Hành trình 90 ngày giành giật sự sống cho bé 3 tuổi mắc cúm B

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bé 3 tuổi mắc cúm B, nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật, suy hô hấp, trụy tim mạch, nhiều lần cận kề cửa tử vừa được các bác sĩ cứu sống.

Bệnh nhi suy hô hấp, tổn thương phổi do mắc cúm B và vi khuẩn kháng thuốc. Ảnh: BV.
Bệnh nhi suy hô hấp, tổn thương phổi do mắc cúm B và vi khuẩn kháng thuốc. Ảnh: BV.

Bệnh nhi T.H.T. (3 tuổi, trú tại Tây Ninh) được chuyển đến điều trị tại Khoa Hồi sức Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng nguy kịch từ những ngày đầu tháng 10.

Trước đó, bệnh nhi sốt cao 2 ngày, đến ngày 3 co giật toàn thân, được đưa vào bệnh viện huyện trong tình trạng suy hô hấp, trụy tim mạch. Sau khi đặt nội khí quản, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM).

Lúc nhập viện, bệnh nhi hôn mê, suy hô hấp nên được cho thở máy. Bệnh nhi có sốc nên phải dùng cả vận mạch noradrenalin và adrenalin... Các xét nghiệm ban đầu cho thấy bạch cầu máu tăng cao 29.000 tế bào/uL, tổn thương gan nặng, toan hô hấp và cả chuyển hoá.

Tác nhân gây bệnh là Acinetobacter sp và Influenzae type B; trong đó cúm B là tác nhân gây suy hô hấp nặng, tổn thương phổi lan tỏa, còn Acinetobacter sp là vi khuẩn kháng rất nhiều loại kháng sinh.

Trải qua 40 ngày thở máy và 10 ngày lọc máu, tổn thương đa cơ quan, trong đó tổn thương phổi nặng. Khó khăn hơn khi hỗ trợ hô hấp qua màng ngoài cơ thể (ECMO) không thực hiện được do nhiễm vi khuẩn đa kháng, trong khi oxy hóa máu của bệnh nhi duy trì rất khó khăn…

Hàng ngày, các bác sĩ phải điều chỉnh các biện pháp điều trị cho phù hợp với tình trạng của bệnh nhi cũng như áp dụng các biện pháp hỗ trợ thông khí, hạn chế dịch, lợi tiểu… nhằm giành lấy mạng sống cho bệnh nhi.

Dù tình trạng tổn thương phổi của bệnh nhi có cải thiện nhưng lúc này, bệnh nhi phải đối mặt với 2 lần tràn khí màng phổi và phải 2 lần đặt ống dẫn lưu khí.

Để bệnh nhi có sức chống chọi với bệnh, dinh dưỡng được hỗ trợ, tính toán sao để bệnh nhi đủ chất, đủ năng lượng để rút ống thở sớm nhất kẻo lại nhiễm khuẩn.

Trải qua 90 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi từng bước cải thiện dần, từ hô hấp, chức năng gan, thận và tri giác. Bệnh nhi được rút ống thở và được trở về nhà.

Thời gian tới, bệnh nhi phải học phục hồi dần ngôn ngữ, tập vận động, khám tâm lý nhằm giúp hồi phục ngôn ngữ và tinh thần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.