Trong thời điểm từ tháng 7/2021, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam có diễn biến phức tạp, nhiều kênh phát hành sách trực tiếp tạm dừng để phục vụ yêu cầu chống dịch.
Vượt qua khó khăn, Nhà xuất bản Kim Đồng thông báo, đơn vị vẫn nỗ lực mang sách đến gần bạn đọc hơn, ngay trong những ngày giãn cách xã hội. Thời gian từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8/2021, thời điểm có thể coi là đỉnh dịch trong nước, Nhà xuất bản này đã nhanh chóng đưa ra khá nhiều nhiều chính sách đặc biệt, nhất là cơ chế miễn phí vận chuyển trong thời gian ấn định hoặc các đơn hàng có giá trị nhất định theo từng khu vực…
Thay vì chỉ tự lực bán lẻ qua kênh riêng của đơn vị, Nhà xuất bản Kim Đồng tận dụng sàn thương mại điện tử lớn để đưa sách đến bạn đọc nhiều hơn trong dịp này.
Theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng - cho rằng nên có một số chính sách hỗ trợ các đơn vị xuất bản như: Miễn giảm thuế, phí, tiền điện, Internet, cước vận chuyển...
Khó khăn nhất hiện nay chính là giao sách, cần quy định sách là mặt hàng thiết yếu để sách có điều kiện đến tay bạn đọc.
Trên thực tế, cách làm của Nhà xuất bản Kim Đồng không phải là mới, cách làm này được rất nhiều nhà xuất bản lớn trong nước triển khai để thích ứng với đại dịch.
Thời gian gần đây, sách của nhiều nhà sách, Nhà xuất bản có uy tín đã trở thành mặt hàng quen thuộc trên nhiều sàn thương mại trực tuyến lớn như: Vinabook, Tiki, Lazada, Shopee…
Trang web chính thức của nhiều nhà sách, Nhà xuất bản cũng để sẵn link kết nối thẳng đến các địa chỉ này nhằm giúp bạn đọc truyền thống của đơn vị dễ dàng tìm kiếm được cuốn sách theo nhu cầu.
Song song với đó, các cuộc thi, buổi tọa đàm, giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm bằng hình thức trực tuyến cũng ngày càng phổ biến hơn.
Theo ghi nhận từ hệ thống nhà sách Phương Nam, doanh số bán sách online trong thời gian dịch bệnh vừa qua đều tăng. Đây là một hiện tượng đối với Phương Nam, khi lần đầu tiên doanh số sách online tăng vượt kế hoạch đề ra.
Theo ghi nhận của nhiều đơn vị lớn trong lĩnh vực bán sách online hiện nay cho thấy, năm mảng sách bán chạy nhất trong đợt dịch là: Sách văn học, kỹ năng sống, thiếu nhi, kinh tế và truyện tranh. Đặc biệt, hai loại sách có mức độ tăng trưởng cao trong hai tháng đầu năm nay là sách y học và sách thường thức gia đình.
Sự tăng trưởng đột biến của phát hành sách online ít nhiều bù đắp một phần doanh thu cho các đơn vị, giúp cho các đơn vị có thêm cơ hội duy trì hoạt động.
Cùng với thị trường sách online, thị trường sách điện tử cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Nhiều đơn vị trong khối phát hành sách được cấp phép phát hành sách điện tử cho biết, thời điểm dịch giãn cách, không chỉ doanh thu tăng, lượng user truy cập tăng lên trong đó đối tượng bạn đọc VIP tăng đáng kể; số thư viện mua account tăng....
Việc huy động kinh phí để tổ chức xuất bản sách in truyền thống (với sự phối hợp với các nhà xuất bản, nhà sách) sau khi xuất bản phiên bản điện tử thuận lợi hơn. Việc thí điểm bán lưu niệm và các vật phẩm văn hóa khác qua fan club cũng có nhiều thuận lợi, mở ra nguồn doanh thu mới ngoài sách.
Ngoài ra, mảng truyện tranh cũng được nhiều Nhà xuất bản phát triển. Điều này có vẻ phù hợp với thực tế, khi chị Nguyễn Thịnh (Hà Nội) cho biết trong nhiều tháng nay chị và hai con nhỏ đã bỏ thói quen la cà trong các nhà sách, tiệm cafe sách và chuyển sang đặt mua sách online, cùng các con đọc sách ở nhà vừa là để giải trí, thêm kiến thức, vừa để thực hiện phòng chống dịch bởi các cháu còn nhỏ chưa được tiêm vắc xin cũng cần hạn chế đến những nơi công cộng."
Theo chị Thịnh chia sẻ thêm: Hiện có dịch vụ giao sách nhanh, mình ở nội thành đặt mua trong vòng hai tiếng đã được giao. Hôm trước ngồi nói chuyện với bạn, vừa giới thiệu quyển sách Đồng hành cùng con học, bạn mình thích quá bảo đặt mua giùm trên dịch vụ Giao hàng nhanh TikiNOW giao hàng chỉ trong 2 giờ đồng hồ. Kết quả là chưa tàn câu chuyện trước khi bạn chào ra về đã có sách giao đến."
Có thể thấy khoảng thời gian giãn cách xã hội và tạm dừng các hoạt động vui chơi giải trí lại là một cơ hội cho các đơn vị xuất bản trong việc tái cơ cấu lại các loại hình sách, thăm dò nhu cầu thị trường và tập trung vào những loại sách mà hiện tại bạn đọc đang có nhu cầu cao.
Ngoài ra, cùng với các kênh bán online chung (còn chưa nhiều) như Tiki, Shoppee, Fahasa…, các đơn vị phát hành cũng cần đầu tư thêm vào chính các kênh bán online của mình, tăng cường quảng bá, giới thiệu và cập nhật liên tục thông tin về các đầu sách mới, kết hợp với các biện pháp kích cầu… để vượt qua thời điểm khó khăn này.