Không để biến động lớn về giá
Theo dự báo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), giá hàng hoá phục vụ Tết được dự báo sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân, nhưng sẽ không có nhiều biến động lớn. Những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng của người dân hàng ngày giá có thể tăng từ 15 - 20%.
Các mặt hàng rau xanh và thịt lợn đang ở mức rất thấp, tuy nhiên đến thời điểm cận Tết có thể giá sẽ tăng, nhưng ở mức tăng nhẹ, không biến động quá nhiều. Chẳng hạn như giá lợn hơi đang ở mức 30.000 - 33.000 đồng/kg thì đến gần Tết có thể tăng lên 35.000 - 37.000 đồng/kg.
Ngoài ra, các loại quả, trái cây và hoa cũng sẽ tăng giá trong dịp Tết này. Tuy nhiên, vì thị trường hiện nay có nhiều nguồn hàng từ miền Nam, hàng nhập khẩu nên người dân sẽ có nhiều lựa chọn. Bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát cũng được dự báo sẽ tăng nhưng ở mức không quá cao.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để tránh tình trạng “Tết là tăng giá”, ngay từ cuối năm 2017, Bộ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-BCT về công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, bình ổn thị trường gửi các địa phương.
Theo đó, ngoài theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm đủ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành địa phương trong công tác điều hành giá các hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước quản lý để bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018.
Hiện đã có khoảng 45/63 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hoá, trong đó 17 địa phương đang thực hiện chương trình bình ổn các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, đường, bánh kẹo…
Các địa phương, doanh nghiệp cũng đang tập trung sản xuất, tạo nguồn dự trữ hàng hoá, đặc biệt các mặt hàng thiết yếu gắn với công tác bình ổn thị trường Tết và cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Cùng đó, các doanh nghiệp đã chủ động mở rộng hệ thống, mạng lưới phân phối hàng hoá đến các huyện vùng sâu, vùng xa; lên kế hoạch thực hiện đưa hàng Việt về nông thôn, mở các đợt, chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng, các hội chợ thương mại...
Chú trọng đảm bảo ATVSTP
Tuy không quá lo ngại thiếu hàng, sốt giá, nhưng bảo đảm ATVSTP trong dịp Tết luôn là vấn đề làm đau đầu các cơ quan quản lý và người tiêu dùng (NTD). Ngày 10/1 vừa qua, kiểm tra đột xuất kho hàng thực phẩm tại khu biệt thự Nam Thắng (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), Lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Hà Nội đã phát hiện hơn 200 kg nầm lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có chứng nhận về ATVSTP, đang chuẩn bị đem đi tiêu thụ.
Trước đó, ngày 6/1, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và thu giữ 10 tấn bánh kẹo, nguyên liệu đã chảy nước, bốc mùi hôi, chua và gần 60 thùng bánh các loại cùng vỏ hộp đang được đóng gói, dập mới thời hạn sử dụng tại hộ kinh doanh Hoàng Hải ở xã Tân Lập (huyện Đan Phượng, Hà Nội). Cùng ngày, Chi cục QLTT Hà Nội cũng đã tạm giữ hơn 1,3 tấn lòng lợn sấy khô có dấu hiệu bốc mùi hôi thối tại bãi tập kết hàng hoá dưới gầm cầu Thanh Trì...
Hiện tại chợ Đồng Xuân và các tuyến phố bán buôn bánh, mứt, kẹo ở quận Hoàn Kiếm, có không ít mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các loại bánh kẹo, hạt hướng dương, hạt bí, ô mai... được đựng trong các bao ni lông to, không có nhãn mác, thông tin sản phẩm, được bán theo cân với giá khá rẻ, được nhiều hộ kinh doanh mua buôn về bán lẻ hoặc dùng để trà trộn với hàng có chất lượng. Vì vậy, theo khuyến cáo của Chi cục QLTT Hà Nội, cận Tết luôn là thời điểm thị trường hàng hoá có nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy NTD cần thận trọng trước những mặt hàng không rõ nguồn gốc, nên chọn hàng hoá có nhãn mác, bao bì, xuất xứ rõ ràng. Lực lượng QLTT sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng các mặt hàng nhu cầu cao trong dịp Tết, xử lý nghiêm những hành vi gian lận để lành mạnh hoá thị trường, giúp người dân yên tâm mua sắm Tết.