4 tháng trước, giới khoa học Israel đã phải cúi đầu ngậm ngùi khi chứng kiến tàu vũ trụ Beresheet của họ không thể hạ cánh an toàn xuống Mặt trăng.
Con tàu va chạm xuống bề mặt vệ tinh rồi vỡ nát, qua đó khiến họ không thể trở thành quốc gia thứ 4 gửi được tàu lên Mặt trăng sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Vấn đề nằm ở chỗ trên tàu Beresheet có một khoang chứa hàng ngàn con gấu nước (tardigrade) - một loài vi sinh vật. Và vì gấu nước là loài có sức sống cực kỳ mãnh liệt, nên các chuyên gia tin rằng những "phi hành gia" tí hon này vẫn đang còn sống trên Mặt trăng.
Điều này không hề là nói quá, bởi gấu nước là sinh vật duy nhất trên Trái đất tiệm cận đến khái niệm "bất tử". Chúng có thể sống một khoảng thời gian dài mà không cần nước, cũng chẳng cần oxy nhờ vào việc chuyển đổi thành dạng cryptobiosis.
Trong trạng thái này, cơ thể chúng sẽ mất hoàn toàn nước, quá trình trao đổi chất ngưng hoàn toàn, nhưng vẫn sống. Chỉ cần được cấp nước, chúng sẽ nhanh chóng tỉnh lại chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ.
"Ở trạng thái khô, gấu nước có thể sống sót ở áp suất gấp 74.000 lần so với điều kiện bình thường, vậy nên vụ va chạm cũng không gây ảnh hưởng gì với chúng," - Roberto Guidetti, chuyên gia sinh vật học cho biết.
"Chúng có thể tồn tại như thế trong hàng thập kỷ, thậm chí là thế kỷ."
Vụ va chạm đáng tiếc
Được biết, những con bọ gấu nước này đã được đưa vào trạng thái cryptobiosis từ trước khi đặt vào tàu Beresheet, do quỹ phi lợi nhuận Arch Mission Foundation thực hiện. Mục đích của chuyến đi là tạo ra một nơi lưu trữ dữ liệu dự phòng của Trái đất.
Để làm được điều đó, công ty đã đặt một thiết bị giống đĩa DVD, được gọi là "thư viện Mặt trăng" lên tàu, bên trong có chứa gần như tất cả các trang Wikipedia bằng tiếng Anh, một số ebook và các mẫu ADN. Hàng ngàn con bọ gấu nước cũng được gắn với thư viện này.
Ngày 11/4/2019, tàu Beresheet tìm cách hạ cánh xuống Mặt trăng, nhưng máy tính trên tàu gặp lỗi khiến động cơ không thể vận hành, để rồi va chạm với bề mặt vệ tinh với vận tốc 500km/h.
Tuy nhiên theo Nova Spivack - người sáng lập Arch Mission Foundation - thì chiếc đĩa có vẻ vẫn ổn, và những con bọ gấu nước vẫn còn tồn tại sau vụ va chạm.
Hay nói cách khác, hàng ngàn con bọ gấu nước hiện đang "chill" trên Mặt trăng.
Những "phi hành gia" tí hon siêu cường
Dù vậy theo Guidetti, những con bọ này tuy còn sống nhưng không thực sự hoạt động. Kể cả khi được tiếp xúc với nước trên Mặt trăng cũng chưa chắc đã kích hoạt được, vì quá trình này cần đến cả oxy.
Trước đó, gấu nước đã được chứng minh có thể tồn tại trong môi trường chân không, trong miệng núi lửa, và dưới hồ nước ở Nam Cực sâu tới 50 dặm. Thậm chí, chúng có thể sống lại sau khi bị đóng băng đến 3 thập kỷ.
Theo các nghiên cứu, những sinh vật nhỏ bé này có ngưỡng chịu nhiệt cực khủng, dao động từ -272oC - 151oC. Chúng cũng có thể chịu được phơi nhiễm phóng xạ ở nồng độ cao, và áp suất lớn hơn nơi sâu nhất dưới đại dương tới 6 lần.
Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng lũ bọ này sẽ không thể sống mãi mãi trên Mặt trăng. Thậm chí, chúng sẽ chết sớm hơn bạn tưởng.
"Nếu trực tiếp phải hứng chịu bức xạ từ Mặt trời, chúng có thể chết trong vài ngày" - Ingemar Jönsson, chuyên gia sinh thái học chia sẻ. Hơn nữa theo ông, dao động nhiệt trên Mặt trăng là quá lớn, và điều này cũng không có lợi cho sự tồn tại của gấu nước.
Khả năng sống sót của gấu nước sẽ cao hơn nếu như vụ va chạm đẩy chiếc đĩa xuống dưới bề mặt của Mặt trăng. Nếu điều đó xảy ra, mặt đất sẽ tạo thành lá chắn ngăn tia UV và bức xạ vũ trụ, đồng thời giúp chúng né được nhiệt độ quá kinh khủng trên vệ tinh lâu đời này.
"Nếu điều đó xảy ra, chúng sẽ tồn tại được hàng năm trời" - Jönsson kết luận.