Chưa kịp hồi phục sau khi có quy định phạt nặng uống rượu bia lái xe, dịch virus Corona lại ập đến khiến các nhà hàng, quán ăn rơi vào cảnh “ngắc ngoải”.
Kinh doanh nhà hàng tê liệt
Sau khi dịch virus Corona (Covid-19) bùng phát, nhiều người hạn chế ra khỏi nhà, “trốn” các nơi công cộng, sợ ăn uống quán xá bởi lo lây nhiễm bệnh. Nhà hàng bia Hải Xồm trên đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội bao phủ một cảnh tượng yên vắng đến lạnh lẽo. Ngồi lấp sau tán cây lớn, ông Bằng, bảo vệ nhà hàng than thở: “Sắp đóng cửa rồi, những bảo vệ khác nghỉ hết rồi, giờ chỉ còn mình tôi ở lại đợi xem có khách ghé vào thì thông báo cho họ biết là nhà hàng vẫn mở”. Ông Bằng cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh của nhà hàng gần như đình trệ hoàn toàn, nhân viên cũng chỉ còn lại ít người chủ chốt.
Anh Nguyễn Hưởng, quản lý nhà hàng thông tin: Lượng khách giảm thêm 10-20% sau khi đã giảm do tác động của Nghị định 100 được ban hành trước đó không lâu. Hiện, mỗi ngày chỉ khoảng vài chục khách ghé quán. Các cơ quan, doanh nghiệp không còn mặn mà với những bữa tiệc ở nhà hàng do lo ngại dịch bệnh lây lan nên khách đến chỉ là vài thanh niên nhỡ nhàng bữa ăn…
“Những tác động lớn về dịch bệnh do Covid-19 không còn được xem là ảnh hưởng nặng nề mà phải nói cho đúng là sự triệt tiêu đối với nhiều nhà hàng, nhất là những nhà hàng không có thương hiệu”, anh Hưởng nhận định.
Theo chia sẻ của anh Hưởng, sau khi Nghị định 100 ban hành, tuy phải bù lỗ vì lượng khách sụt giảm quá nhanh nhưng nhà hàng vẫn còn kế sách chuyển đổi mô hình để tận dụng được những thứ sẵn có. Theo đó, Hải Xồm trước đó đã tính đến việc chuyển sang hình thức ăn uống tự chọn (buffet), vừa thu hút được nhiều đối tượng, lại không bị ảnh hưởng của bia rượu. Tuy nhiên, chưa kịp trở tay thì dịch bệnh đã ập đến trong thời điểm khó khăn nhất nên nhà hàng không cách nào khác buộc phải cắt giảm nhân viên, hạ giá bán đồ ăn, thậm chí đưa ra nhiều ưu đãi cho khách hàng cũng khó có thể trụ lại qua thời kỳ kinh doanh khó khăn này.
“Với 6 nhà hàng hoạt động trên địa bàn Hà Nội, lúc nào cũng nườm nượp khách, song đến nay hệ thống Hải Xồm đã phải đóng cửa một cơ sở tại phố Tố Hữu (Hà Đông, Hà Nội) vì lượng khách không đến 10 người/ ngày. 5 nhà hàng còn lại cũng đang duy trì với lượng khách ít ỏi, sẵn sàng trong tư thế “sập” bất cứ lúc nào”, anh Hường tiếc nuối.
Thê thảm hơn, chuỗi nhà hàng Lan Chín đã phải đi đến quyết định “đau đớn” là đóng cửa 5 cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội. “Dịch bệnh Corona kéo dài có thể xóa sổ thương hiệu Lan Chín mà tôi đã dày công gây dựng. Chúng tôi đã nếm đủ cay đắng sau Nghị định 100 nên không còn đủ sức để tiếp tục gánh lỗ lên đến 300-400 triệu đồng/ngày. Mặc dù, nhiều người cho rằng bán đồ ăn online sẽ là cách tốt trong thời điểm này nhưng sẽ bán cho ai khi chính đồ ăn người khác làm ra là thứ đáng sợ nhất với khách hàng”, bà Nguyễn Thị Lan, chủ chuỗi nhà hàng Lan Chín buồn bã.
Nói về việc tại sao không thể duy trì khi phát triển một chuỗi nhà hàng lớn mạnh không phải chuyện dễ dàng, bà Lan nhận định: “Dịch bệnh chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Nếu cố giữ lại nhà hàng còn phải đối diện với tình cảnh “thoi thóp” này dài dài. Nhưng trong kinh doanh, chiến thắng là phải chớp thời cơ đúng lúc, chứ không phải gượng dậy đi ngược với thực tế”.
Tương tự, tại những nhà hàng có lượng khách quen ổn định cũng đành phải “bó tay” trước tình hình hiện nay. Anh Nguyễn Quang Huy, chủ nhà hàng Mộc Sinh (Xa La, Hà Đông) ngán ngẩm cho biết: 2 nhà hàng của anh kinh doanh nhiều năm nay, có lượng khách quen đông đúc nên chỉ giảm 40% sau tác động của Nghị định 100. Đây được đánh giá là “mức thiệt hại thành công” khi nhiều nhà hàng khác có mức giảm đến 70%. Song, sau Tết đến giờ, nhà hàng gần như tê liệt hoàn toàn khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
“Sau khi nghỉ Tết, cũng là thời điểm dịch bệnh bùng phát nên nhân viên không đi làm trở lại. Hơn nữa, nhà hàng cũng đánh giá được hoàn cảnh này còn tác động lâu dài nên cũng không còn động lực bù lỗ, đành phải đóng cửa một nhà hàng tại hồ Văn Quán. Nhà hàng còn lại hoạt động cầm chừng với khoảng 10 nhân viên chủ chốt gồm 1 kế toán, 1 đầu bếp, 1 phụ bếp, 1 quản lý và 6 nhân viên tạp vụ, bưng bê, tức là đã phải “cắt gọt” nhân sự tối đa. Ngoài chi phí lương khoảng hơn 2 triệu đồng/ngày, nhà hàng phải trả tiền thuê mặt bằng 3 triệu đồng/ngày, chưa kể tiền điện nước, phát sinh. Khoản chi phí không lớn đối với hoạt động kinh doanh nhưng lại khá lớn với một nhà hàng chưa tìm được lối đi tiếp theo”, anh Huy chia sẻ.
Cũng phải đóng cửa một nhà hàng để gom về làm tại một điểm có số khách nhỉnh hơn, anh Sáng, chủ nhà hàng Ếch Xinh trên đường Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: Mọi cố gắng cho hoạt động kinh doanh về dịch vụ ăn uống thời điểm này đều vô nghĩa bởi nó phụ thuộc hoàn toàn vào lý do khách đến nhà hàng. Từ khi có dịch Corona, lượng khách ngày càng giảm vì lo sợ lây bệnh khiến cho doanh thu của nhà hàng liên tục chạm đáy trong vài tuần qua.
Bám víu sợi dây cuối cùng: Thương hiệu
Dù biết cục diện khó thay đổi song nhiều nhà hàng đã tính đến việc cắt giảm hết nhân sự, tối giản thiệt hại nhằm giữ lại bản sắc của mình.
Đó là tia hy vọng cuối cùng để thương hiệu Hải Xồm cố duy trì những nhà hàng còn lại. Anh Hưởng cho rằng, thương hiệu là giá trị cốt lõi, tạo nên linh hồn cho nhà kinh doanh, vì vậy, khi không có cách thay thế cục diện thì phải đưa nó về bài toán tối ưu nhất. Theo anh Hưởng, tại các nhà hàng Hải Xồm cũng chỉ còn duy trì khoảng 10-20 người cho các bộ phận thay vì 60-70 người trước đó. Chính vì thế, thiệt hại cũng giảm đi đáng kể, từ con số hàng trăm triệu đồng mỗi ngày xuống còn chục triệu. “Nếu theo tính toán, vào tháng 3 thời tiết sẽ ấm hơn, hy vọng dịch bệnh sẽ không còn lo ngại thì việc kinh doanh của nhà hàng có thể bắt đầu lại”, anh Hưởng nói.
Tương tự, nhà hàng gà Mạnh Hoạch trên đường Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội), một thương hiệu đồ ăn nhanh được ưa chuộng cũng đang gồng mình giữ lấy thương hiệu mặc dù lượng khách chỉ lác đác vài người, thậm chí cả ngày không có đến một đơn hàng. Ông Tư, chủ nhà hàng khẳng định: Nếu những nhà hàng nhỏ lẻ thì chắc chắn họ sẽ phải đóng cửa khi phải lỗ liên tục trong thời gian dài sau Nghị định 100. Tuy nhiên, thương hiệu là mục tiêu duy nhất bây giờ của những nhà hàng chuỗi.
Hệ thống nhà hàng Thu Hằng cũng đang duy trì hoạt động 5 nhà hàng, việc thay đổi mô hình được tính đến trước đó coi như hết đường thực hiện. Hiện tại, Thu Hằng cũng đã cho nhân viên nghỉ làm, giảm bớt các khâu để giảm chi phí. “Bức tranh toàn cảnh đã hiện rõ ràng, nên việc tìm một phương thức kinh doanh mới là không khả thi bởi thương hiệu nó là cảm nhận vô hình đi sâu vào tiềm thức mỗi người, không thể thay đổi ngày một ngày hai. Chính vì điều đó, Thu Hằng vẫn đặt thương hiệu là ánh sáng cuối cùng cho chặng đường dài trước mắt”, quản lý chuỗi nhà hàng Thu Hằng cho biết.