Theo ghi nhận từ nhiều địa phương trên cả nước, năm nay số lượng trẻ mắc cúm B gia tăng nhanh trong khi những năm trước đây, chủng cúm được ghi nhận nhiều là cúm A. Cá biệt đã có địa phương phát hiện ổ dịch cúm B với hàng trăm trẻ mắc phải.
Điều đáng nói là trong số các trường hợp phát hiện biến chứng nặng như viêm cơ tim, suy đa tạng thậm chí tử vong, đã có trường hợp bệnh nhi có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh, không hề có bệnh nền. Điều này gây ra nhiều hoang mang cho các bậc phụ huynh có con nhỏ.
Cúm B là gì? Hướng xử trí cũng như phòng tránh căn bệnh này ra sao? Cùng theo dõi thông tin tư vấn dưới đây của BSCKI. Bùi Thị Đến - trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới.
Nguồn: Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ. |
Theo BS. Trần Thị Thùy Linh - Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, dịch cúm mùa hàng năm có ảnh hưởng đến tất cả các lứa tuổi (10-20% người lớn khỏe mạnh, 20-30% trẻ em) nhưng nguy cơ bị biến chứng nặng nề hơn rơi vào nhóm trẻ dưới 2 tuổi, người già trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, những người mắc các bệnh nền mãn tính như bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)…
Đặc biệt, virus cúm còn có thể phát triển rất nhanh trong cơ thể làm phá hủy tế bào gây suy đa tạng, thậm chí gây tử vong.
Các chuyên gia khuyến cáo phác đồ tiêm vắc xin cúm cho từng đối tượng cụ thể như sau:
Trẻ em dưới 9 tuổi cần được bảo vệ bởi 2 liều cúm, mỗi liều cách nhau tối thiểu 1 tháng trước khi tiến hành tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.
Trẻ lớn trên 9 tuổi và người lớn cần tiêm vắc xin mỗi năm 1 lần.
Phụ nữ mang thai là đối tượng cần ưu tiên tiêm ngừa cúm.
Đối với phụ nữ đang có kế hoạch mang thai, tốt nhất nên tiêm vắc xin phòng cúm trước khi có thai 3 tháng. Nếu đang có dịch cúm mà chưa kịp tiêm trước khi mang thai, vẫn có thể tiêm phòng vắc xin ngừa cúm bất hoạt vào 3 tháng giữa thai kỳ.