Hàng trăm hộ dân ở Thanh Hóa bì bõm trong nước lũ

GD&TĐ - Gần 1 tuần nay, 100 hộ dân khu phố Ngọc Bồ (thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, Thanh Hoá) bị cô lập do lũ.

Gần 1 tuần qua, người dân khu phố Ngọc Bồ sống chung với nước lũ.
Gần 1 tuần qua, người dân khu phố Ngọc Bồ sống chung với nước lũ.

Lũ lên nhanh, dân trở tay không kịp

Dù được cho là sống ở vùng “rốn lũ” vì mỗi năm ít nhất người dân Ngọc Bồ (thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, Thanh Hoá) cũng phải trải qua vài lần bị ngập lụt. Thế nhưng, năm nay, lũ về nhanh quá, khiến nhiều gia đình không kịp trở tay.

Ông Phạm Văn Thanh (thôn Ngọc Bồ) không khỏi lo lắng vì cả chục năm nay lại mới thấy cơn lũ lên nhanh và lớn đến như vậy.

“Người dân Ngọc Bồ đã quen với lũ, mỗi nhà cũng cứ chuẩn bị sẵn cho gia đình một cái thuyền tôn. Mỗi lần nước lên đến đâu là chạy trâu, chạy bò, đóng bè đóng mảng tự chạy đến đó.

Thế nhưng, năm nay lũ về nhanh quá, vẫn chưa chuẩn bị được gì. Thực phẩm sẵn có của gia đình cũng chỉ đáp ứng được khoảng 1 tuần. Cứ cô lập thế này thì điều chúng tôi lo lắng nhất là thực phẩm và nước sạch không có”, ông Thanh chia sẻ.

ade55ba1b60911574818.jpg
Mọi sinh hoạt đều trên chiếc thuyền tôn.

Lũ lên, người đàn ông này chỉ kịp đưa vài bộ quần áo, chăn màn lên gác xép để tránh ngập lụt. Trâu bò dù đã cho ra vị trí cao nhất nhưng vẫn bì bõm trong nước. Mấy đêm nay, vợ chồng ông Thanh không ngủ, thay nhau thức để canh nước.

“Lũ lên nhanh và bất ngờ quá, nhiều người dân không kịp mua thực phẩm. Gia đình tôi cũng chỉ còn mấy cân gạo, vài thứ gia vị mắm muối”, chị Ngô Thị Linh thở dài.

Người phụ nữ này cho biết, cả gia đình trông chờ vào mấy sào lúa vậy mà nước ngập hết, sau lũ không biết sẽ phải mưu sinh thế nào.

Đã bước sang ngày thứ 5, nước lũ vẫn chưa có dấu hiệu rút ở Ngọc Bồ. Trong khu dân cư, nước ào ào đổ ra đường rồi hòa với nước sông Bưởi đang cuồn cuộn chảy xiết.

Cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây những ngày qua bì bõm trong nước lũ. Nhiều gia đình phải dùng thuyền vì nước dâng quá ngực người lớn. Gia đình không có thuyền thì cố thủ một chỗ, chờ vào sự tiếp tế của lực lượng chức năng.

f64bbc420ddaaa84f3cb.jpg
Cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Một số hộ dân sử dụng bè nổi kết bằng ván gỗ và can nhựa, cột chặt giữa sân để tập kết tài sản. Tối đầu tiên khi nước lũ lên nhanh, nhiều hộ dân đã không kịp trở tay nên đồ đạc, vật dụng trong nhà bị ngâm nước và cuốn ra đường. Nước kéo theo rác đục ngàu, nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao trong và sau lụt.

Huy động tối đa lực lượng giúp dân

Thượng tá Trịnh Đức Linh, Chỉ huy Trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thạch Thành cho biết, Thạch Thành là huyện nằm trong vùng trọng điểm của tỉnh về bão, hiện mức sông Bưởi đang ở mức trên báo động 2.

"Đối với lực lượng vũ trang, chúng tôi đã tham mưu cho Cấp uỷ, chính quyền triển khai các phương án theo đúng kế hoạch đã chuẩn bị trước.

Hiện nay, đã huy động 500 dân quân tại chỗ, dân quân cơ động, để giúp bà con di dời tài sản, đưa người già, trẻ em ra khỏi vùng ngập lụt và canh gác ngăn không cho người, phương tiện khi mất an toàn; sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khác khi có tình huống khẩn cấp", Thượng tá Linh nói.

c97f722f9f8738d96196.jpg
Vật dụng trong gia đình phải kê tạm bợ chống ngập nước.

Theo Thượng tá Linh, với lực lượng quân sự, hiện đang cử cán bộ đến địa bàn trọng điểm nắm bắt tình hình và sẽ kịp thời báo cáo với huyện để xử lý tình huống”.

"Tâm lý người dân khi ngập nước vẫn không muốn sơ tán mà muốn ở lại giữ tài sản. Tuy nhiên, quan điểm của Ban Chỉ huy huyện là sẽ cố gắng động viên đưa người dân đến nơi an toàn, tính mạng người dân là trên hết, lực lượng chức năng sẽ có nhiệm vụ giữ gìn tài sản cho bà con", Thượng tá Linh cho hay.

Ông Vũ Văn Đạt, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành cho biết, hiện Cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo địa phương cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết, nước sạch để đảm bảo đời sống cho bà con trong những ngày bị chia cắt.

02fa28e10848af16f659.jpg
Lực lượng chức năng tiếp tế nhu yếu phẩm đến bà con.

Cũng theo ông Đạt, huyện đã lên phương án khi nước rút, sẽ cắt cử lực lượng giúp dân dọn dẹp nhà cửa, xử lý vệ sinh môi trường, đảm bảo cho người dân ổn định cuộc sống sau lũ.

“Hiện nay, UBND các xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra các khu vực xung yếu, trọng điểm để có phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Tiếp tục rà soát các hộ khu vực trũng thấp bị ngập lụt, hộ nguy cơ sạt lở đất để có phương án huy động lực lượng tổ chức di chuyển đến nơi an toàn", ông Đạt cho hay.

5a4296f9a350040e5d41.jpg
Lực lượng chức năng hỏi thăm, động viên bà con vượt qua khó khăn trong những ngày bão lũ.

Cũng theo ông Đạt, huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan rà soát, kiểm tra, khẩn trương xử lý khắc phục ảnh hưởng do bão số 3 gây ra; khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đã chín bị đổ gãy, diện tích chưa thu hoạch được thì tổ chức bó dựng, đảm bảo không ảnh hưởng đến năng suất.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Thạch Thành, mực nước sông Bưởi đo được tại trạm thủy văn Kim Tân lúc 16h ngày 12/9 là 11,4 m (trên báo động II 45cm). Nước sông Bưởi đang tiếp tục lên trở lại. Hiện tổng số hộ dân bị ngập trên địa bàn toàn huyện là 262 hộ; 67 hộ bị ngập lụt sâu đã được sơ tán đến nơi an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.