Kênh truyền hình NBC của Mỹ đưa tin, sau khi Moscow triển khai Chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở Ukraine, các biện pháp trừng phạt quy mô lớn đã được phương Tây đưa ra nhằm vào Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự, với trọng tâm là các cơ cấu nghiên cứu, chế tạo và các nhà máy sản xuất vũ khí của Nga.
NBC trích dẫn một báo cáo gần đây của Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho biết rằng, hàng chục nghìn lệnh trừng phạt lớn nhỏ của phương Tây đã không thể làm suy yếu khả năng phát triển và sản xuất vũ khí của Liên bang Nga.
Các tài liệu nói rằng, Hoa Kỳ, EU và một số quốc gia khác trong thế giới phương Tây đã áp dụng nhiều hạn chế trong nhiều năm để ngăn chặn Moscow tiếp cận các thành phần quan trọng cần thiết cho vũ khí công nghệ cao, đưa ra lệnh cấm bán vi mạch và các sản phẩm khác sang Liên bang Nga.
Mặc dù vậy, người Nga không những có thể chịu được áp lực mà thậm chí còn tăng cường đáng kể việc sản xuất nhiều loại vũ khí và đạn dược được sử dụng tích cực trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Ví dụ, Liên bang Nga hiện đang sản xuất một số lượng lớn tên lửa, đạn pháo và máy bay không người lái, đến mức độ vượt trội so với những năm trước khi Nga triển khai Chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở Ukraine.
Ví dụ như vào năm 2021, chỉ có 56 tên lửa hành trình tầm xa Kh-101 được sản xuất mỗi năm nhưng đến năm 2023, Nga đã sản xuất được số lượng lên tới khoảng 460 quả, tức là việc sản xuất loại tên lửa được sử dụng thường xuyên để tấn công sâu vào lãnh thổ Ukraine này đã tăng gấp 7,5 lần so với trước cuộc chiến.
Ngoài ra, kho tên lửa đạn đạo 9M723 dành cho hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander đã tăng hơn 3 lần, từ 50 lên 180, bất chấp thực tế là loại tên lửa đất đối đất tầm ngắn này được sử dụng rất tích cực trong các cuộc tấn công vào các mục tiêu trọng yếu của Ukraine.
Ngoài ra, mặc dù không có con số công khai nhưng chắc chắn là Nga cũng sở hữu số lượng hàng trăm quả mỗi loại các tên lửa tầm xa và siêu thanh như Kinzhal, Zircon, Kh-555.
Như vậy là chỉ tính riêng số lượng các loại tên lửa tầm xa, sức công phá lớn, có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Ukraine, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến hệ thống năng lượng, trung tâm đầu não chỉ huy, căn cứ quân sự, trại huấn luyện, sân bay, cầu đường… Nga đã sở hữu lên đến cả ngàn quả.
Việc sản xuất đạn pháo 152 mm tăng 5,3 lần, rocket 122 mm cho các Hệ thống Pháo Phản lực phóng loạt (MLRS) BM-21 Grad tăng 15,2 lần và hệ thống MLRS BM-27 Uragan tăng 6,1 lần; việc lắp ráp máy bay không người lái (UAV) tấn công Geran-2 (Iranian Shahed-136) đã tăng 6,3 lần.
Bất chấp thực tế là phương Tây đã nỗ lực rất nhiều để ngăn chặn khả năng tiếp cận của Nga với các thiết bị vi điện tử, Moscow vẫn có đủ số lượng ăng-ten của Ireland được sử dụng trong bom lượn có điều khiển.
Báo cáo làm rõ rằng, việc Moscow mở rộng sản xuất vũ khí thể hiện rõ sự kém hiệu quả của các hạn chế do phương Tây áp đặt.
Bất chấp những nỗ lực của các chính phủ phương Tây, nền công nghiệp quốc phòng của Nga vẫn không bị suy yếu, thậm chí còn mạnh hơn trước cuộc xung đột với Ukraine.
Các tác giả của báo cáo nói thêm rằng, mặc dù như vậy, phương Tây vẫn có thể cắt nguồn cung hoặc tăng giá cắt cổ các thiết bị vi điện tử, máy công cụ và nguyên liệu thô cần thiết cho việc sản xuất vũ khí ở Liên bang Nga.
Các quốc gia quan tâm đến vấn đề này cần tổ chức trao đổi thông tin nhanh chóng, bao gồm thông tin mật, cũng như dữ liệu tình báo để đảm bảo đưa ra kịp thời các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hoặc thực hiện các hành động cần thiết khác.
Tài liệu khuyến cáo giới lãnh đạo phương Tây nên thành lập một trung tâm tổng hợp tình báo có thể tạo ra “bức tranh mục tiêu chung được xác nhận” về tổ hợp công nghiệp-quân sự Nga.