Hàng trăm nghìn cử nhân Hàn Quốc thất nghiệp

GD&TĐ - Khoảng 666.000 thanh niên thất nghiệp tại Hàn Quốc có bằng cử nhân, trong đó nhiều người không nỗ lực tìm việc làm.

Nhiều thanh niên Hàn Quốc thiếu kỹ năng mềm nên không tìm được việc làm phù hợp.
Nhiều thanh niên Hàn Quốc thiếu kỹ năng mềm nên không tìm được việc làm phù hợp.

Khoảng 666.000 thanh niên thất nghiệp tại Hàn Quốc có bằng cử nhân, trong đó nhiều người không nỗ lực tìm việc làm. Chính phủ cần có những biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp trong thời gian tới.

Hồi tháng 8, cơ quan thống kê Statistic Korea công bố dữ liệu cho thấy tính đến tháng 5/2023, 1,26 triệu trong số 4,5 triệu người ở độ tuổi 15 đến 29 không có việc làm. Khoảng 53% trong số này, chiếm 666.000 người, đã tốt nghiệp đại học. 1% có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ, tương đương 12.000 người. 46,2% còn lại là những người đạt trình độ trung học phổ thông trở xuống.

Trong số những người thất nghiệp, 40,9% đang chuẩn bị cho các bài kiểm tra nghề, kỳ thi công chức hoặc ứng tuyển trong các doanh nghiệp. 25,4% còn lại không nỗ lực tìm việc.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng Covid-19 được cho là nguyên nhân hàng đầu. Trong đại dịch, đối tượng mất việc làm nhiều nhất là nhóm thanh niên 18 - 24 tuổi. Sinh viên đại học có ít cơ hội việc làm hơn khi tốt nghiệp trong những năm đại dịch bùng phát. Vì vậy, khi đại dịch qua đi, họ vẫn đang bối rối không biết làm thế nào để phát triển công việc của mình.

Ngay trước đại dịch, giới trẻ Hàn Quốc đã không chắc chắn về tương lai do họ cảm nhận được áp lực cạnh tranh khủng khiếp trong thị trường lao động vốn coi trọng bằng cấp. Đại dịch Covid-19 tiếp tục khuếch đại nỗi sợ đó, hơn nữa còn gây ra các vấn đề sức khoẻ tâm thần khác như lo âu, trầm cảm.

Lý do khác xuất phát từ văn hóa coi trọng bằng cấp của Hàn Quốc. Người dân nước này tin rằng học một trường danh tiếng là con đường duy nhất để kiếm được việc làm ổn định, lương cao và thành công. Các công ty cũng thường dựa vào bằng cấp để đánh giá năng lực của ứng viên. Do đó, không chỉ sở hữu bằng đại học, người trẻ Hàn Quốc phải cố gắng xây dựng bảng điểm, thành tích ngoại khóa tốt.

Do quá tập trung vào điểm số hoặc trường tốt, người trẻ cũng quên mất thế mạnh cá nhân và ngành nghề thực sự phù hợp và yêu thích. Điều đó dẫn đến sau khi tốt nghiệp, họ không biết phải làm công việc gì hoặc chán nản trước công việc mình sẽ phải gắn bó. Thiếu các kỹ năng mềm như giao tiếp, thích nghi với hoàn cảnh, làm việc nhóm... cũng khiến các ứng viên trẻ tuổi “mất điểm” trong mắt doanh nghiệp.

Kết quả là 25,4% người thất nghiệp không còn nỗ lực tìm việc mà chọn ở nhà. Hồi tháng 4, Chính phủ Hàn Quốc thông báo những thanh niên không có việc làm sẽ nhận được 650.000 won tiền trợ cấp sinh hoạt hàng tháng. Biện pháp trên nhằm khuyến khích họ rời khỏi nhà để đi học hoặc đi làm.

GS Shin Yul, chuyên gia Khoa học Chính trị, Đại học Myongji, Seoul, cho biết: “Chính sách trên về cơ bản là một biện pháp phúc lợi nhằm tăng dân số trong độ tuổi lao động. Nhưng nó không thể coi là biện pháp lâu dài để khắc phục tình trạng giảm dân số, nhất là ở trong độ tuổi lao động”.

Nhiều chuyên gia đề xuất Chính phủ Hàn Quốc cần tung ra nhiều chương trình hỗ trợ dành cho thanh thiếu niên nhằm đào tạo và đào tạo lại kỹ năng trong các lĩnh vực đang phát triển như thương mại điện tử, công nghệ phần mềm, quản lý sản phẩm...

Ngoài ra, chính phủ cần xây dựng mạng lưới an sinh xã hội cho tất cả mọi người, bao gồm thanh niên. Những người mất việc làm cần được trợ cấp phù hợp.

Hàn Quốc đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số trong bối cảnh tỷ lệ sinh rơi xuống mức thấp nhất thế giới trong năm 2022. Nhiều lý do khiến phụ nữ Hàn Quốc không muốn sinh con như chi phí nuôi dạy cao, kinh tế suy thoái, triển vọng việc làm hạn chế...

Theo TG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.