(GD&TĐ) - Khi kết hôn, ai cũng mong muốn tìm được một người chồng biết chia sẻ, yêu thương. Thế nhưng, trong cuộc sống vốn dĩ nhiều màu sắc này, có những cặp vợ chồng không hoàn hảo, không xứng đôi cũng chẳng vừa lứa mà còn rất.... đũa lệch. Sự lệch đôi này nhiều khi trở thành vật cản khiến cuộc sống gia đình chao đảo nếu hai người không có sự cảm thông và chia sẻ.
Chị ngồi lặng, thẫn thờ nhìn những mảnh vỡ của chiếc bình hoa. Chị ứa nước mắt không ngờ cuộc hôn nhân của mình lại ra nông nổi này. Gần một năm nay chị luôn sống trong tâm trạng chán nản mệt mỏi.
Học hết trung cấp y, do điều kiện gia đình quá khó khăn chưa tìm được việc làm ngay nên chị rời quê lên thành phố tìm việc làm thêm để đỡ đần cho gia đình. Nhờ chị bạn giới thiệu chị xin vào được một phòng khám tư nhân. Chị thuê một phòng trọ gần phòng khám để tiện việc đi làm. Mỗi lần sửa xe chị lại mang ra hiệu sửa xe gần nhà nhờ anh sửa. Mới đầu anh chị chỉ là bạn bè nhưng lâu dần cảm thấy sự nhiệt tình của anh, chị càng xiêu lòng. Khi thì anh sửa cho chị đường điện bị trục trặc, lúc lại lợp cho chị mái nhà cho đỡ bị dột, khi thì đưa đón chị về quê...Ở bên anh, chị cảm thấy bớt cô đơn giữa cuộc sống thành phố ồn ào náo nhiệt. Đã đến lúc chị cần có một mái ấm gia đình để được yêu thương che chở.
Ảnh minh họa |
Sau đám cưới, nhờ bạn bè quen biết, chị may mắn xin được vào làm ở bệnh viện của thành phố. Ngày nào chị cũng cố gắng thu xếp việc của cơ quan để mong có thể chu toàn việc nhà. Gia đình nhà chồng không thuộc loại giàu có nhưng cũng hơn hẳn gia đình chị. Bố chồng là cán bộ về hưu, mẹ thì buôn bán tại nhà. Do lúc còn bé, ham chơi bời không chịu học hành nên nhà có 4 anh em mà chỉ có anh không qua trường lớp nào, ở nhà sửa chữa xe máy. Công việc ở bệnh viện liên tục phải trực đêm nên chị thường về nhà muộn. Nhiều khi không lo trọn vẹn được việc nội trợ trong gia đình, mẹ chồng không thông cảm nên hay kêu ca việc chị thường xuyên vắng nhà. Nhiều hôm về muộn, chị chỉ ăn qua loa vì sợ bữa cơm không mấy vui vẻ, ăn mà không dám nhìn ai vì chỉ biết ăn mà không biết nấu chỉ để người khác phục vụ".
Càng sống bên cạnh anh, chị càng thấy anh không hiểu chị, anh quen sống tự do phóng túng nên không bao giờ gọi điện về cho vợ mỗi khi về muộn. Những lúc ốm đau phải nghỉ việc ở nhà, chị cũng chưa bao giờ nhận được từ anh một lời quan tâm, động viên, an ủi. Tính chị sâu sắc, ít nói, nên nỗi buồn trong tâm hồn cứ lớn dần lên khiến chị cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Chị luôn tôn trọng anh, không có ý coi thường anh nhưng mỗi lần đi uống rượu với bạn bè về anh thường gây gổ với chị. Anh luôn có mặc cảm với bản thân và cho rằng chị là cán bộ nên coi thường chồng. Chị càng cố gắng gần gũi để anh hiểu chị thì anh càng tự ty, xa cách với chị.
Nhưng ngày lễ tết, chị vui vẻ nhận lời chúc mừng của bạn bè, đồng nghiệp nhưng khi về đến nhà nụ cười trên môi không còn vì không khí gia đình lạnh lẽo.
Chị vẫn yêu anh nhưng trong sâu thẳm trái tim mình chị vẫn có một nỗi buồn không thể nói lên lời. Anh không hiểu được hạnh phúc gia đình rất cần được nuôi dưỡng qua thời gian và những lo toan khắc nghiệt của cuộc sống để tình cảm vợ chồng mỗi ngày lại khăng khít hơn. Hôn nhân không thể thiếu những quan tâm nhỏ nhất khi người ốm đau, buồn vui, hạnh phúc, và người phụ nữ, người vợ như chị dù có ở bất cứ vị trí nào trong xã hội cũng vẫn luôn hướng về gia đình với tất cả sự tôn trọng và yêu thương người bạn đời của mình.
Huyền Phương