Thông tin nói trên được đưa ra trong thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Ấn Độ. Cơ quan này đã ký hợp đồng với hai công ty trong nước để cung cấp 307 hệ thống pháo ATAGS, cũng như 327 xe kéo pháo dùng cấu hình 6×6.
Thỏa thuận trị giá khoảng 805 triệu đô la này được phân bổ cho Bharat Forge Limited và Tata Advanced Systems Limited, họ chia sẻ hợp đồng theo tỷ lệ 60/40. Trong đó Bharat sẽ cung cấp 184 khẩu pháo trị giá 483 triệu đô la, còn Tata Advanced Systems sẽ chịu trách nhiệm chế tạo thêm 123 hệ thống.
Thỏa thuận này có ý nghĩa quan trọng đối với ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ, sẽ cho phép tái vũ trang khoảng một chục trung đoàn pháo binh, qua đó thay thế phần lớn các hệ thống lạc hậu có cỡ nòng nhỏ hơn.
Có lẽ chúng ta đang nói đến những khẩu pháo M-46 cỡ 130 mm cũ của Liên Xô, hiện tại hàng trăm khẩu pháo như vậy vẫn đang được Quân đội Ấn Độ sử dụng.
Theo Bộ Quốc phòng, hơn 65% các thành phần của hệ thống sẽ được mua trong nước, bao gồm nòng pháo, bộ giảm giật đầu nòng, cơ cấu khóa nòng, hệ thống giảm giật, và cơ cấu xử lý đạn dược.
Các hệ thống pháo binh nói trên được Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ phát triển vào năm 2019 với sự hợp tác chặt chẽ cùng hai công ty tư nhân - Bharat Forge Limited và Tata Advanced Systems Limited.
Khẩu pháo tự hành 155 mm có chiều dài nòng gấp 55 lần đường kính (L/52) với trọng lượng khoảng 18 tấn - khối lượng khá nặng này là do sử dụng động cơ nhỏ và cơ cấu di chuyển, cho phép khẩu pháo tự cơ động quanh trận địa với tốc độ lên tới 12 km/h.
Ngoài ra pháo ATAGS còn được trang bị cơ cấu nạp đạn tiên tiến, mang lại tốc độ tác xạ nhanh và tầm bắn xa. Theo nhà phát triển, tầm bắn tối đa của đạn phân mảnh nổ mạnh là khoảng 45 km. Khi sử dụng đạn tăng tầm lắp tầng đẩy phụ, tầm bắn vượt quá 60 km.
Để nhắm mục tiêu chính xác hơn, lựu pháo này có hệ thống chỉ huy và điều khiển chiến đấu riêng biệt, bao gồm máy tính bảng chứa thông tin bản đồ, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cũng như khả năng gửi yêu cầu tới sở chỉ huy sư đoàn.