Hàng ngàn hộ dân Đà Nẵng khốn khổ vì nợ mới chồng nợ cũ

GD&TĐ - Ngay sau khi UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định 06 về sửa đổi, bổ sung quy định một số điều của quy định giá các loại đất năm 2019, trong dư luận, người dân địa phương đã bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều. 

Do điều kiện khó khăn nên hàng ngàn hộ dân còn nợ chính quyền thành phố Đà Nẵng tiền đất tái định cư
Do điều kiện khó khăn nên hàng ngàn hộ dân còn nợ chính quyền thành phố Đà Nẵng tiền đất tái định cư

Một trong những đối tượng có ảnh hưởng trực tiếp từ Quyết định này là hàng ngàn hộ dân còn nợ tiền đất sau khi chấp hành chủ trương giải tỏa đền bù và nhận đất tái định cư. Họ rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười” khi nợ cũ chưa trả xong thì chồng thêm số nợ cao gấp hàng trăm lần so với nợ gốc.

Nỗi lo nợ chồng nợ

Mang tâm trạng lo lắng như hàng ngàn hộ dân khi số nợ tiền đất tăng cao sau khi Quyết định 06 có hiệu lực, ông L.V. Lĩnh (trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho hay: Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn nên khi thực hiện mua đất tái định cư, gia đình tôi có nợ tiền đất của thành phố hơn 350 triệu đồng. Làm ăn tích cóp bao năm nay vẫn chưa trả hết số nợ này; tuy nhiên, sau khi Quyết định 06 về điều chỉnh giá đất của UBND thành phố Đà Nẵng có hiệu lực thì số tiền nợ mà gia đình tôi phải trả tăng lên gần 1,8 tỷ.

Còn ông N.V. Dĩnh (ngụ tổ 153, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết: Dành dụm được một số tiền, vợ chồng tôi mua lại mảnh đất của một hộ dân được bố trí tái định cư vẫn còn nợ tiền đất trên đường Nại Hiên Đông 16. Trước Tết Nguyên đán 2019, vợ chồng tôi đến UBND quận Sơn Trà hỏi về số tiền còn nợ là khoảng 360 triệu đồng. Hai ngày sau kỳ nghỉ Tết, vợ chồng tôi mang tiền đến trả thì mới biết số tiền nợ đã tăng lên đến 1,7 tỉ đồng vì Quyết định 06 có hiệu lực thi hành. Bây giờ số tiền nợ quá lớn, thực sự gia đình tôi không biết cách xoay xở thế nào.

Tình cảnh của hai ông L.V. Lĩnh, N.V. Dĩnh cũng là tình cảnh tương tự của hàng ngàn hộ dân còn nợ tiền đất tái định cư của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Theo người dân phản ánh thì nguyên nhân dẫn đến số nợ tăng đột ngột là vì Quyết định 06 của UBND thành phố Đà Nẵng về sửa đổi, bổ sung quy định một số điều của quy định giá các loại đất năm 2019 có hiệu lực từ ngày 11/2/2019. Quyết định điều chỉnh giá đất tăng khiến cho số nợ cũng tăng cao. Nhất là những khu vực, vị trí có giá đất điều chỉnh tăng mạnh đã dẫn đến số tiền nợ của người dân phải trả cao gấp 500% - 600% so với nợ gốc.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, tính đến ngày 31/1/2019, trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng có gần 7.200 hộ dân còn nợ tiền sử dụng đất (có cả số hộ nợ quá hạn và còn trong hạn nộp chậm). Trong đó, số hộ nợ đất tái định cư là 6.958 hộ với số tiền 866,562 tỷ đồng.

Người dân lo lắng khi số tiền nợ tăng cao ngay sau khi Quyết định 06 của UBND thành phố Đà Nẵng có hiệu lực
Người dân lo lắng khi số tiền nợ tăng cao ngay sau khi Quyết định 06 của UBND thành phố Đà Nẵng có hiệu lực 

Tháo gỡ khó khăn cùng người dân

Theo ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, thời gian qua, giá đất của thành phố Đà Nẵng được thực hiện theo Quyết định 46/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016. Qua 2 năm áp dụng, giá giao dịch phổ biến trên thị trường bất động sản tại địa phương có nhiều biến động rất lớn. Theo chứng thư thẩm định giá thì tại thời điểm nghiên cứu điều chỉnh bảng giá đất này, giá đất tại đô thị tỷ lệ tăng bình quân là 4,13 lần (cao nhất 9 lần, thấp nhất 1,86 lần), về giá đất ở nông thôn tỷ lệ tăng bình quân là 2,66 lần (cao nhất 6,83 lần, thấp nhất 1,2 lần). Trong năm 2017, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng đã đặt mới tên đường một số tuyến, cần phải điều chỉnh bảng giá đất. Do đó, căn cứ theo quy định thì phải điều chỉnh bảng giá đất.

Cùng với đó, theo quy định tại Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, đối với hộ gia đình cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất thì phải trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 5 năm; sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ.

Ông Tô Văn Hùng cho biết: Quá trình ban hành bảng giá đất điều chỉnh lần này được thực hiện một cách công khai, rõ ràng nhằm giúp những hộ dân nợ tiền có thể nắm bắt được. Cụ thể, vào tháng 1/2018, Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng thực hiện ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để khảo giá đất phổ biến thị trường nhằm điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn thành phố. Tiếp đó, các đơn vị khảo cùng chính quyền các cấp cơ sở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cùng nghiên cứu, thống nhất, thông qua bảng giá đất.

Sau đó, kết quả khảo sát giá đất phổ biến thị trường được chuyển qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tiến hành các bước tiếp theo. Sau đó trình UBND, HĐND thành phố Đà Nẵng để ban hành, sửa đổi. Như vậy, việc điều chỉnh bảng giá đất được xây dựng trong suốt thời gian từ năm 2018. Về việc thông báo cho người dân để tiến hành nộp khoản tiền nợ, thời gian nộp tiền sử dụng đất đã được quy định tại các điều khoản của hợp đồng giữa người dân với trung tâm phát triển quỹ đất.

Ông Trần Chí Cường - Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết: Theo Luật Đất đai mới và nghị định hướng dẫn thì quá hạn trả nợ là phải áp theo giá hiện hành. Việc số nợ tiền đất của người dân tăng cao sau khi Quyết định 06 có hiệu lực cũng có một phần lỗi của người dân vì để nợ quá hạn. Bởi vì, hằng năm, giá đất được điều chỉnh theo luật. Tức là khi giá đất ở ngoài thị trường kéo dài trong vòng sáu tháng và tăng quá 30% so với khung giá đất của Chính phủ quy định thì phải bắt buộc điều chỉnh giá. Địa phương nào không điều chỉnh thì sẽ vi phạm, cho nên các địa phương bắt buộc phải làm.

Theo luật sư Trương Công Sơn (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng), với quy định này, người dân sẽ chịu thiệt thòi rất nhiều, chính quyền thành phố Đà Nẵng nên sớm có kiến nghị đến Bộ Tài chính, Thủ tướng để có giải pháp hợp lý cho dân. Theo tôi, phương án đề xuất giải quyết vấn đề này là trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất có ghi rõ số tiền còn nợ và đã được quy đổi ra số lượng vàng 98% tại thời điểm ghi nợ. Như vậy, số tiền nợ các hộ dân phải trả sẽ căn cứ theo giá vàng 98% của Nhà nước tại thời điểm trả nợ, quy đổi từ vàng ra tiền để thanh toán. Đồng thời đối với những hộ dân chậm trả theo hợp đồng thì phải thanh toán thêm khoản tiền lãi theo lãi suất ngân hàng đối với khoản tiền chậm trả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ