Phía sau là người vợ với những trái cây tươi và bình sữa cho người già. Họ dừng chân tại các ghế đá công viên để người mẹ dùng trái cây và uống sữa. Chồng kể chuyện, vợ gọt trái cây. Cả 3 khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc.
Cũng là hàng xóm, đối diện nhà tôi lại là một hoàn cảnh xót xa cho một bà mẹ già. Bà cụ chắc cũng đã trên 70 tuổi dáng nhà quê rất mực. Cả hai vợ chồng và hai đứa con rời nhà từ rất sớm để đi học, đi làm đến chiều mới trở về nhà. Ở nhà một mình, bà quét dọn miệt mài căn nhà 3 tầng to nhất xóm này; xách nước tưới cây; rửa chén dĩa chiều hôm trước; giặt đồ, phơi đồ, làm thức ăn cho cả nhà…
Vậy mà có yên đâu, cứ vài hôm là nghe tiếng nàng dâu chì chiết vì thức ăn mặn, lạt, chua, chát hay tiếng hai đứa trẻ mắng nhiếc bà nội “ở dơ”, giặt đồ không sạch (dù giặt bằng máy giặt)… Nhiều lần bà đã toan về quê nhưng đứa con trai cứ nài nì nên bà cứ nấn ná ở lại với suy nghĩ: Thôi thì ở tiếp giúp gì được cho chúng thì cứ làm. Chấp nhặt chi những lời nói hỗn hào khó nghe.
Cứ mỗi lần thấy bà cặm cụi lao động trong căn nhà sang trọng ấy, tôi tự hỏi: Bà đang là mẹ, là bà hay đang là “Osin” không lương trong ngôi nhà ấy? Bà định làm như vậy cho đến bao giờ? Và đến bao giờ đứa con trai, con dâu, hai đứa cháu nội chợt nhận ra điều này và có thái độ cư xử khác?
Bình luận