Đây là những thông tin được NXBGDVN cung cấp với báo chí ngày 21/9 liên quan đến công tác biên soạn, xuất bản, phát hành SGK và các tài liệu, sách tham khảo được dư luận quan tâm, báo chí phản ánh nhiều trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Đức Thái – Chủ tịch Hội đồng thành viên và ông Hoàng Lê Bách – Tổng Giám đốc cùng chủ trì buổi thông tin với báo chí.
Về ý kiến SGK thay đổi liên tục hàng năm, ông Bách cho biết: Nội dung SGK được giữ ổn định qua nhiều năm. NXBGDVN không được phép tự ý thay đổi hoặc thiết kế thêm các phần nội dung của SGK để học sinh viết vào dẫn tới sách phải bỏ đi sau mỗi năm học.
Trong nhiều năm qua, NXBGDVN đã phát động và duy trì phong trào sử dụng lại SGK cũ. Thực tế mỗi năm có gần 35% lượng SGK cũ được học sinh sử dụng lại.
Cụ thể: năm 2018 cả nước có gần 17 triệu học sinh. Theo danh mục SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt từ lớp 1 đến lớp 12, thì trung bình mỗi học sinh cần 10,5 bản sách. Nếu tất cả các học sinh đều sử dụng SGK mới, số lượng SGK cần in là khoảng 170 triệu bản.
Trong khi đó, năm 2018 số lượng SGK được NXBGDVN phát hành là 110 triệu bản, chỉ đáp ứng nhu cầu của gần 65% học sinh, số còn lại là các em sử dụng SGK cũ, SGK mượn từ thư viện, tủ sách dùng chung...
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cung cấp thông tin với báo chí |
Về ý kiến SGK chỉ sử dụng được một lần, ông Hoàng Lê Bách lưu ý: Cần phân biệt rõ SGK và sách tham khảo. SGK là do Bộ GD&ĐT ban hành sử dụng thống nhất trong toàn quốc, thông thường bao gồm sách học sinh và sách giáo viên. Sách tham khảo là mảng sách giúp học sinh thực hành, luyện tập thêm về kiến thức, kĩ năng.
Ông Bách phân tích: Về cơ bản, SGK không thiết kế để học sinh viết vào sách. Khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã xây dựng hệ thống bài tập trong SGK theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau theo xu thế chung của SGK ở các nước phát triển.
Do đó ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), các tác giả có đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi (nối kết)…
Các tác giả đã có những khuyến cáo, nhắc nhở học sinh không được viết vào SGK thông qua sách giáo viên, qua chú thích dưới các bài tập trắc nghiệm trong SGK.
Việc giới thiệu các dạng bài tập trắc nghiệm như đã nêu ở trên còn do yêu cầu về phương pháp dạy học. Điều đó góp phần cụ thể hoá chủ trương đổi mới nội dung, phương pháp dạy học phải gắn liền với việc đổi mới kiểm tra, đánh giá.
Về giá sách, theo quy định hiện hành thì SGK là mặt hàng được quản lí giá bởi Bộ Tài chính. Giá bán SGK không thay đổi trong 8 năm qua, từ năm 2011 đến nay.
Toàn bộ các chi phí in ấn và phát hành SGK, NXBGDVN phải tự hạch toán, tự cân đối; hoàn toàn không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó NXBGDVN là doanh nghiệp nên phải đảm bảo nghĩa vụ với Nhà nước, bảo toàn và phát triển vốn.
Về công tác phát hành, NXBGDVN phát hành SGK thông qua hệ thống các Công ty Sách- Thiết bị trường học, các đối tác phát hành thuộc các tỉnh, thành trong cả nước. NXBGDVN không thực hiện phát hành trực tiếp tới nhà trường.
“Như vậy, hoạt động xuất bản, phát hành SGK hiện nay của NXBGDVN tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. NXBGDVN thực hiện nhiệm vụ in - phát hành SGK hiện hành từ năm 2002 đến nay, đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị” - Ông Hoàng Lê Bách khẳng định.