trị giá hơn 300.000 USD. Frank tính toán, nếu bán những tờ tiền giả với giá bằng 30% mệnh giá thực, anh ta sẽ kiếm được gần 80 triệu USD.

Cuối năm 2009, đơn đặt hàng giấy thứ hai cập bến cảng Quebec, Canada. Việc làm ăn của Frank bắt đầu khởi sắc. Không vội ăn mừng, Frank lao vào làm việc 16 giờ mỗi ngày. Sau khoảng 5 tháng làm việc miệt mài, Frank đã gom đủ 250 triệu USD tiền giả và trở nên giàu có.

Frank cho biết, hầu hết khách hàng của anh ta bắt đầu với những đơn đặt hàng “nhỏ” khoảng 100.000 USD để kiểm tra các tờ tiền rồi nâng lên 250.000 USD, 500.000 USD. Cuối cùng, khi người mua nhận ra chất lượng cực cao của hàng giả, họ yêu cầu các đơn đặt hàng lên tới một triệu USD.

Khách hàng của Frank chỉ có vỏn vẹn 4 người, sống tại nước ngoài vì nguyên tắc của anh ta là “không bán cho người trong nước, hãy để người ở xa tiêu tiền của bạn”. Tuy nhiên, khi việc làm ăn thuận lợi, Frank quyết định thêm một băng nhóm vào danh sách khách hàng.

Không may cho anh ta, băng nhóm này đang bị cơ quan điều tra ngắm tới. Năm 2012 tại Las Vegas, thành viên băng đảng này đã bị bắt vì dùng tiền giả đánh bạc. Những tên này sau đó đã khai ra Frank nên anh ta bị FBI và cơ quan điều tra Canada nhắm đến. Họ đã cài cảnh sát chìm vào băng đảng và đặt hàng 100.000 USD tiền giả. Khi Frank giao dịch với người trung gian, anh ta không hề hay biết cảnh sát đang bao vây xung quanh.

Chuyên gia nhận biết tiền giả

Frank Bourassa chụp ảnh cùng tờ tiền 20 USD do anh ta làm giả.
Frank Bourassa chụp ảnh cùng tờ tiền 20 USD do anh ta làm giả.

Ngày 23/5, đang ngủ trong căn hộ của bạn gái, Frank bị đánh thức bởi những tiếng đập cửa ầm ĩ. Ra mở cửa, trước mặt Frank là hơn 10 đặc vụ thuộc Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) cùng sĩ quan Interpol, FBI.

Khám xét căn hộ, cơ quan điều tra thu được 949.000 USD tiền giả, 5 máy tính, một khuôn đồng hình Tổng thống Andrew Jackson, bút phát tia cực tím lớn... Frank còn cất giấu 200 triệu USD tiền giả tại “căn cứ” ở ngoại ô thành phố Trois-Rivières.

Ban đầu, Frank một mực phủ nhận cáo buộc làm tiền giả. Chỉ đến khi cơ quan điều tra đưa ra video quay lại cảnh Frank giao dịch tiền giả với cảnh sát chìm, Frank hoàn toàn choáng váng. Cảnh sát phát hiện Frank còn cất giấu 200 triệu USD, có thể gây thiệt hại lớn nếu được đưa ra thị trường nhưng không thể tìm ra nơi cất giấu. Do đó, dựa trên thỏa thuận nhận tội, họ hứa sẽ thả tự do cho Frank nếu anh ta tiết lộ địa chỉ kho hàng.

Trong quá trình thu thập lời khai, cơ quan chức năng nghi ngờ đứng sau Frank là băng đảng tội phạm chuyên làm tiền giả vì họ không tin rằng, số lượng tiền giả khổng lồ này được hoàn thiện chỉ bởi một công dân Canada. Tuy nhiên, khi chứng kiến máy móc, thiết bị và những thùng các-tông chứa tờ 20 USD giả tại nhà kho của Frank, họ đã không thốt nên lời.

Trong phiên tòa ngày 31/1/2014, công tố viên tòa án Canada đã hủy mọi cáo buộc với Frank. Sau khi dàn xếp cộng tác với RCMP và FBI trong việc nhận diện tiền giả, anh ta chỉ ngồi tù 6 tuần.

Vụ án đặc biệt được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông tại Canada và Mỹ. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ công bố một phần quy trình làm tiền giả của Frank vì lo ngại những nhóm tổ chức khác sẽ bắt chước.

Cho đến nay, Frank vẫn làm nhiệm vụ phát hiện tiền giả cho Canada và Mỹ cùng một số quốc gia khác. Anh ta được đánh giá cao bởi khả năng phân biệt nhanh chóng, độ chính xác cao.

“Cuộc sống vốn rất phức tạp. Tôi biết rất nhiều người không hài lòng với kết quả của tòa án nhưng tôi thấy may mắn vì không tàn đời sau song sắt. Tôi cũng đã đánh giá thấp mối nguy hiểm và sai phạm từ công việc của mình”, Frank bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ