Hạnh phúc với nghề dạy học

Hạnh phúc với nghề dạy học

(GD&TĐ)-Trong không khí cả nước cùng tôn vinh nghề giáo, những người dành trọn đời cho sự nghiệp trồng người đã cùng trải lòng tâm sự về những vui buồn, vất vả và trên hết là niềm hạnh phúc, tự hào trong nghề dạy học cao quý.

NGƯT Hầu Thị Sải: Phó hiệu trưởng trường PTDTNT huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng: Tôi nhận công tác tại trường PTDTNT huyện Thông Nông từ năm 1983. Đây là ngôi trường có nhiều học sinh các dân tộc thiểu số học tập, sinh hoạt nội trú. Nhiệm vụ của người giáo viên không chỉ dạy chữ mà còn là người cha, người mẹ thứ hai trực tiếp dạy dỗ, chăm sóc các em.

Những ngày đầu tôi về trường, học sinh chưa có nền nếp trong học tập và sinh hoạt, chất lượng học tập còn thấp, hàng năm học sinh bỏ học khá nhiều, trung bình 10 em mỗi năm, trong đó có nhiều em bỏ học để lấy vợ, lấy chồng theo phong tục tập quán địa phương. Đó là điều khiến tôi trăn trở nhiều đêm, làm thế nào để thuyết phục các em tiếp tục trở lại trường học tập.

sccdcsdcscs
NGƯT Hầu Thị Sải đón nhận tình cảm yêu quý của học sinh. Ảnh: gdtd.vn

Trong khi đó, tôi cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, bản thân một mình nuôi con nhỏ, chồng là bộ đội xa nhà. Sống trong thời bao cấp, gạo nước khan hiếm, đời sống cán bộ giáo viên gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều trường trong huyện phải đóng cửa vì giáo viên không đủ sống không thể ở lại với trường. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi đã không nản lòng, cùng động viên nhau và thuyết phục phụ huynh, học sinh… Có em học sinh dân tộc ham học nhưng hoàn cảnh gia đình quá éo le, bố em bị tâm thần nhiều năm, còn mẹ và em gái là lao động chính cũng mới phát bệnh tâm thần, tôi kết hợp với giáo viên chủ nhiệm vận động bạn bè về giúp đỡ gia đình em thu hoạch mùa màng rồi cử cả cán bộ y tá của trường giúp người than của em đi điều trị.

Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức Hội chữ thập đỏ ủng hộ tiền cho gia đình để em yên tâm học tập. Kết quả, em đã theo học hết cấp THCS. Trường hợp khác là em học sinh người Dao bị bố mẹ ép buộc lấy chồng để trừ nợ bạc trắng. Do hiếu học, em đã cầu cứu tới nhà trường. Bản thân tôi đã trực tiếp thuyết phục, can ngăn gia đình nhưng không được đành bất đắc dĩ đưa em đi trốn để qua ngày cưới. May mắn, em học trò đó cuối cùng cũng thoát cảnh lấy chồng sớm và tiếp tục được đi học. Khi em vào ĐH Thái Nguyên, tôi tiếp tục đề xuất Hội khuyến học tỉnh hỗ trợ kinh phí cho em học hết ĐH, hiện em đã học xong và có công việc ổn định…

Cứ thế, rồi cũng có ngày công sức của chúng tôi đã được phụ huynh đáp lại, san sẻ một phần ngô, khoai gạo, thóc trong nguồn thu nhập ít ỏi của gia đình để cho con em mang tới trường. Các thầy cô giáo thì sáng lên lớp, chiều tăng gia sản xuất, đi đào củ mài, hái rau rừng thêm vào bữa ăn. Nhờ vậy, trong khi các trường khác chao đảo thì trường PTDTNT Thông Nông vẫn đứng vững.

Theo thời gian, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm dần, hết năm học, cá biệt chỉ có vài học sinh học quá yếu không thể theo kịp xin chuyển về địa phương học tập. Riêng 2 năm gần đây, trường PTDTNT huyện Thông Nông đã duy trì được sĩ số 100%. Với sự phấn đấu của bản thân, các năm 1996 đến 1998, tôi được Sở GD&ĐT Cao Bằng tặng giấy khen cán bộ quản lý giỏi cấp tỉnh, nhiều năm đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và hai năm đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Song niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của tôi là nhiều em học sinh dân tộc thiểu số trưởng thành từ mái trường PTDTNT huyện Thông Nông được tiếp tục học lên đã trở thành thày cô giáo, trở thành kỹ sư, bác sĩ, nhiều em là sĩ quan trong quân đội, chiến sĩ công an nhân dân. Khi về, gặp lại tôi, các em vẫn gọi tôi với 2 từ trìu mến “cô giáo”, nhiều em gọi tôi là “mẹ”…

xzxzxxzxzx
GS.TS Trần Thị Luyến

GS.TS Trần Thị Luyến (ĐH Nha Trang): Là Nhà Giáo Nhân Dân, Anh Hùng Lao Động thời kỳ đổi mới, 2004 được nhận giải thưởng Kovalevskaia, tôi đã có một quá trình phấn đấu liên tục không mệt mỏi trong hoàn cảnh  mẹ già, chồng ốm bại liệt  thời gian dài, các con đi học xa. Giờ đây, nhìn lại chặng đường mình đã phấn đấu vươn lên để tự “đổi mới” mình, tôi nhận ra rằng chính nhờ có  tinh thần thi đua yêu nước và tình cảm thương yêu của quê hương, gia đình, nhà trường đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh để vượt qua khó khăn, đạt được những thành công nhất định trong công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Khi tôi sinh ra cũng là lúc cha tôi đi chiến đấu ở chiến dịch biên giới 1950. Mẹ tôi nghèo, sức khoẻ yếu  vừa làm nông, vừa làm nghề canh cửi để kiếm thêm tiền nuôi tôi ăn học. Lúc tôi lên 12 tuổi, mẹ bị bệnh kéo dài với căn bệnh nan y tưởng chừng không qua được. Kinh tế gia đình thời gian này gặp nhiều khó khăn tôi đã định bỏ học, nhưng sau khi thầy giáo chủ nhiệm lớp 5 khuyên nhủ, tôi đã nghe theo lời thầy và quyết tâm học tập. Giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, những năm học cấp 3, trường  tôi phải đi sơ tán cách xa nhà 10 cây số. Hàng ngày, trời mưa cũng như nắng, tôi phải đi bộ đến trường. Do làm lớp phó học tập và công tác đoàn nên thường xuyên tôi phải ở lại trường cả ngày và khi về đến nhà đã là 7-8 giờ tối.

Đến năm cuối cấp 3 tôi phải khăn gói đi trọ học, hàng tuần tôi phải mang đi một gánh nặng, nào gạo, nào củi đến nơi sơ tán. Cuộc sống của học trò nghèo tại nơi sơ tán thật khó khăn về vật chất về điều kiện học tập, chúng tôi lại còn phải lao động thường xuyên để đào hầm, đào hào trú ẩn máy bay giặc mỹ ném bom. Khó khăn là thế nhưng tôi luôn phấn đấu và đã luôn đạt được là học sinh giỏi. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 tôi được tuyển vào học đại học Thuỷ sản ngành chế biến năm 1969.

Những năm đầu của quá trình  đại  học  là giai đoạn giặc mỹ leo thang bắn phá miền bắc rất ác liệt. Chúng tôi lại một lần nữa phải học tập dưới làn bom đạn, điều kiện học tập rất khó khăn, phải học trong phòng tranh tre nứa lá tạm bợ ở nơi sơ tán. Ngoài việc học tập như thế thì còn thường xuyên phải gánh than, gánh gạo trợ giúp cho các chị cấp dưỡng vì đường nông thôn nơi sơ tán nhỏ  quá nên xe chở than, gạo không vào đến bếp tập thể được. Tiêu chuẩn ăn thì độn 70 % bột mì hoặc 60 % ngô mảnh, còn thức ăn thì thật đạm bạc, có rau mà ăn là tốt lắm rồi. Tôi làm lớp phó vật chất nên phải lo nhiều về cơm áo gạo tiền cho các bạn chu đáo, đặc biệt có những lần lớp đi lao động ở hồ cá Thác Bà, tôi một mình phải chèo chiếc bè qua sông Chảy để mua gạo và rau xanh cho lớp, nước chảy rất siết nhưng tôi đã vượt qua vì chợ ở bên kia sông cách khu lán của lớp vài ba cây số đường rừng.

37 năm công hiến cho sự nghiệp giáo dục, tôi đã đạt được một số thành công nhất định. Những thành công ấy đã đạt được trong hoàn cảnh không mấy thuận lợi. Giai đoạn 1974-1996 là giai đoạn cuộc sống khó khăn nhất về mặt kinh tế. Cả nhà 3 thế hệ sống trong một căn nhà tập thể trường phân. Ngoài công việc giảng dạy chúng tôi phải nuôi heo, gà để có thêm thu nhập. Nhưng cũng chính trong giai đoạn khó khăn này, tôi đã đưa được chương trình giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành đầu tiên cho ngành chế biến thuỷ sản, đã hướng dẫn được những sinh viên được giải Vifotech đầu tiên của trường  trong nghiên cứu khoa học vào năm 1996. Năm 1994, tôi đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ trong nước, sau đó năm 1996 tôi được phong là Phó Giáo Sư.
 
Thời kỳ nền kinh tế của đất nước đã có những khởi sắc, đời sống của cán bộ giảng dạy chúng tôi đã khá hơn thì chồng tôi bị ốm kéo dài 10 năm, căn bệnh tai biến mạch máu não đã làm cho anh bị liệt cả người. Trong lúc các con đi học và công tác ở xa, tôi một mình vừa đảm nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng. Vừa đảm nhiệm công tác quản lý trường đại học, vừa nghiên cứu khoa học vừa giảng dạy, vừa lo chăm sóc cho chồng tôi từ miếng cháo đến vệ sinh cá nhân khi bệnh viện đã trả anh về nhà. Mẹ tôi đã 80 tuổi già yếu, tôi phải cố gắng thu xếp mọi công việc ổn định gia đình và chăm sóc chồng và mẹ già. Trong 37 năm công tác tôi chưa một lần đi thăm quan du lịch và nghỉ ngơi, mặc dù công đoàn trường năm nào cũng tổ chức cho công đoàn viên đi nghỉ và thăm quan các danh lam thắng cảnh trong và ngoài nước.

Nhìn lại những khó khăn ấy, nếu hỏi rằng tại sao tôi lại vượt qua. Tôi chỉ có câu trả lời duy nhất, bởi lẽ tôi luôn yêu nghề, tâm huyết với nghề dạy học, tính cần cù chịu khó, cần kiệm chi tiêu, tận dụng mọi thời gian để nghiên cứu chuyên môn, tôi luôn có tâm niệm phải làm thế nào để nâng cao chất lượng cho bài giảng và từ đó tôi quyết tâm phải tự “đổi mới” mình. 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.