Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, lợi dụng sự thiếu thông tin và ham muốn lợi nhuận cao của nhiều người dân, các đối tượng Cường và Thương đã sử dụng rất nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi để huy động vốn trái phép.
Đầu tiên, Cường và Thương vẽ ra một Bản đồ quy hoạch giả chia lô chi tiết, gồm các ô đất được đánh theo thứ tự và diện tích cụ thể, với tên gọi dự án Khu đô thị Đại học Vân canh mở rộng, đã được đền bù GPMB, đang san lập mặt bằng, hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Sau đó, thông qua các Sàn giao dịch BĐS tìm kiếm khách hàng.
Tuy nhiên, để được quyền môi giới chào bán các lô đất, các sàn BĐS đã phải đặt cọc số tiền bằng số tiền chênh ngoài hợp đồng cho Cty TST (Giá chênh từ 2,5 triệu/m2 – 4,5 triệu/m2). Khi tìm được khách hàng, các sàn BĐS sẽ thu của họ tiền môi giới mỗi lô đất từ 20 - 80 triệu đồng, tùy vị trí mỗi lô và thu thêm tiền chênh ngoài hợp đồng nộp về cho Cty TST.
Số tiền chênh ngoài hợp đồng khách hàng phải nộp trước cho các Sàn BĐS như một khoản đặt cọc để được quyền mua đất và được các Sàn BĐS viết phiếu thu. Phiếu thu tiền chênh ngoài hợp đồng của khách hàng bị đại diện Cty TST thu ngay khi đến ký hợp đồng.
Để lách luật, khi đến Cty TST ký hợp đồng mua đất, khách hàng được ký Hợp đồng vay vốn đầu tư với nội dung cho Cty TST vay tiền để đầu tư vào dự án “ma” đã được vẽ ra, và một năm sau khách hàng sẽ được nhận lô đất tương ứng tại dự án ghi trong hợp đồng. Tại một số hợp đồng mà chúng tôi thu thập được, thậm chí còn không ghi rõ là đầu tư vào dự án nào mà chỉ ghi: “Bên A đồng ý vay vốn của bên B để đầu tư vào dự án xây dựng nhà ở tại Vân Canh”.
Hợp đồng giữa Công ty TST ký với người dân. |
Thỏa thuận phi lý
Điều đặc biệt, sau khi khách hàng ký hợp đồng, sẽ được đại diện CtyTST cho vào phong bì niêm phong kín và thỏa thuận với khách hàng một điều khoản mà mức độ phi lý phải nói là có một không hai. Đó là,một năm sau khách hàng mới được mở phong bì niêm phong ra.
“Người ta bán dự án và chúng tôi đến mua, nhưng sau một năm mới biết là dự án “ma”, trong khi mua dự án người ta bắt phải niêm phong trong phong bì dán kín. Sau một năm mỗi người sẽ được trả cho một lô đất liên kề, nhưng sau đó chẳng thấy đất đâu, đến đòi tiền thì Cty TST không trả. Năm 2017, trước mặt Cơ quan công an tôi mới giám mở, vì sợ mở ra họ không trả mình tiền” – bà Hoàng Châu Hương, một khách hàng mua dự án “ma” của Cty TST cho biết.
Khi được hỏi về số tiền đã bỏ ra để mua đất tại dự án “ma” của Cty TST, bà Hương cho hay: “Tôi mua dự án trực tiếp của bà Thương lúc đó là Phó Giám đốc Cty TST, nhưng lúc bị bắt thì bà ấy lại khai là Trưởng ban quản lý dự án. Số tiền tôi đưa cho bà Thương gồm tiền trong là 1,52 tỷ còn tiền chênh ngoài là 240 triệu, để lấy một lô đất 80m2”.
Ngay từ đầu, bản Hợp đồng vay tiền này đã là một dạng mua bán bất động sản trá hình khi dự án chưa đủ điều kiện thương mại theo quy định của pháp luật. Cả bên vay và bên cho vay hay nói chính xác là bên mua và bên bán đều ít nhiều mù mờ “hiểu” rằng đang lách luật để hợp thức một hành vi mua – bán bất động sản vốn chưa đủ điều kiện về pháp lý.
Việc mua bán theo kiểu “lách luật” ẩn chứa rất nhiều rủi ro, song đôi khi vì tâm lý “mua đất dự án phải mua từ loạt đầu mới có lãi, mua sớm sẽ được giá thấp” đã khiến không ít người nhắm mắt đưa chân để rồi tiền mất tật mang.
Hậu quả vụ án để lại cho những khách hàng nhẹ dạ bị sập bẫy mua hàng tại “dự án ma”của “công ty siêu lừa” này rất nặng nề, nhiều nạn nhân dành dụm cả đời mới có số tiền đem nộp cho Cty TST nay đã bị mất trắng hoặc nhiều nạn nhân từ những tỉnh xa xôi như Sơn La, Lào Cai, Hà Tĩnh… với mong muốn đầu tư mua đất tại Thủ đô nay lâm vào cảnh trắng tay.
Được biết, Toà án cấp cao TP Hà Nội đã quyết định sẽ xét xử phúc thẩm vụ án nói trên vào ngày 10/9/2019. Hy vọng những người bị hại trong vụ án này sẽ được đền bù theo đúng pháp luật.