Bí ẩn về những chiếc áo lót
Ngày 4/2, ông Nguyễn Bá Canh - Trưởng Công an xã Long Châu (Yên Phong, Bắc Ninh) cho biết, vào khoảng 15 giờ ngày 2/2, trên địa bàn thôn Mẫn Xá (xã Long Châu) đã xảy ra vụ việc hàng trăm người dân địa phương vây đánh một lạ mặt khi thấy có hành động khác thường.
Người thanh niên sau đó nhanh chóng được công an xác định là Trương Văn Ánh (SN 1995, trú tại thôn Ô Canh, xã Đông Tiến, Yên Phong). Vào thời điểm xảy ra sự việc, anh Trương Văn Ánh điều khiển xe máy Dream mang biển kiểm soát 99L2-0462.
Trước sự vây bắt của nhiều người dân, công an xã đã vào cuộc để xác định danh tính bé gái liên quan đến vụ việc này là Nguyễn Thị Kiều N. (12 tuổi) cùng trú tại thôn Mẫn Xá (xã Long Châu).
Theo lời kể của cháu Nguyễn Thị Kiều N., vào khoảng 15 giờ ngày 2/2, cháu N. đi mua mì tôm về đến cổng thì gặp Trương Văn Ánh đỗ xe ở dưới đường và nhìn cháu N. không rời mắt. Tiếp đến, Ánh mang một chiếc giơ ra trước mặt cháu bé, khiến N. sợ hãi và chạy nhanh vào nhà để gọi bố đẻ là ông Nguyễn Văn P.
Khi nghe con gái kể lại, ông P. chạy ra và tri hô mọi người cùng vây bắt thanh niên có biểu hiện bất thường đó. “Đến khi bắt được nam thanh niên đó, người dân có đánh và lục trong người thì thấy có 3 chiếc áo con của phụ nữ. Vì trước đó thấy có nhiều vụ bắt cóc trẻ con rồi nên tôi cũng dặn con mình là “nếu có gì con phải hô lên để mọi người còn biết” - Ông P. kể.
Theo người dân địa phương, nghe tiếng tri hô của ông P., mọi người chạy đến bắt giữ nam thanh niên đó. Hơn nữa, người dân cũng thông tin rằng trước đó ở địa phương đã xảy ra trường hợp bắt cóc trẻ em, nhưng may mắn đứa trẻ đó đã chạy thoát được. Vì thế, hàng trăm người dân đã vây bắt thanh niên này.
Trưởng Công an xã Long Châu cho biết, khi xảy ra sự việc, công an xã đã cử người xuống đưa đối tượng đó về xã lấy lời khai và đồng thời lấy lời khai của cháu bé, có người bố làm chứng.
Huyện cũng đã cử cán bộ phối hợp cùng ban công an xã lấy lời khai đối tượng. Sau khi lấy lời khai của Trương Văn Ánh và cháu N., công an địa phương xác định chưa có biểu hiện gì về hành vi bắt cóc trẻ em, chưa đủ để cấu thành tội phạm.
“Nhìn vào người Ánh cũng như những tang vật thì chúng tôi nghi rằng, Ánh có biểu hiện không bình thường, có thể bị thần kinh. Hiện Ánh đã giải quyết thủ tục để Ánh về với gia đình” – Trưởng công an xã Châu Long cho hay.
Bệnh rối loạn hành vi ưa chuộng đồ vật
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn.
Trả lời về hành động lạ lùng của Ánh, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn (Viện Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, về tâm thần, đây được gọi là chứng rối loạn dục ưa chuộng đồ vật, một dạng lệch lạc tình dục.
Những người mắc chứng này thường sử dụng đồ vật vô tri như một sự kích thích hưng phấn, tạo cho họ cảm giác hưng phấn tình dục. Những đồ vật thường được ưa thích là quần áo hoặc đồ lót của phụ nữ, đôi khi là đồ da, cao su hoặc một bộ phận cơ thể của người khác.
Sự quan tâm của họ chỉ tập trung vào đồ vật, mà không phải là người mặc vật ấy. Về trường hợp của Ánh, gia đình nên đưa Ánh tới bệnh viện để kiểm tra và kịp thời chữa trị, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra sau này.
Bác sĩ Tuấn cũng rằng, ông cũng đã gặp rất nhiều trường hợp tương tự như Ánh. Đó là cậu bé Giáp Văn Công (9 tuổi) ở thôn Trại (xã Cao Xá, Tân Yên, Bắc Giang).
Cậu bé này cũng có “đam mê” với những đồ lót của phụ nữ, đặc biệt là những chiếc quần nhỏ, càng mới, càng màu mè càng trở nên bắt mắt với cậu bé.
Không chỉ lén lút lấy mà cậu bé còn dấm dúi tìm chỗ “thử đồ”, hoặc quái đản hơn, Công còn mang đồ đi cất giấu, vứt ở những nơi kín đáo và bẩn thỉu. Theo lời bà Giáp Thị Quý, mẹ Công, thì 3 năm trở lại đây, các biểu hiện lạ lùng của Công ngày càng rõ nét.
Lên 7 tuổi, Công bắt đầu có những biểu hiện và hành động rất kỳ quặc, mặt mày lúc nào cũng ngẩn ngơ, ít nói ít cười và hay thẩn thơ chơi đùa một mình.
Nhiều khi thấy Công cứ lấm lét và dấm dúi một mình làm gì đó. Sau nhiều lần để ý và tận mắt bắt gặp thì mẹ Công mới biết thì ra Công thích những đồ nhỏ của phụ nữ.
Nhiều lần những chiếc quần nhỏ của bà Quý và hai chị gái của Công đều bị “mất tích” một cách bí ẩn. Những chiếc quần nhỏ không hiểu vì sao dù cất trong nhà, hay đang phơi trên dây đều “không cánh mà bay”, điều đó khiến cho mẹ con bà đều lấy làm kỳ lạ.
Lúc đầu bà nghi ngờ có kẻ biến thái lấy trộm đồ. Mối nghi ngờ và sự khó hiểu đó mãi rồi cũng có lời giải đáp khi mẹ con bà Quý phát hiện ra thủ phạm chính là Công.
Lần đầu tiên bà còn tưởng Công mang đồ đi cất, nên không để ý. Ngoài những chiếc quần nhỏ giặt sạch sẽ, phơi khô trên dây mới bị "mất tích" mà ngay cả những chiếc quần nhỏ bẩn, chưa kịp giặt cũng vậy. Những lần sau, bà còn bắt gặp con trai đang ngửi mùi từ những chiếc quần nhỏ bẩn để trong nhà tắm thì bắt đầu thấy phát hoảng.
Để thỏa mãn sở thích quái đản của mình, Công không chỉ trộm quần nhỏ ở nhà của mẹ và chị gái mà còn sang nhà người quen, hàng xóm chơi, nếu thấy quần nhỏ trên những chiếc dây phơi thì lén lút mang về. Đặc biệt, hễ chiếc nào mới mua, lòe loẹt là sẽ không còn.
Tuấn cũng từng chữa trị cho một cụ ông cũng mắc chứng bệnh này. Chính anh con trai là người phát hiện ra bố mình chuyên trộm đồ chị em và gặp bác sĩ tâm lý.
Người con trai thấy bố có cái tủ lúc nào cũng khóa chặt, giữ khư khư như của quý, ai mon men đến gần là ông nổi đóa lên. Sau khi nằm tại viện chữa trị, tinh thần của ông cũng dần ổn định.
Bác sĩ Tuấn cho biết, bệnh loạn dục ưa chuộng đồ vật vừa có nguyên nhân do bẩm sinh, vừa do ảnh hưởng của một trường sống, giáo dục.
Đó có thể do rồi loạn quá trình phát triển tâm lý thời thơ ấu, trẻ từng bị lạm dụng tình dục hoặc trẻ bắt chước hành vi lệch lạc này từ người lớn, phim ảnh hay bất thường về hoóc môn, nhiễm sắc thể…
Theo bác sĩ, người bị rối loạn ưa chuộng tình dục là người có quá trình phát triển giới tính bị thiếu sót. Khi có dấu hiệu ưa chuộng giới tính sai lệch, đứa trẻ bị cản trở khả năng hòa nhập xã hội.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, 74% số rối loạn ưa chuộng tình dục có rối loạn hoóc môn, 27% có dấu hiệu tổn thương . Bác sĩ khuyến cáo, những người bị rối loạn tình dục dễ dẫn đến phạm pháp.
Do đó, để chẩn đoán chính xác các chứng bệnh này, không chỉ dựa vào tình trạng hiện tại mà còn xem cả trong quá trình bệnh, các tưởng tượng, các thôi thúc và các hành vi đã thực hiện.
Việc điều trị bệnh chủ yếu là liệu pháp tâm lý nhằm thay đổi nhận thức, hành vi và kết hợp với thuốc khi cần thiết. Điều quan trọng là giúp họ lấy lại sự tự tin, cải thiện kỹ năng giao tiếp và dùng các liệu pháp hành vi để người bệnh không có những hành vi lệch lạc tình dục.
Tuy nhiên bác sĩ cũng cho biết bệnh khó chữa khỏi hoàn toàn. Sự giúp đỡ của bác sĩ, chuyên gia tâm lý chỉ giúp người bệnh kiểm soát hành vi của mình, để những hành vi không đi quá mức, không có những hành động gây nguy hại cho bản thân, không vi phạm và không gây phẫn nộ cho những người xung quanh.