Hành trang cho con của mẹ nam sinh triệu đô

Hành trang cho con của mẹ nam sinh triệu đô

Đó cũng là cả một hành trang mà chị Phan Thúy Phương – mẹ của Thuận đã chuẩn bị cho con trai mình.

Mẹ là "khán giả"

Trần Minh Thuận là cựu học sinh Trường THPT quốc tế Concordia, Hà Nội. Năm trước, chàng trai này đã tạo nên dấu ấn lớn khi không chỉ trúng tuyển 10 trường đại học Mỹ danh tiếng, mà còn được mời gọi bằng học bổng "khủng" từ các trường ĐH "đình đám" như Stanford, Princeton, Dartmouth, Duke, Vanderbilt, Washington University in St. Louis… 

Với thành tích đáng kinh ngạc này, Minh Thuận được bạn bè gọi bằng biệt danh "nam sinh triệu đô".

Nếu mọi người biết đến Thuận là chàng trai rất ngoan, học giỏi, nhiệt tình và vốn kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực... thì khi gặp chị Phan Thúy Phương - mẹ của Thuận, họ sẽ càng ngưỡng mộ về cách nuôi, dạy con của chị. 

Luôn cố gắng để mang lại những điều tốt đẹp cho các con, chị không chỉ là người mẹ, mà còn là người bạn lắng nghe tâm tư của con trai và con gái. Mọi hoạt động của Thuận, chị đều hiểu rất rõ nhưng không phải "cầm tay chỉ việc" bởi chị rất tin tưởng vào Thuận. Chị chỉ đóng vai trò là "khán giả" để xem những gì con làm.

Chị Phương chia sẻ: "Cho con đi du học phải là một quá trình của cha mẹ. Đã xác định được mục đích thì cần có kế hoạch dài hạn cho nó. Nghĩa là phải định hướng cho con từ sớm và cùng con theo đuổi đến cùng, không phải năm nay mới nghĩ ra cho con đi nước này, sang năm lại nghĩ cần đi nước khác. 

Cứ như vậy, đến cuối con cũng chẳng biết mình sẽ đi đâu. Đôi khi vẫn có quyết định đúng nhưng để đạt được thành công lớn thì không thể hên, xui".

Theo đó, chị Phương đã cho con đi học trường quốc tế từ nhỏ. Chị cũng dự định sẽ cho con sang Mỹ học. Chính vì vậy, chị luôn chú ý đến khả năng thích nghi của con để cùng điều chỉnh. 

Được rèn từ nhỏ, Thuận trở thành người quảng giao, thích bày tỏ quan điểm, biết chịu trách nhiệm về những việc mình làm và đặc biệt là rất sáng tạo… Điều này đã khiến chị Phương hoàn toàn yên tâm khi con lên đường du học.

Thành công của Trần Minh Thuận không chỉ là nỗ lực của bản thân nam sinh này mà là sự hi sinh lớn lao của người mẹ. Chị luôn đóng vai trò là người bạn của con, là chuyên gia cho con nhưng lại là một khán giả đứng từ xa quan sát.

Biết sẽ cho con đi du học xa nhà, chị Phương cũng tính toán việc con trai cần tự lập cao hơn trong mọi sinh hoạt. Từ năm lớp 8, chị đã cho con học một khóa học đi rừng. Con sẽ được học về kỹ năng sinh tồn, thoát hiểm, nấu nướng trong điều kiện khó khăn để sống sót, phân biệt đồ ăn được và không ăn được… 

Sau khóa học đó, con trai chị đã trưởng thành hơn và khả năng thích nghi cao với mọi điều kiện sống, không ngại khó, ngại khổ.

Năm con học lớp 10, chị bắt đầu để Thuận vào bếp nấu nướng, lo việc nhà và sắp xếp mọi thứ theo trật tự. Đứng quan sát con, chị cảm thấy yên tâm nếu con du học ở một nơi xa xôi. 

Chính cách dạy dỗ của chị đã khiến con trai tự lập sớm, trưởng thành hơn và đến ngày du học, chị không cần dặn dò hay "nhồi nhét" vào đầu con về chuyện ăn ở như thế nào, bạn bè ra sao, cách tiêu tiền hợp lý… Bởi cả một quá trình dài, chị đã xác định đúng và giờ chỉ "ngắm" những thành quả của con.

Bận công việc kinh doanh, nhưng chị vẫn đồng hành trong từng bước đi của con. Chị nói về Thuận bằng cách gọi tên, gọi bằng cậu ấy, bạn ấy như đang kể về một người bạn thân. Chính điều tưởng chừng như nhỏ bé này lại khiến người ta cảm nhận về cách dạy dỗ bài bản của một người mẹ yêu thích văn chương như chị. Và cũng chính tình cảm ấy mà các con chị "không thể lệch đường ray".

Hãy học cùng con

Khi đã xác định được mục tiêu cho con đi du học, cha mẹ sẽ có những kế hoạch cụ thể không chỉ cho con mà cho chính bản thân mình.

Nói về kinh nghiệm để con đạt được thành công, chị Phương chia sẻ: "Tùy từng độ tuổi của con mà cha mẹ có cách dạy phù hợp. Khi con nhỏ, tôi mong con có thể thích nghi với mọi điều kiện sống. Điều này giúp con có thể đi bất cứ đâu mà cha mẹ vẫn yên tâm. 

Khi con lớn hơn, tôi để con thoải mái bày tỏ quan điểm sống cũng như suy nghĩ của mình, rồi cùng thảo luận, trao đổi, phân tích với con.

Khi con chuẩn bị du học, tôi lại cùng con tìm hiểu về văn hóa, âm nhạc, chính trị của nước Mỹ… Thậm chí, hai mẹ con còn học cả những điều nên tránh khi sống ở Mỹ. Sang đó, con trai tôi hòa nhập rất nhanh chóng".

Chị Phương cho biết thêm, cha mẹ cần chuẩn bị sớm và lắng nghe ý kiến của con thay vì đến ngày lên đường mới dặn dò lý thuyết, con không có thời gian để thực hành. Thêm nữa, việc quan trọng nhất là quan tâm tới các kiến thức văn hóa, xã hội của đất nước mà con du học. Muốn vậy, cha mẹ hãy cùng tìm hiểu với con, rồi thường xuyên tranh luận, thảo luận những vấn đề này.

Đặc biệt, dù du học ở đất nước nào cũng cần xem cách thức tuyển sinh đặc trưng của mỗi trường để con có được khả năng trúng tuyển cao nhất. Cùng là một quốc gia nhưng mỗi trường có một "sở thích" khác nhau, cha mẹ hãy tìm hiểu và chia sẻ với con những kiến thức quý báu đó.

Trưởng thành trong suy nghĩ và cả vốn kiến thức của một chàng trai rất trẻ nhưng chính trị, âm nhạc, toán học... Thuận đều am hiểu. Thuận hát và chơi đàn ukulele ở dàn hợp xướng của Concordia; hát ở CLB Jazz Bình Minh vào những cuối tuần và viết nhạc cùng em gái để biểu diễn.

Trần Minh Thuận từng 2 lần đoạt giải Toán quốc tế từ Đại học Waterloo của Canada (lớp 10 và lớp 11), lọt tốp 25 thế giới và là cựu Chủ tịch CLB Toán ở Trường Concordia. 

Thuận là đồng sáng lập Concordia International Research Conference in Hanoi, hội thảo nghiên cứu quốc tế chỉ dành cho học sinh THPT; tham gia Tổ chức Hợp tác Thanh niên Việt Nam; Trưởng ban truyền thông của SANSE – tổ chức phi chính phủ bán trà Bản Liền ở Hà Nội. Hiện, nam sinh này đã học hết năm thứ nhất của Trường Duke University (Mỹ) với học bổng toàn phần trong 4 năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ