Hành lang pháp lý vững chắc cho giáo dục đại học phát triển

GD&TĐ - Ngày 1/7/2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực. Đây là thời điểm mà nhiều cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) mong chờ có một hành lang pháp lý để phát huy tự chủ, góp phần vào đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hiệu quả hơn.

Nghiên cứu góp phần nâng cao chất lượng GDĐH. Ảnh: TG
Nghiên cứu góp phần nâng cao chất lượng GDĐH. Ảnh: TG

Tiền đề quan trọng

Giáo dục đại học từng bước phát triển rõ rệt về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo, có nhiều đóng góp cho phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, để GDĐH tiếp tục phát triển bền vững, cần phải có một hành lang pháp lý để điều chỉnh các hoạt động liên quan. Trước khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, để quản lý các hoạt động liên quan đến GDĐH việc sử dụng các văn bản pháp luật, các quy phạm pháp luật rất phân tán, hiệu lực pháp lý không cao.

Nhiều vấn đề quan trọng của GDĐH như tổ chức, hoạt động giáo dục (đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng giáo dục), tài chính, tài sản cho GDĐH, thanh tra, kiểm tra; quản lý Nhà nước được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật rời rạc. Thiếu một hệ thống pháp luật chặt chẽ, một hành lang pháp lý vững chắc, đặc biệt trong đó là việc giao quyền tự chủ toàn diện cho các trường là một trong những khó khăn lớn nhất để GDĐH phát triển bền vững.

Đẩy mạnh tự chủ đại học là nội dung quan trọng và là mục tiêu chính để tạo đà cho GDĐH có những bước phát triển mới. Đi cùng với việc giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học, trách nhiệm quản lý Nhà nước cũng sẽ có nhiều thay đổi, chuyển từ quản lý sang tạo hành lang pháp lý, giám sát. Để thực hiện điều này, các cơ sở GDĐH cần thực hiện các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ và tất nhiên việc giao quyền phải gắn với trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị đại học của từng cơ sở GDĐH. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã được chỉnh lý bổ sung các điều khoản theo hướng giải thích rõ các khái niệm, yêu cầu, cụ thể hóa các nội dung tự chủ, đồng thời quy trách nhiệm giữa các bên có lợi ích liên quan.

Ngày 1/7/2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH chính thức có hiệu lực thi hành thực sự tạo đà cho GDĐH phát triển, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Luật sẽ là hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động GDĐH. Từ đây, theo tinh thần luật định, với quyền chủ động, các cơ sở GDĐH sẽ phát huy khả năng tư duy và năng lực sáng tạo, tự học tập, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu hướng đến hội nhập khu vực và quốc tế, tăng năng lực cạnh tranh giữa các nhà trường. Tuy nhiên, quyền chủ động cũng gắn với trách nhiệm trước pháp luật. Đặc biệt trong đó là quy trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng trường (HĐT) và mối quan hệ giữa HĐT với các thiết chế quyền lực khác trong trường đại học.

Trao quyền cho Hội đồng trường

Nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá cao tinh thần mới trong Luật là việc trao nhiều thẩm quyền hơn cho HĐT ở trường công và can thiệp ít hơn vào HĐT ở trường tư. Điều này cho thấy, việc mở rộng tự chủ ngày càng cao là yêu cầu thiết yếu để các nhà trường điều hành các hoạt động. Nhưng để được tự chủ cũng cần phải có những ràng buộc trách nhiệm.

Chính vì thế, HĐT chính là một trong các thiết chế quan trọng nhằm giám sát trách nhiệm giải trình hoạt động của trường cũng như chịu trách nhiệm chính về hoạt động của trường. Nếu như trước đây, vai trò giám sát trường do cơ quan chủ quản (bộ, ngành hay chính quyền địa phương), thì nay, HĐT sẽ là cơ quan quyền lực nằm trong nhà trường, có quyền bầu ra hiệu trưởng, có trách nhiệm giám sát và chịu trách nhiệm trước pháp luật với những hoạt động của trường đó.

PGS. TS Nguyễn Xuân Nghị, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, cho rằng: Với đầy đủ các thành phần tham gia, HĐT là công cụ tất yếu nhằm mở rộng dân chủ hóa trường học và tăng cường sự tham gia của các bên. Như quy định ở trường công lập, chủ tịch HĐT không được kiêm nhiệm các chức vụ quản lý trong trường (không chỉ giới hạn trong vị trí hiệu trưởng/phó hiệu trưởng như trước đây).

Thành viên HĐT bao gồm 25% trên tổng số là giảng viên, 30% là người ngoài trường. Việc trao quyền nhiều hơn, HĐT có quyền quyết định bổ nhiệm/bãi nhiệm/miễn nhiệm hiệu trưởng, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ đóng vai trò thẩm định cuối cùng trong việc ra quyết định công nhận. Những quy định về thành phần tham gia HĐT, bảo đảm tính dân chủ, có được ý kiến xây dựng của các bên cùng chung mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động trên cơ sở tương tác giữa các bên, phù hợp với bản chất của trường đại học.

Việc trao nhiều thẩm quyền hơn cho HĐT trường công và can thiệp ít hơn vào HĐT trường tư, đặc biệt là quyền bầu và miễn nhiệm hiệu trưởng đều là những động thái hết sức tích cực của Luật định. Khi quyền lực được chỉ đích danh, cũng đồng nghĩa với trách nhiệm phân định rõ. Thiết chế đã chỉ ra quyền lực sẽ đi cùng trách nhiệm với người học và xã hội được thể hiện. Tinh thần cởi mở nhưng với những ràng buộc chặt chẽ thực sự là hành lang pháp lý để các cơ sở GDĐH chủ động trong các hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu hướng đến hội nhập khu vực và quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.