Hàng trăm xe chở nông sản vẫn “đóng băng” tại cửa khẩu chờ thông quan

Hàng trăm xe chở nông sản vẫn “đóng băng” tại cửa khẩu chờ thông quan

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), đến chiều 10.2.2020 chỉ mới xuất khẩu được 31 xe hàng hóa, trong đó có 25 xe trái cây như thanh long, dưa hấu, mít, nhãn, linh kiện điện tử; ở chiều ngược lại, cũng đã có 25 xe hàng hóa được nhập khẩu vào nước ta, gồm: Linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, trái cây (táo, cam), nông sản khác (hành, tỏi, nấm).

Tuy  nhiên, đến tối 10.2.2020, tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị  vẫn tồn 114 xe hàng, bao gồm trái cây (thanh long, mít, ớt, nhãn) và linh kiện điện tử.

Tại các cửa khẩu khác như Tân Thanh, không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu do Trung Quốc đã thông báo lùi thời gian mở cửa khẩu đến cuối tháng 2.2020. Tình trạng này cũng đang diễn ra tương tự tại cửa khẩu Cốc Nam, trong khi hiện tại tại cửa khẩu  này vẫn còn tồn 10 xe nông sản, tạp hóa các loại.

Tại Cửa khẩu Ga Đồng Đăng, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn chưa diễ. Đến tối 10.2.2020, còn tồn 7 toa thanh long chờ xuất khẩu và tồn 37 toa thép chờ nhập khẩu.

Tại tỉnh Lào Cai, từ chiều 9.2 đến sáng ngày 10.2.2020, chỉ có 12 xe trái cây (thanh long, chuối, mít, dưa hấu) xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, tiến độ thông quan phía Trung Quốc vẫn chậm do thiếu nhân lực liên quan đến quá trình giao nhận hàng hóa, 7 xe trái cây làm thủ tục xuất khẩu kéo dài từ sáng 8.2 đến tối 9.2 mới hoàn thành các khâu giao nhận liên quan tại phía Trung Quốc.

Tại cửa khẩu Kim Thành II (Lào Cai), hiện còn tồn 120 xe trái cây gồm 100 xe thanh long, 2 xe chuối, còn lại là mít và dưa hấu, vẫn chưa thể xuất khẩu vì phía Trung Quốc đang thiếu nhân lực trầm trọng do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona.

Theo ông Nguyễn Công Trưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, nguyên nhân các xe chở nông sản bị tồn đọng nhiều do khi cửa khẩu chưa được mở trở lại, mặc dù đã được khuyến nghị nhưng vẫn có các xe hàng nông sản đổ về các cửa khẩu của Lạng Sơn dù tình hình thông quan chưa khả thi thời điểm này.

Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An - ông Nguyễn Quốc Trịnh cho biết hiện nay, thanh long đang vào thu hoạch ước tính toàn tỉnh là 3.000 tấn. Dự tính thanh long thu hoạch trong tháng 2.2020 lên tới khoảng 20.000 tấn. “Hiệp hội đã thống nhất với các nhà kho giảm giá thu mua xuống mức 10.000 đồng/kg nhằm giảm thiệt hại thấp nhất cho nhà kho, nhà lái và nhà vườn.

Tuy nhiên, do lượng hàng tồn kho và lượng hàng thu hoạch khá nhiều các kho không thể dự trữ nên một số nhà kho đã phải đóng cửa không thu mua dẫn đến thanh long ở một số vườn trái vẫn treo trên cây, gây thiệt hại cho nhà vườn” – ông Nguyễn Quốc Trịnh cho biết.

Hiện tại, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, UBND tỉnh Long An và Hiệp hội thanh long Long An đang kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị đẩy mạnh tiêu thụ thanh long hỗ trợ nông dân, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp tăng cường chế biến sâu, giảm thiểu thiệt hại cho người trồng thanh long.

Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trước mắt, công tác điều tiết là hết sức quan trọng để tránh ùn ứ tại cửa khẩu. Bộ Công Thương đã thông báo với các tỉnh để điều tiết, tránh đưa hàng lên biên giới khi việc giao thương tại các cửa khẩu còn hạn chế.

Bộ cũng đang tích cực triển khai các giải pháp tìm kiếm các thị trường thay thế và hướng vào thị trường trong nước. Hiện tại, các ngành điện lực, ngân hàng, logistics... cũng đang vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

TheoLaodong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngôi nhà còn là 'lớp học' bồi dưỡng, trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Còn sức còn trao truyền dân ca ví, giặm

GD&TĐ - Dưới sự hướng dẫn của vợ chồng nghệ nhân, những năm gần đây câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ liên tục phát triển và giành nhiều giải thưởng.