Hành trình đưa ánh sáng văn hóa đến vùng biên giới

Hành trình đưa ánh sáng văn hóa đến vùng biên giới

(GD&TĐ) - Trong chuyến đi thực tế về vùng biên giới phía Tây tỉnh Quảng Nam, từ các xã vùng khó La Dêê, Tà Vân, Đắc Pring, Đắc Pre cho đến tận cùng của vùng sâu, vùng xa Pêtapoóc; nơi đâu, chúng tôi cũng cảm nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về sự nghiệp giáo dục đối với người đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng có lẽ, điều mà chúng tôi cảm thấy ấn tượng nhất là mô hình “Phòng đọc biên cương” và “Câu lạc bộ không sinh con thứ ba” được các đồn biên phòng xây dựng và duy trì.

Hiệu quả từ mô hình Phòng đọc biên giới

c
Phòng đọc biên giới được đội ngũ cán bộ, chiến sĩ các Đồn biên phòng tổ chức bài bản và bước đầu mang lại những kết quả tích cực

Từ thị trấn Thành Mỹ - trung tâm huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi phóng xe máy về khu vực biên giới giáp với tỉnh Sê Kông nước bạn Lào. Đánh vật với hơn 80km đường cấp phối, bị cày nát bởi những chuyến xe vận chuyển vật liệu vùng đất biên cương dần hiện ra trước mắt chúng tôi với cảnh đẹp hút hồn. Những bản làng của đồng bào dân tộc Giẻ Triêng, Ve, Cơ Tu, Khơ Mú… yên ả, thanh bình nép mình trên những triền núi ngút ngàn màu xanh.

Đóng chân trên một ngọn đồi, gần trung tâm xã Đăk Pring, Đồn biên phòng 661 không chỉ làm tốt chức năng đảm bảo an ninh trật tự, mà còn chú trọng đến công tác giúp dân xóa đói giảm nghèo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuần tra bảo vệ cột mốc biên giới. Thượng tá Nguyễn Minh Chánh – Đồn trưởng ĐBP 661 cho biết, đa phần đời sống người dân hai xã Đắc Pring và Đắc Pre khó khăn, đường sá đi lại trắc trở, vậy nên công tác dân vận luôn được ban chỉ huy đơn vị hết sức quan tâm.

Ngoài việc thực hiện chương trình xóa nhà tạm, hướng dẫn cho bà con cách chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, đơn vị còn chủ động xây dựng 2 mô hình mới là “Phòng đọc biên giới” và “Đội tuyên truyền lưu động”. Đây là 2 kênh thông tin quan trọng, giúp cho người dân nắm bắt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn cách thức làm ăn phát triển kinh tế.

Thiếu úy Zơ Răm Linh “săn sóc” Phòng đọc biên giới
Thiếu úy Zơ Răm Linh “săn sóc” Phòng đọc biên giới
 

Thiếu úy Zơ Răm Linh - một tuyên truyền viên tích cực của Đội tuyên truyền viên và Phòng đọc biên giới (Đồn biên phòng 661) chia sẻ: “Sau nhiều năm “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất” với bà con dân bản, điều mà anh em cán bộ chiến sĩ luôn trăn trở là đời sống bà con còn nhiều thiếu thốn quá. Đói ăn thì có thể giải quyết được trong hai, ba vụ mùa chứ đói cái chữ, thì cái vòng luẩn quẩn “đói nghèo” sẽ không bao giờ dứt ra được. Vì thế, ý tưởng thành lập hai mô hình này đã được tất cả cán bộ chiến sĩ Đồn, nhất là các chiến sĩ trẻ đồng tình ủng hộ. Qua gần 3 năm hoạt động và đúc rút kinh nghiệm, trong quá trình hoạt động còn có sự phối hợp, lồng ghép giữa các mô hình, nên đến nay các mô hình này đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận”.

Đến thăm Phòng đọc biên giới của Đồn biên phòng đặt tại xã Đăk Pre, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì phòng đọc có một khối lượng sách khá lớn, đủ các nội dung, các lĩnh vực. Đại úy Blong Dương thành thật cho biết: “Với điều kiện cuộc sống canh tác nương rẫy nên điều kiện đến đọc sách báo của bà con dân bản là rất thất thường. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nên phòng đọc luôn mở cửa cả ngày lẫn đêm trong cả tuần. Ban chỉ huy Đồn cũng bố trí cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trực phòng đọc và hướng dẫn cho bà con khi đến đọc sách báo. Đến nay, đối tượng thường xuyên đến với phòng đọc là các em học sinh và bạn trẻ, thanh niên”.

Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 đã đi vào đời sống

Phòng đọc biên giới (Đồn biên phòng 661 - Đăk Pring) được xây dựng khang trang với lượng sách, báo khá phong phú
Phòng đọc biên giới (Đồn biên phòng 661 - Đăk Pring) được xây dựng khang trang với lượng sách, báo khá phong phú
 

Nói về việc giúp dân, đại úy A Lăng Vứn, mang ra một chồng hồ sơ và lật từng trang đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ ghi chép cẩn thận tên, địa chỉ và hình ảnh của từng người trong 4 câu lạc bộ (CLB) không sinh con thứ ba tại 2 xã Đắc Tôi và La Dêê. Đại úy A Lăng Vứn tâm sự, ban đầu cũng khó khăn lắm, bởi đa phần bà con xưa nay sinh đẻ không kế hoạch, theo quan niệm trời sinh voi sinh cỏ. BĐBP và Ban cán sự thôn phải đến từng nhà thuyết phục, giải thích, vận động và đề nghị tham gia CLB. Một lần không được thì đi lần hai, lần ba… kiên trì tuyên truyền, tích cực vận động cuối cùng rồi bà con cũng nghe. Vận động vào CLB rồi còn phải bày cho bà con cách áp dụng biện pháp tránh thai an toàn, chăm sóc con cái, giữ gìn vệ sinh cá nhân.

Năm 2010, CLB đầu tiên thành lập, ban đầu chỉ có các cặp vợ chồng đăng ký, hiện nay nhiều thanh niên trong độ tuổi lập gia đình cũng tự nguyện tham gia. A Lăng Vứn bảo, trong gần 3 năm hoạt động, chỉ có mỗi trường hợp vi phạm sinh con thứ ba. Ngoài CLB không sinh con thứ ba, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng 657 còn xây dựng thành công mô hình “Tộc họ văn hóa” tại xã La Dêê cho 2 dòng họ Brao và Pờ Long để giúp con em trong tộc có điều kiện học tập và không vi phạm pháp luật. Mô hình “Xây nhà nghĩa tình Trường Sơn” đã và đang triển khai rộng khắp đến với các hộ nghèo, neo đơn.

Gần một tuần cùng ăn, cùng ở, cùng làm với lính biên phòng đóng quân trên địa bàn huyện Nam Giang, chúng tôi phần nào cảm nhận được công việc của CBCS nơi đây trong việc bảo vệ bình yên chủ quyền Tổ quốc. Các anh đã gác lại nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, tận tâm giúp người dân mang niềm tin yêu và hạnh phúc đến với mọi nhà.

Đại Thắng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ