Hàng Thái âm thầm “lấn sân”

GD&TĐ -  Hiện hàng Thái đang dần “đánh bại” hàng Việt Nam cũng như hàng Trung Quốc và nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần bán lẻ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn nữa khi thời điểm thuế nhập khẩu được dỡ bỏ theo Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN đã cận kề, khi đó chắc chắn hàng hoá Thái Lan sẽ xâm nhập mạnh mẽ hơn nữa vào thị trường Việt Nam.. Hiện hàng Thái đang dần “đánh bại” hàng Việt Nam cũng như hàng Trung Quốc và nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần bán lẻ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn nữa khi thời điểm thuế nhập khẩu được dỡ bỏ theo Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN đã cận kề, khi đó chắc chắn hàng hoá Thái Lan sẽ xâm nhập mạnh mẽ hơn nữa vào thị trường Việt Nam...

Hàng Thái âm thầm “lấn sân”

Nhập siêu từ Thái Lan tăng mạnh

Từ lâu hàng Thái đã len lỏi vào Việt Nam qua nhiều đường như nhập khẩu chính ngạch, qua kênh siêu thị, hội chợ. Không khó để bắt gặp từ những sản phẩm đồ dùng gia đình như xà phòng, sữa tắm, kem đánh răng, bánh kẹo... cho đến những mặt hàng gia dụng như tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hoà... có xuất xứ từ Thái Lan ở các siêu thị, cửa hàng chuyên bán hàng Thái Lan.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, những mặt hàng trên là một trong những nguyên nhân khiến nhập siêu của Việt Nam từ Thái Lan năm sau cao hơn năm trước. Hiện 4 nhóm mặt hàng gồm: điện tử, điện gia dụng, điện lạnh; máy móc, vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện; ô tô và phụ tùng ô tô; rau quả đã chiếm tới 45% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan.

Có thể thấy, nhập siêu của Việt Nam từ Thái Lan trong nhiều năm qua vẫn không ngừng tăng và được dự báo là sẽ tiếp tục khi có nhiều yếu tố tác động như giảm thuế, nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu của Việt Nam vẫn tăng, kênh phân phối của Thái Lan đã có vị trí khá vững chắc ở Việt Nam...

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt khoảng 9,64 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan đạt khoảng 3,07 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan đạt 6,57 tỷ USD. Báo cáo cũng chỉ ra nhiều mặt hàng trong nước đã sản xuất được tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu từ Thái Lan như các mặt hàng điện, điện tử gia dụng và linh kiện, rau quả, máy vi tính, sản phẩm nhựa, sắt thép, các sản phẩm gia dụng như chất tẩy rửa, mỹ phẩm, đồ dùng nhà bếp, sản phẩm nội thất...

Lo cho hàng Việt

Có thể nói, việc hàng Thái đang dần len lỏi vào từng ngõ ngách của người dân Việt Nam là một mối lo thực sự. Bởi hiện nay hầu như gia đình người Việt nào cũng đều sử dụng một cho đến nhiều món hàng của Thái Lan. Không chỉ dừng ở tâm lý chuộng hàng Thái của người Việt do chất lượng, mẫu mã mà vấn đề đã nâng lên ở một cấp khác đáng phải bàn đó là năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam trên chính sân nhà.

Tất nhiên, để đánh bại hàng Thái, còn phải một quá trình từ nhận thức đến hành động chính sách rồi năng lực của các nhà sản xuất. Chừng nào chất lượng hàng Việt tốt, các nhà sản xuất hàng Việt chú tâm là chất lượng, liên kết để giảm giá thành và xây dựng thương hiệu thì chúng ta sẽ thành công. Hiện, nhiều doanh nghiệp đã ý thức được vị trí, tầm quan trọng của thị trường nội địa và từ đó có chiến lược bài bản về phân phối, tiếp thị, quảng cáo, nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm. Chính bởi nguyên do này, không ít doanh nghiệp nội đang không ngừng đổi mới công nghệ, kỹ thuật để cho ra đời nhiều sản phẩm có chất lượng và hàm lượng sáng tạo cao.

Hiện Việt Nam cũng có một số doanh nghiệp phân phối đủ tầm cỡ cạnh tranh với các đối thủ của Thái như: Vingroup, Saigon Co.opmart hay Thegioididong… Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, người Thái cao tay hơn chúng ta, bởi họ mua đứt các hệ thống siêu thị lớn, có tên tuổi và có địa thế cực kỳ tốt, do đó sắp tới, bán lẻ hàng tiêu dùng sẽ là cuộc cạnh tranh quyết liệt, sống còn giữa các nhà phân phối của Việt Nam và Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Các chuyên gia cho rằng, việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam không chỉ giúp hàng Việt Nam giữ vị trí ở thị trường nội địa mà còn có thể cạnh tranh ở những thị trường xuất khẩu. Chính vì thế, dù muộn thì việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt để xoá đi tâm lý “sính” hàng Thái là việc không thể không làm. Bởi nếu chậm chân thì việc giảm thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN với mốc thời gian năm 2018, 98% dòng thuế nhập khẩu được xoá bỏ sẽ càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.

Không phải đợi đến khi Central Group mua Big C thì nỗi lo hàng Thái tràn vào Việt Nam mới thật sự rõ ràng. Hàng Thái đã âm thầm vào chợ truyền thống Việt Nam cách đây hàng chục năm trước và ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn từ mỹ phẩm, nhựa gia dụng đến quần áo, túi xách... với giá chỉ cao hơn các sản phẩm Việt cùng loại 10 - 20%, nhưng rẻ hơn so với hàng hóa xuất xứ từ châu Âu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ